(HNM) - Theo báo cáo nhanh của Trụ sở tiếp công dân của TƯ Đảng và Nhà nước, tháng 7 có 1.922 lượt người đến trình bày 501 vụ việc, trong đó khiếu nại 339 vụ việc, tố cáo 94 vụ việc…
Trong tháng 7, có 59 đoàn đông người đến từ gần 30 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đáng kể, vụ việc của 3 đoàn Đà Nẵng, Bến Tre, Tiền Giang được đánh giá là phức tạp. Mặc dù đã được cán bộ trực giải thích, hướng dẫn, đồng thời vận động trở về địa phương chờ thông báo kết quả xử lý, song nhiều hộ dân tỏ thái độ bất hợp tác.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh kiểm tra công tác tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước. |
Những khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân chủ yếu liên quan đến đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân như cơ chế, chính sách chưa đầy đủ, kịp thời. Một số trường hợp giải quyết bà con cho rằng chưa bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng nên không đồng tình, đề nghị xử lý lại. Tuy nhiên, trên thực tế, trụ sở tiếp công dân của TƯ Đảng hay trụ sở tiếp công dân các tỉnh, TP, quận, huyện thực chất chỉ là nơi tiếp đón, lắng nghe, theo dõi, phân loại, chuyển và ban hành phiếu hướng dẫn công dân đến cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết. Như vậy, từ sự kỳ vọng của người dân cho đến hướng xử lý đơn, thư là một khoảng cách khá xa. Do không hiểu bản chất hoạt động của trụ sở tiếp công dân, nhiều người đã có hành động quá khích.
Gần đây nhất, sáng 18-7, hàng trăm công dân đến từ các tỉnh, thành phố: Bắc Giang, Hà Nội, Hưng Yên, An Giang… đã "vây" kín trụ sở tiếp công dân của TƯ Đảng và Nhà nước tại Hà Nội la hét... Trước tình hình đó, Vụ trưởng Vụ Tiếp dân và Xử lý đơn thư - Thanh tra Chính phủ Nguyễn Hồng Điệp đã trực tiếp tiếp 33 hộ dân trú tại thôn Nợm, xã Dĩnh Kế, TP Bắc Giang tố cáo việc thu hồi đất xây dựng dự án Bệnh viện Đa khoa TP Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) có bất cập và vụ bà Chu Thị Thanh cùng một số công dân thuộc xã Cổ Nhuế (Từ Liêm - Hà Nội) khiếu kiện Bộ Tài nguyên và Môi trường không thực hiện đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 2152/VPCP-KNTC ngày 7-4-2011. Trên thực tế, hầu hết sự việc công dân nêu ngày 18-7 được các cơ quan chức năng địa phương xem xét giải quyết, đã có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trụ sở tiếp công dân của TƯ Đảng và Nhà nước nhiều lần tiếp nhận đơn và hướng dẫn công dân thực hiện. Tuy nhiên, công dân vẫn tiếp tục khiếu kiện.
Ở cấp cơ sở, bà Trần Thị Diệu Thúy (thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) không thể quên lần đầu tiên tiếp công dân với tư cách là một đại biểu Quốc hội của Đoàn TP Hồ Chí Minh. Dịp đó, có công dân ngồi đến 1 giờ 45 phút, không tiếc lời thóa mạ lãnh đạo địa phương. Thấy công dân này không có dấu hiệu "hạ nhiệt", anh em trực cùng hôm đó đã tìm cách "giải vây" cho bà. Thế là công dân quay ra đòi "xử lý" luôn cả bà Trần Thị Diệu Thúy. Các hành động quá khích của công dân khi đến trụ sở tiếp dân thường xuyên xảy ra. Thậm chí, tại Quảng Nam, có trường hợp bị bệnh nặng được một số người khác khiêng tới trụ sở tiếp công dân kèm quan tài nhằm gây áp lực đối với cán bộ tiếp nhận đơn, thư về vụ việc đã được thụ lý.
Tuy nhiên, bên cạnh các trường hợp khiếu kiện đã được cấp cao nhất giải quyết nhưng công dân không đồng ý, khiếu kiện sai, hay có đúng có sai cho thấy một bất cập đang tồn tại hiện nay, đó là việc thi hành các quyết định giải quyết KNTC có hiệu lực pháp luật còn gặp nhiều khó khăn. Ở không ít địa phương đều có tình trạng khiếu nại chính đáng của người dân đã được cấp có trách nhiệm ra quyết định nhưng chậm được cơ quan hành chính thi hành. Chính điều này đã gây nghi ngờ, bức xúc đối với người khiếu nại. Thế nên, ngoài nghiên cứu bổ sung chế tài giám sát, xử lý đơn, thư mà Quốc hội đang tiến hành cần phải có phương án, chế tài đối với những cán bộ được giao thực thi nhiệm vụ nhưng không hoàn thành, vô cảm. Cần coi kết quả giải quyết KNTC là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá năng lực của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức. Đồng thời, TƯ cần bổ sung quy định bảo vệ người tiếp công dân, quyền được từ chối với những người đã được tiếp nhiều lần nhưng nội dung phản ánh không có gì mới… Có như vậy mới khắc phục những bất cập, nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.