Đoạn đứt gãy ở trũng Cửu Long, Nam Côn Sơn, ngoài khơi biển Phan Thiết, nơi xảy ra trận động đất sáng 23/6, có thể sẽ tiếp tục có những trận động đất tiếp theo. Tuy nhiên, Việt Nam không dự báo được thời gian xảy ra.
Dư chấn trận động đất sáng (23-6) trên vùng biển Việt Nam (khu vực xanh đậm). Ảnh: earthquake.usgs.gov |
"Động đất ở đoạn đứt gãy trên, diễn ra lần đầu tiên vào năm 2005, rồi cuối năm 2007 lại tiếp diễn trận khác. Đây không phải là dạng chu kỳ mà xảy ra theo chuỗi nhiều trận, có khả năng trong thời gian tới động đất vẫn còn diễn ra tại khu vực này", Giáo sư Nguyễn Đình Xuyên, Viện Vật lý địa cầu cho biết.
Theo ông Xuyên, hiện nay Việt Nam không dự báo được thời gian xảy ra động đất, mà chỉ xác định được khu vực có động đất và sức mạnh chấn động gây ra. Đoạn đứt gãy ở trũng Cửu Long, Nam Côn Sơn, có khả năng xảy ra động đất mạnh nhất là cấp 7, khi đó TP HCM có thể chịu ảnh hưởng dư chấn tới cấp 5 hoặc 6.
Đại diện Viện Vật lý địa cầu cũng cho biết, trận động đất sáng 23/6 gây chấn động ở tỉnh Vũng Tàu khoảng cấp 4, Phan Thiết cũng tương tự. "Hiện nay chúng tôi chưa nhận được bất cứ phản ánh nào của người dân cho thấy động đất gây hậu quả", ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận khẳng định với PV.
Về việc Sài Gòn có khả năng xảy ra động đất hay không, Viện vật lý địa cầu lý giải thích, thành phố nằm ở đoạn đứt gãy sông Sài Gòn, nên có khả năng xảy ra động đất. "Tuy nhiên, từ thế kỷ 16 đến nay, TP HCM chưa từng xảy ra trận động đất nào", ông Lê Minh Triết, Hội đồng khoa học liên ngành Viện khoa học và công nghệ Việt Nam cho biết.
Sáng nay, trận động đất 4,7 độ richterở đoạn đứt gãy trũng Cửu Long, Nam Côn Sơn đã gây ra dư chấn từ cấp 2 đến cấp 4 ở Sài Gòn. Nhiều người ở các nhà cao tầng trong khu vực Đồng Nai, TP HCM, cảm nhận rõ sự rung lắc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.