(HNM) - Công tác quản lý, giám sát sản phẩm nông nghiệp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm an toàn cho người dân khi Tết đến Xuân về; thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh... mà còn góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ uy tín thương hiệu nông sản trên thị trường.
Thời điểm này, để bảo đảm nguồn cung nông sản an toàn cho người tiêu dùng, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội cũng như nhiều địa phương đang đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh tại các chợ đầu mối, cơ sở chế biến, hệ thống cửa hàng kinh doanh sản phẩm nông nghiệp. Công việc “đến hẹn lại lên” này đem lại hiệu quả đáng ghi nhận, góp phần ngăn ngừa những sự cố mất an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng cũng chỉ giải quyết “phần ngọn”- giải pháp mang tính tình thế mà thôi.
Theo một thống kê của ngành Nông nghiệp, hiện tại trên địa bàn thành phố có 17.678 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư, sản phẩm nông nghiệp..., trong đó có 16.256 cơ sở thuộc diện nhỏ lẻ nằm trên địa bàn các xã nên việc kiểm tra, kiểm soát gặp không ít khó khăn. Trong khi đó, nhận thức về an toàn thực phẩm của không ít cán bộ địa phương cũng như chủ sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế. Do vậy, nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm luôn là vấn đề “nóng”.
Để hạn chế các sự cố mất an toàn thực phẩm và giải quyết “bài toán” chất lượng sản phẩm nông nghiệp, bên cạnh việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản có hành vi vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, Hà Nội và các địa phương cần có các giải pháp căn cơ, bền vững hơn. Nói cách khác là quản lý nông sản từ “gốc”!
Trước hết, ngành Nông nghiệp cần đầu tư, hình thành và hoàn thiện hệ thống quản lý, giám sát chất lượng sản phẩm nông nghiệp trước khi đưa ra thị trường (kể cả các loại hàng hóa nông sản xuất, nhập khẩu); có giải pháp giám sát chặt chẽ hoạt động của hệ thống này. Một mặt, cùng với việc thanh tra, kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm, cơ quan chức năng cần công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các sản phẩm, địa chỉ cơ sở vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm; mặt khác, nghiên cứu, bổ sung, tăng nặng các hình phạt bảo đảm tính răn đe, ngăn ngừa sai phạm.
Cùng với đó là việc đổi mới chính sách, thúc đẩy xây dựng, phát triển các vùng sản xuất nông sản an toàn, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh… gắn với việc truy xuất nguồn gốc để quản lý, giám sát chất lượng sản phẩm nông nghiệp từ gốc; tạo cơ chế, đặc biệt là cơ chế tín dụng để khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại trong chế biến nông sản, thực phẩm; qua đó, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm và bảo đảm các tiêu chuẩn, quy định trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm.
Từ nay đến Tết Nguyên đán, cùng với việc tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nông sản trên thị trường cũng như nông sản từ các tỉnh, thành phố đưa về tiêu thụ tại Hà Nội, các cơ quan truyền thông cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về an toàn thực phẩm để người tiêu dùng tự bảo vệ mình, mua nông sản, thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng tại các cơ sở kinh doanh, điểm bán hàng có uy tín trên địa bàn.
Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, chắc chắn Hà Nội và các địa phương sẽ vừa nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp vừa ngăn chặn, đẩy lùi các sự cố mất an toàn thực phẩm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.