(HNM) - Với tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung, thể hiện rõ vai trò cầu nối giữa thực tiễn với lý luận, giữa tâm tư, nguyện vọng của cử tri, nhân dân với các quyết sách trình Quốc hội xem xét thông qua, có thể khẳng định, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, sâu sắc về các dự thảo luật, nghị quyết trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.
Truyền tải hiệu quả ý kiến của cử tri, nhân dân
Ngay từ sau kỳ họp thứ ba đến trước kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề, khảo sát việc thực hiện chính sách pháp luật liên quan đến các dự án luật, nghị quyết được Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ tư, thu hút sự tham gia đóng góp ý kiến của hàng nghìn chuyên gia, nhà khoa học, cử tri trên địa bàn thành phố.
Tiếp thu tối đa nội dung tại các hội nghị lấy ý kiến, tiếp xúc cử tri chuyên đề, các đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến thiết thực tại kỳ họp thứ tư. Cho ý kiến về danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá trong dự thảo Luật Giá (sửa đổi), đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh việc đưa mặt hàng kiểm soát do Nhà nước định giá là cần thiết nhằm bình ổn giá, nhưng điều quan trọng hơn là phải bảo đảm nguồn cung ứng, không để xảy ra đứt gãy. “Trong quá trình quản lý, điều hành phải bảo đảm thực hiện được mục tiêu kép vừa ổn định giá và không đứt gãy nguồn cung, trong đó bảo đảm đủ nguồn cung hàng hóa là ưu tiên số một, tránh tình trạng khan hiếm nguồn xăng dầu như thời gian vừa qua”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Cho ý kiến về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), đại biểu Khuất Việt Dũng nêu, thực tế thời gian qua có nhiều vụ việc liên quan đến đấu thầu gây thất thoát lớn nhưng cũng có nhiều vụ việc thực hiện đúng quy trình của luật, bên cạnh đó, nhiều quy định gây khó khăn cho nhà đầu tư. Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng, Chính phủ trình 10 trường hợp chỉ định thầu, mở rộng hơn so với luật hiện hành là chưa phù hợp và đồng tình với 4 trường hợp được chỉ định thầu đã nêu trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. Để hiệu quả đấu thầu thực chất, tránh lãng phí, hình thức, có ý kiến đại biểu đề nghị cần có cơ quan quản lý nhà nước về giá để có sự so sánh, đối chiếu khi tiến hành đấu thầu; đồng thời tăng cường đấu thầu qua mạng để công khai, minh bạch, giảm tiếp xúc.
Thảo luận về dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), đại biểu Trương Xuân Cừ nêu quan điểm, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chủ yếu xoay quanh 3 đối tượng là người tiêu dùng, người sản xuất và người phân phối. Tuy nhiên, các quy định về trách nhiệm, quyền hạn, xử lý chưa sâu, chưa rõ nên luật khó đi vào cuộc sống. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định về quyền được tư vấn của người tiêu dùng, nhất là người cao tuổi, người yếu thế, người dễ bị tổn thương; quy định rõ trách nhiệm của người sản xuất và phân phối hàng giả, hàng kém chất lượng; đồng thời cần có quy định về vai trò của tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, ban công tác Mặt trận của tổ dân phố trong việc tham gia bảo vệ người tiêu dùng…
Góp ý về dự thảo Luật Hợp tác xã, đại biểu Nguyễn Thị Lan cho rằng, luật cần tạo điều kiện để nhiều đối tượng có thể tham gia góp vốn, tuy nhiên theo Luật Cán bộ, công chức không cho phép công chức, viên chức góp vốn vào hợp tác xã. “Như vậy, một bộ phận các nhà khoa học và các trường đại học sẽ không thể tham gia điều hành hoặc đóng góp trí tuệ nhằm tăng thêm tiềm năng, nâng cao giá trị gia tăng cho các hợp tác xã, để hợp tác xã phát triển đúng với tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới là tạo sự khác biệt giữa hợp tác xã với doanh nghiệp”, đại biểu Nguyễn Thị Lan nói.
Đối với dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, đại biểu Nguyễn Hữu Chính nhận định, khi người dân trúng đấu giá thì biển số đó là tài sản tư. Nếu xác định đó là tài sản công thì sẽ hạn chế một số quyền của người dân, như việc chỉ cho phép quyền chuyển nhượng, thừa kế, tặng, cho trong trường hợp biển đã gắn với xe. Còn nếu cho đó là tài sản tư thì phải tuân thủ các quy định của Bộ luật Dân sự 2015. “Khi đó, biển số chưa gắn với xe cũng thuộc quyền sở hữu cá nhân, được cho, tặng, chuyển nhượng, thừa kế không gắn với xe”, đại biểu Nguyễn Hữu Chính nhận xét.
Tâm huyết, trách nhiệm với công tác lập pháp
Bên cạnh đóng góp thiết thực đối với các dự án luật, nghị quyết được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp, các đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã tiếp tục nghiên cứu, cho ý kiến vào các dự án luật được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp. Qua đó thể hiện tâm huyết, trách nhiệm đến cùng của đại biểu dân cử đối với công tác lập pháp của Quốc hội.
Đóng góp vào dự thảo luật đang được quan tâm hiện nay là dự án Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho rằng, đây là một dự án luật khó và hết sức quan trọng, tác động tới tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đến các lĩnh vực kinh tế, đời sống xã hội, đặc biệt đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Do đó, đại biểu cho rằng cần cân nhắc xem xét dự thảo Luật theo quy trình 3 kỳ họp để cơ quan soạn thảo có thêm thời gian hoàn thiện, bảo đảm chất lượng, tính ổn định, dài hạn và tính khả thi của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp giữa năm 2023, có hiệu lực từ ngày 1-1-2024, vẫn bảo đảm tiến độ ban hành luật.
Đối với vấn đề tự chủ của bệnh viện công trong dự thảo Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, cần phải quy định rõ tự chủ là trao quyền cho các bệnh viện được tự quyết định trong hoạt động khám, chữa bệnh, được quyền quyết định về tổ chức bộ máy và con người phù hợp với các hoạt động khám, chữa bệnh của bệnh viện, tự chủ trong quyết định những vấn đề về tài chính của bệnh viện, kể cả nguồn tài chính do ngân sách đầu tư.
Để hoàn thiện dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh nhận định, việc thực hiện thanh tra chuyên ngành của bảo hiểm, các cơ quan bảo hiểm xã hội đã được tổ chức và hoạt động ở cả cấp trung ương, cấp địa phương và đã phát huy hiệu quả. Thực tế tổ chức và hoạt động của hệ thống thanh tra chuyên ngành của cơ quan Bảo hiểm xã hội vẫn đang hoạt động, nếu đưa vào đây cũng không thể phát sinh thêm tổ chức bộ máy. Bên cạnh đưa thanh tra chuyên ngành của Bảo hiểm xã hội Việt Nam phạm vi của Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu cũng đề xuất thêm phương án đưa ra khỏi phạm vi điều chỉnh của luật này đối với thanh tra chuyên ngành của Bảo hiểm xã hội và đề nghị thực hiện theo Luật Bảo hiểm xã hội, bởi lẽ trong dự thảo Luật Thanh tra cũng chưa sửa hết những nội dung cần phải sửa trong Luật Bảo hiểm xã hội.
Thảo luận về Luật Dầu khí (sửa đổi), nhận định công tác điều tra cơ bản về dầu khí phải đi trước một bước, có vai trò hết sức quan trọng trong việc định hướng công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí trong bối cảnh ngày càng ít phát hiện các mỏ dầu khí mới trong thời gian vừa qua, đại biểu Tạ Đình Thi cho rằng, cần bổ sung một khoản quy định về chính sách ưu đãi đối với các hoạt động nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản về dầu khí thu hút các nhà đầu tư chiến lược hàng đầu thế giới có công nghệ nguồn hiện đại, trình độ quản lý tiên tiến, trên nguyên tắc bình đẳng cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; bổ sung chính sách về bảo vệ môi trường biển, ứng phó với biến đổi khí hậu trong các hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí.
Để không bỏ sót, lọt hành vi vi phạm, nâng cao hiệu quả phòng, chống bạo lực gia đình trong dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà cho biết, nên phân hành vi bạo lực gia đình thành 6 nhóm trên cơ sở khách thể bị hành vi bạo lực gia đình xâm hại, gồm: Các hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe; các hành vi xâm phạm nhân phẩm, danh dự; các hành vi xâm phạm sở hữu kinh tế; các hành vi xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do dân chủ của công dân; các hành vi xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình; các hành vi xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng.
Có thể nói, các ý kiến phát biểu thảo luận của đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã thể hiện sự tâm huyết, trí tuệ, sâu sắc, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành đánh giá cao, đồng thời tiếp thu, tổng hợp, nghiên cứu các ý kiến để hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.