(HNM) - Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu khách quan trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu. Đó là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân và tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số.
Vậy, Hà Nội đã sẵn sàng cho chuyển đổi số?
Thành phố Hà Nội hiện có 10 triệu thuê bao di động và 1,7 triệu thuê bao băng rộng cố định. 80% người dân sử dụng điện thoại thông minh; tỷ lệ phủ sóng di động 3G đạt 100%, 4G đạt 95,82%. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông đều chọn Hà Nội để thử nghiệm mạng 5G. Do vậy, Hà Nội đã hội tụ đủ nền tảng để chuyển đổi số, từ hạ tầng tới sự tham gia của người dân.
Những năm qua, thành phố đã triển khai thành công các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và phần mềm một cửa điện tử dùng chung trên phạm vi 3 cấp chính quyền, với 1.671 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ 100%. Nỗ lực của thành phố bước đầu mang lại hiệu quả tích cực cho xã hội, như người dân có thể đăng ký khám chữa bệnh và tuyển sinh trực tuyến; phòng, chống dịch Covid-19; tương tác giữa chính quyền và người dân nhanh hơn…
Điều này cho thấy, việc ứng dụng công nghệ hướng đến chuyển đổi số cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ, từ đó giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tăng sức cạnh tranh của thành phố. Đồng thời người dân và doanh nghiệp được phục vụ tốt hơn, góp phần phát triển toàn diện kinh tế - xã hội Thủ đô.
Ngày 10-9-2020, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 205-KH/TU thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TƯ ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”; với một số chỉ tiêu như: Đến năm 2025, Hà Nội sẽ phát triển mạng di động 5G để mọi người dân được truy cập internet băng thông rộng; phát triển hạ tầng số làm nền tảng cho xây dựng chính quyền số, kinh tế số; cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan… Đây là những định hướng lớn cho việc chuyển đổi số trong giai đoạn tới.
Để đạt được các mục tiêu này, bên cạnh tư duy, nhận thức thống nhất, cần có cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số. Cụ thể hơn, thành phố đang tiếp tục thu hút đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng viễn thông để mỗi gia đình có một đường cáp quang internet, mỗi người dân có một điện thoại thông minh - điều kiện cần giúp tham gia quá trình chuyển đổi số. Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng, triển khai nhiều ứng dụng trên nền tảng công nghệ thông tin để hướng tới phát triển đô thị thông minh gắn với chính quyền số.
Cũng để thụ hưởng thành tựu của chuyển đổi số, mỗi doanh nghiệp cần chủ động tham gia bằng cách tự trang bị máy móc, ứng dụng được các nền tảng công nghệ mới… Yếu tố quan trọng nữa là đầu tư đào tạo nguồn nhân lực thích nghi các yêu cầu chuyển đổi số, sẵn sàng thay đổi quy trình làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số.
Đồng hành với chuyển đổi số, mỗi người dân Thủ đô cần tự trang bị kiến thức có thể ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hằng ngày, tích cực sử dụng các phương pháp giao tiếp, làm việc mới để quá trình chuyển đổi số phát huy hiệu quả.
Chuyển đổi số bắt đầu từ cơ quan nhà nước nhưng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Vì vậy, tinh thần, sự chuẩn bị sẵn sàng, tích cực tham gia của mỗi cá nhân, doanh nghiệp sẽ tạo sự đồng bộ để chuyển đổi số thành công.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.