(HNM) - Là một trong những trụ cột cơ bản của hệ thống an sinh xã hội, hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đã đạt được thành tựu đáng kể với 76 triệu người tham gia.
Nhân viên Bảo hiểm xã hội Việt Nam hỗ trợ người lao động làm thủ tục đóng bảo hiểm xã hội. Ảnh: Nam Hiếu |
Năm 2021 - thu sẽ không đủ chi
Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, tính đến hết năm 2016, mục tiêu về bảo hiểm y tế (BHYT) cơ bản đã đạt được, thậm chí vượt tỷ lệ mong muốn với 81,7% dân số tham gia. Nhưng lĩnh vực BHXH và bảo hiểm thất nghiệp thì chưa đạt được mục tiêu khi chỉ có 13,1 triệu người tham gia BHXH bắt buộc và 11 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Đặc biệt, ngành Bảo hiểm còn đối mặt với nhiều thách thức khác. Quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần, công thức tính lương hưu còn chưa hợp lý. Trong khi đó tình trạng nợ đóng và trốn đóng BHXH vẫn ở mức cao.
Ông Phạm Lương Sơn, Phó Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, đến cuối năm 2016, con số nợ đọng BHXH đã lên tới 6.551 tỷ đồng và bảo hiểm thất nghiệp là 323,16 tỷ đồng. Trong đó đáng lo ngại là số đối tượng hưởng bảo hiểm một lần tăng, đi ngược với xu hướng an sinh xã hội. Trên cơ sở thực tế này ông Phạm Lương Sơn cho rằng, việc chi trả bảo hiểm thất nghiệp chủ yếu là trả trợ cấp thay vì để hỗ trợ đào tạo nghề, tư vấn việc làm, nhằm giúp người lao động quay trở lại thị trường lao động. Năm 2016, tỷ lệ chi cho học nghề chỉ đạt 4,9% chi trả bảo hiểm thất nghiệp.
Thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cho thấy, Việt Nam đang đứng trước thời kỳ dân số "vàng" với lực lượng lao động đã đạt tới 52,3 triệu người, nhưng đồng thời cũng đã bước vào giai đoạn già hóa dân số với tốc độ rất nhanh. Tỷ lệ người trên 60 tuổi tại Việt Nam là hơn 9 triệu người, chiếm hơn 10% dân số, tỷ lệ người trên 65 tuổi chiếm 7,1% dân số. Trong khi đó, tuổi nghỉ hưu ở Việt Nam khá thấp, bình quân là 54,2 cho cả hai giới, nam là 55,6 tuổi và nữ là 52,6 tuổi. Điều này đồng nghĩa với thời gian đóng BHXH của người lao động ngắn (nam 28 năm, nữ 23 năm), thời gian hưởng lương hưu dài (nam 18,1 năm, nữ 24,5 năm), trong khi lương hưu tích lũy tại BHXH chỉ bảo đảm trả 8-9 năm.
Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), với các chính sách BHXH như hiện hành, đến năm 2021, số thu sẽ không đủ chi trong năm. Đến năm 2034, phần kết dư không còn, số chi lớn hơn rất nhiều so với số thu, dẫn tới quỹ mất cân đối. Trong khi đó, từ ngày 1-1-2018, có hai nhóm đối tượng quan trọng được bổ sung mở rộng tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện. Đó là khoảng 3 triệu người thuộc đối tượng hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng và 8,2 triệu người làm công ăn lương nhưng không tham gia đóng bảo hiểm.
Mục tiêu đề ra của ngành Bảo hiểm là năm 2020 sẽ có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% sẽ tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội bày tỏ lo ngại: Dù năm 2016 số người dân tham gia BHYT đã đạt hơn 81% nhưng khó có thể duy trì được mức này trong những năm sắp tới do công tác truyền thông còn hạn chế, chưa đến được với đối tượng, văn bản quy phạm pháp luật chưa đồng bộ...
Kiến nghị bỏ giám định y khoa
Nhiều người băn khoăn, theo quy định mới, nếu nghỉ hưu sau năm 2018, lương hưu sẽ giảm đi, nhất là đối với lao động nữ. Từ đó, không ít lao động muốn giám định y khoa để đủ điều kiện nghỉ hưu trước năm 2018. Nhưng theo ông Bùi Sỹ Lợi, không phải đối tượng nào về hưu trước năm 2018 đều có lợi. Từ ngày 1-1-2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là mức lương, phụ cấp và các khoản bổ sung theo quy định của pháp luật. Vì tiền lương đóng BHXH cao hơn nên lương hưu sẽ cao hơn. Ngoài ra, lương hưu phụ thuộc nhiều yếu tố như tỷ lệ hưởng, tiền lương đóng BHXH bình quân, thời gian hưởng lương hưu nên không phải ai nghỉ hưu trước năm 2018 đều có lợi.
Trước tình trạng không ít người “chạy” hồ sơ bằng mọi giá để đủ điều kiện hưởng lương hưu trước năm 2018, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan BHXH. Luật BHXH đã quy định rất cụ thể việc khám giám định mức suy giảm khả năng lao động phải bảo đảm chính xác, công khai, minh bạch.
Theo tính toán của các chuyên gia, với những quy định về đóng - hưởng BHXH như hiện nay, số tiền một người tham gia BHXH đóng đủ để chi trả lương hưu cho chính người đó từ 8 đến 10 năm. Như vậy, với kỳ vọng sống khoảng 20 năm thì quyền lợi mà người lao động đang được hưởng là rất lớn. Cũng có ý kiến cho rằng, BHXH cũng là tiết kiệm, vậy tại sao không để người lao động tự quản lý tiền tiết kiệm của mình mà phải giao cho cơ quan BHXH, ông Bùi Sỹ Lợi giải thích: Theo quy định, người lao động tham gia BHXH sẽ đóng 8%, còn người sử dụng lao động đóng 14% vào quỹ hưu trí, tử tuất. Nếu không tham gia BHXH thì người lao động sẽ không được lấy khoản phí đóng của doanh nghiệp.
Ngoài ra, người lao động về hưu được cấp thẻ BHYT, khi ốm đau được thanh toán với giá trị lớn hơn trước rất nhiều, có thể lên tới hàng trăm triệu đồng. Nếu người lao động gửi tiền tiết kiệm, thoạt nhìn có thể sinh lời hơn tham gia BHXH, song khi đồng tiền mất giá thì sẽ không được Nhà nước bù đắp…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.