Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đồng bộ các giải pháp ứng phó

Đức Duy| 07/08/2015 06:54

(HNM) - Biến đổi khí hậu (BĐKH) diễn biến ngày càng khó lường và tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp nước ta. Thực trạng đó đòi hỏi ngành nông nghiệp phải xây dựng kế hoạch, chương trình hành động với những biện pháp phù hợp để chủ động ứng phó.


Tác động ngày càng gia tăng

Trong những năm gần đây, BĐKH đã gây ra những đợt hạn hán, nắng nóng, mưa lũ, giông lốc bất thường ở khắp các vùng trong cả nước. Đặc biệt, 2 năm gần đây, mức độ ảnh hưởng của BĐKH tới nền nông nghiệp ngày càng lớn. Tại miền Trung, Tây Nguyên, hạn hán đã gây ra hiện tượng sa mạc hóa. Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), trong 6 tháng đầu năm 2015, ngành trồng trọt có mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Nguyên nhân chính là do nhiều địa phương bị ảnh hưởng nặng nề của thời tiết khắc nghiệt, thiên tai.

Trạm bơm dã chiến Bá Giang cấp nước chống hạn cho vụ đông. Ảnh: Thái Hiền



Theo ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), trong những năm gần đây, chưa bao giờ ngành nông nghiệp lại bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai như năm 2015. Biểu hiện rõ nhất là tại các tỉnh Nghệ An, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắc Nông, Khánh Hòa... hạn hán đã khiến hệ thống sông, ngòi, ao, hồ cạn trơ đáy, nước sản xuất và sinh hoạt thiếu trầm trọng, gây thiệt hại khoảng 45.000ha cây trồng, hàng vạn con gia súc bị chết khát; các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ xâm nhập mặn, gây thiệt hại hàng chục nghìn héc ta lúa, cây ăn quả...

Hai năm qua, Hà Nội cũng thường xuyên chịu tác động của những hình thái thời tiết cực đoan. Tác động rõ nhất là trong vụ mùa 2015, hạn hán cục bộ đã ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất nông nghiệp của các huyện Phúc Thọ, Thạch Thất và Quốc Oai. Theo ông Nguyễn Vĩnh Liên, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT), thông thường hạn hán chỉ xảy ra ở vụ xuân, còn khi bước vào vụ mùa đã là mùa mưa, thậm chí đã có lũ tiểu mãn. Nhưng năm nay, mùa mưa đã kéo dài gần 2 tháng nhưng nhiều khu vực của Hà Nội vẫn thiếu nước sản xuất; hệ thống hồ đập chỉ còn 20-40% dung tích thiết kế, mực nước Sông Hồng xuống quá thấp... "Đây là lần đầu tiên trong gần 80 năm, ngành thủy lợi phải lắp trạm bơm dã chiến để tiếp nước chống hạn cho vụ mùa" - ông Liên cho biết.

Xây dựng các giải pháp ứng phó

Mới đây, tại hội thảo "Nông nghiệp thích ứng với BĐKH: Kết hợp hài hòa giữa giảm thiểu, thích ứng và
an ninh lương thực", Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho biết, Việt Nam được dự báo là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ hiện tượng nóng lên toàn cầu, nước biển dâng do BĐKH. Theo kịch bản, nếu nước biển dâng lên 1m, thì từ 0,3 triệu đến 0,5 triệu héc ta ở Đồng bằng sông Hồng sẽ bị ngập; ở Đồng bằng sông Cửu Long là 1,5-1,8 triệu héc ta và có nguy cơ mất 7,6 triệu tấn lúa/năm. Do đó, công tác bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, quản lý đê điều và phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai là nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong thời gian tới. Đồng thời, ngành nông nghiệp phải tính toán tái cơ cấu sản xuất lĩnh vực trồng trọt theo hướng chiến lược lâu dài. Trong đó, tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tăng cường các biện pháp canh tác, các phương thức sản xuất nông nghiệp phục vụ đa mục tiêu, bảo đảm an ninh lương thực, tăng thu nhập cho nông dân và giảm phát thải khí nhà kính.

Đặc biệt, ngành trồng trọt tập trung vào nghiên cứu lai tạo các giống cây trồng mới thích nghi với BĐKH như: Chống chịu được rét, nóng, khô hạn, ngập úng hay nhiễm mặn… Ngoài ra, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp xanh; xúc tiến hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nền kinh tế nông nghiệp "thông minh" thích ứng với BĐKH.

Đối với Hà Nội, hiện tượng giông lốc, hạn hán cục bộ xảy ra với sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua là dấu hiệu của BĐKH gây ra. Để chủ động các biện pháp ứng phó, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Xuân Việt, trước mắt ngành nông nghiệp cần tập trung nâng cấp hệ thống đê điều, thủy lợi để phục vụ tốt công tác phòng chống úng, hạn cho sản xuất và đời sống dân sinh. Đồng thời, sớm triển khai chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi hợp lý, phù hợp với từng vùng sinh thái. Về dài hạn, cần quy hoạch lại lĩnh vực thủy lợi, đầu tư khoa học kỹ thuật để công tác thủy lợi phục vụ được đa mục tiêu và tiết kiệm nước. Bên cạnh đó, đẩy mạnh nâng cao chất lượng công tác cảnh báo, dự báo, giám sát BĐKH để chủ động phòng tránh, ứng phó giảm nhẹ thiên tai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng bộ các giải pháp ứng phó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.