(HNM) - Huyện Đông Anh phấn đấu đến năm 2020, có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), nâng cao chất lượng cuộc sống của nông dân... Triển khai xây dựng NTM gặp không ít khó khăn, tuy nhiên, với quyết tâm tạo nguồn lực, xây dựng NTM gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển làng nghề, dịch vụ… NTM ở Đông Anh đang dần được định hình rõ nét.
Huy động mọi nguồn lực
Chăm sóc rau an toàn tại xã Nam Hồng (huyện Đông Anh). Ảnh: Trung Kiên
Ông Hà Văn Khang, Trưởng phòng Kinh tế huyện cho biết, khi chương trình xây dựng NTM chưa được triển khai năm 2009, huyện đã phê duyệt xong dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở 23/23 xã, thị trấn. Hiện nay, toàn huyện đã chuyển đổi được 989ha đất lúa sang trồng hoa, cây cảnh, rau an toàn, đưa chăn nuôi ra xa khu dân cư, nuôi trồng thủy sản chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Toàn huyện đã hình thành 277 trang trại, giá trị sản xuất nông nghiệp trên đơn vị diện tích đất canh tác đạt 110 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh những thuận lợi về phát triển nông nghiệp, Đông Anh tổ chức đấu giá đất khá thuận lợi, huy động được nguồn lực xây dựng NTM. Năm 2010, xã Xuân Nộn được huyện chọn thí điểm xây dựng NTM, với nguồn vốn đầu tư cho các nội dung công việc cần 287 tỷ đồng, ngay năm 2011 phải thực hiện 105 tỷ đồng, còn lại thực hiện vào năm 2012. Để có được nguồn vốn, xã đã quy hoạch xong khu đấu giá đất xen kẹt với diện tích 2.300m2 và chuẩn bị đấu giá trong tháng 5 này, với giá sàn 7 triệu đồng/m2. Dự kiến trong năm 2012, xã sẽ tiếp tục đấu giá 17.000m2 đất xen kẹt còn lại trong khu dân cư. Bài toán về nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng được giải. Tương tự, tại các xã Nam Hồng, Vân Nội, Tiên Dương... công tác huy động nguồn lực xây dựng NTM từ đấu giá đất xen kẹt tương đối thuận lợi.
Tuy nhiên, huyện cũng còn một số tồn tại như công tác quy hoạch còn chậm, chưa mang tính dài hạn, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội. Đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn thấp, chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp chậm, công tác dồn điền đổi thửa khó thực hiện do nông dân có tâm lý trông chờ dự án đền bù giải phóng mặt bằng. Trong chương trình xây dựng NTM, các xã còn gặp nhiều khó khăn như xã Xuân Nộn, theo kế hoạch đến năm 2012 phải hoàn thành cơ bản 19/19 tiêu chí, nhưng các bước triển khai như lập đề án, xây dựng kế hoạch chi tiết...còn chậm, lúng túng ở nhiều khâu, đến tháng 12-2010 đề án chung của xã mới được phê duyệt. Ông Nguyễn Văn Vụ, Chủ tịch UBND xã Xuân Nộn cho rằng, với khối lượng công việc lớn, hơn 100 công trình, hạng mục được xây dựng mới và trùng tu, cải tạo, nên khó hoàn thành trong hai năm. Hiện, 70% số nông dân trên địa bàn xã phải dựa vào sản xuất nông nghiệp, do chuyển dịch cơ cấu sản xuất, số lao động có việc làm giảm xuống còn 30%; việc nâng cao thu nhập cho nông dân từ trên 10 triệu đồng/người/năm lên trên 20 triệu đồng/người/năm vào năm 2012 là khó đạt mục tiêu.
Đa dạng hóa ngành nghề, dịch vụ
Cũng theo ông Nguyễn Văn Vụ, để hoàn thành chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2011-2012, xã lấy sản xuất nông nghiệp làm cơ sở phát triển kinh tế; chọn các nội dung có thể tác động, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất hàng hóa, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi để tăng thu nhập. Trước mắt, xã yêu cầu mỗi thôn xác định phát triển một ngành nghề hoặc dịch vụ, hướng tới chuyển dịch cơ cấu lao động. Để hướng nông dân vào sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiệu quả cao, xã đã chuyển đổi từ trồng lúa đơn thuần sang phát triển chăn nuôi và hoa, cây cảnh. Theo đó, năm 2011, xã quy hoạch 20ha vùng trồng lúa nếp cái hoa vàng, 8ha hoa, cây cảnh; quy hoạch toàn bộ các hộ chăn nuôi ra khỏi khu dân cư, hiện tại đã có 20 mô hình chăn nuôi tập trung.
Theo lãnh đạo huyện Đông Anh, trong quá trình triển khai xây dựng NTM, huyện không dừng lại ở việc đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi, công trình điện... mà còn tập trung tổ chức lại sản xuất phát triển kinh tế. Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, nâng cao mức sống của người dân, huyện tập trung đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo quy hoạch đã được duyệt tại 23 xã, hỗ trợ kinh phí thực hiện dồn ô đổi thửa. Tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn, tạo sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao như rau an toàn Vân Nội, Tiên Dương, Nam Hồng; lúa chất lượng cao ở Thụy Lâm, Dục Tú, Xuân Nộn; chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản ở Vân Hà, Dục Tú. Từ nay đến năm 2015, huyện sẽ hỗ trợ dồn điền, đổi thửa tại 12 xã; xây dựng 12 câu lạc bộ khuyến nông tại 12 xã để giúp nông dân có điều kiện trao đổi, học hỏi kinh nghiệm sản xuất; xây dựng 12 mô hình trình diễn các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Củng cố, nâng cao hoạt động của 133 HTX nông nghiệp, phát triển đa dạng các loại hình HTX trong sản xuất, kinh doanh như HTX ngành nghề, HTX sản xuất rau an toàn… Tổ chức, hướng dẫn hộ nông dân hợp tác, liên doanh, liên kết với các tổ chức kinh tế, khoa học để được hỗ trợ về vốn, tư vấn về kỹ thuật chế biến và tiêu thụ nông sản nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.