(HNM) - Triển lãm ảnh "Những bà mẹ đơn thân" đang diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam với 100 bức ảnh do chính chị em trong Câu lạc bộ Đơn thân xã Tân Minh (Sóc Sơn, Hà Nội) sáng tác. Mỗi bức ảnh như một câu chuyện về cuộc sống, sinh hoạt, số phận của chính họ trên mảnh đất quê hương, gây xúc động cho người xem. Chúng tôi đã đến Tân Minh...
Khó khăn tứ bề
Đợt mưa rét bất thường trung tuần tháng 3 làm con đường đất vào nhà chị Tiếp lầy lội. Ngôi nhà xây bé nhỏ do chị tự tay đóng gạch, tự vận chuyển gỗ, ngói và chỉ thuê thợ những việc mà chị không thể làm được. Chị nói, không dám nhờ đàn ông trong xóm vì sợ vợ con người ta dị nghị. Nguyễn Thị Tiếp già hơn nhiều so với tuổi 47, chị kể: "Tôi nhập ngũ năm 16 tuổi, rồi yêu một người cùng đơn vị, khi có thai mới biết anh có vợ. Xuất ngũ về làng khi cái thai trong bụng được 6 tháng. Còn may vì đơn vị không biết nên cấp giấy tờ đầy đủ. Mẹ tôi chì chiết, còn cha tôi thương con thắt lòng, để chiều lòng mẹ cũng phải vờ mắng theo. Dù làng quê thời nay không còn đám mõ rêu rao đầu làng cuối xóm và bị làng phạt vạ nhưng lề thói thì không dễ gì mất. Người thì xỏ xiên bóng gió, người phũ miệng mắng vỗ thẳng vào mặt. Ban đầu tôi nín nhịn, nhưng rồi bản năng mách bảo tôi cũng có quyền sinh con như bao phụ nữ khác nên tôi phản công lại. Nhưng đêm đông giá lạnh, nằm ôm con lại khóc thầm uất ức". Khi ở riêng, ban ngày chị vãi sức trên 2 sào ruộng, tối về lăn ra ngủ nhưng nào có được yên, lại bị cánh đàn ông gõ cửa, thậm chí xô cửa trêu ghẹo nên ngoài khóa, để chắc ăn còn buộc thêm dây thép. Sợ nhưng không dám kêu vì kêu hàng xóm lại nghĩ "vừa ăn cướp, vừa la làng". Khi đứng tuổi hơn không sợ đám "dê cụ" thì lại đến sợ trộm. Có thời gian phải nằm ngủ ở chuồng lợn mấy tháng liền, bởi lợn là tài sản lớn đối với chị. Nghe chị kể, tôi mới hiểu vì sao khi vào nhà chị, con chó thấy người lạ cứ chồm lên.
Ảnh: Nguyệt Ánh |
Đỗ Thị Bình là công nhân đường sắt, gần 40 tuổi nhưng chưa có cơ hội được làm vợ, làm mẹ. Thế là đánh quài, may mà có thai. Cha mẹ và anh chị em không phản đối, là chỗ dựa tốt về tinh thần, song nuôi con bằng gì là câu chuyện không dễ. Sinh con, chị xin nghỉ việc theo chế độ "về một cục". Thời điểm đó, cơ quan không có tiền đã trả chị 1.000 viên gạch xi măng trị giá tương đương với 1 triệu đồng, chị đành bán gạch để lấy tiền nuôi con. Năm 1989, chị Lê Thị Trọng người thôn Đan Tảo chưa cưới đã có thai bị cha mẹ đuổi khỏi nhà. Đến ở nhờ người chú, bụng mang dạ chửa cũng phải tự làm lấy căn nhà nhỏ xíu che mưa che nắng. Lấy nhau được bốn năm, nhưng không chịu nổi tính tình cục cằn của người chồng, Trương Thị Minh đã bế đứa con mới hai tuổi bỏ về nhà bố mẹ đẻ. Không được chấp nhận, chị xin hàng xóm cho dựng nhờ túp lều. 11 năm sống lang thang, chuyển chỗ ở tới sáu lần. Còn chị Dương Thị Lê lấy chồng năm 22 tuổi nhưng không có tình yêu, bị gia đình nhà chồng đối xử khắc nghiệt thường xuyên chửi mắng. Có lần mẹ chồng chửi từ tối đến đêm, bắt chị ngồi nghe. Chị Lê nói: "Sinh ra ở nông thôn nên quá quen với lao động vất vả, song tôi sợ nhất là bị khủng bố tinh thần. Nó làm tôi mệt mỏi, tự ti, không dám quan hệ với ai". Đó chỉ là vài thân phận trong số 184 thành viên của Câu lạc bộ Đơn thân ở Tân Minh và còn nhiều chị em có hoàn cảnh éo le hơn, số phận nghiệt ngã hơn. Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Thị Thúy chia sẻ: "Tôi cũng là phụ nữ nên hiểu được nỗi vất vả, khó khăn của chị em, đặc biệt là nỗi khổ về tinh thần".
Các chị không đơn độc
Tân Minh là một trong những xã có diện tích rộng và dân số thuộc loại đông nhất của huyện Sóc Sơn. Với 5 thôn và 1 khu hành chính, trong đó có núi Đôi, nơi có câu chuyện tình yêu cảm động thời kháng chiến chống Pháp để rồi là cảm hứng cho nhà thơ Vũ Cao viết bài thơ "Núi Đôi" được bạn đọc nhiều thế hệ cả nước biết đến. Cuộc sống của người dân phần lớn trông chờ vào nông nghiệp nhưng đất ruộng ở đây cứ mưa nhiều thì úng còn nắng nhiều lại khô hạn nên làm nghề nông cũng không dễ dàng. Biết điều kiện của Tân Minh, từ nhiều năm trước cho đến nay, chính quyền huyện đã quan tâm, tạo cơ hội cho xã phát triển. Chính quyền xã những năm qua cũng rất cố gắng tìm hướng đi để kinh tế khá lên. Người có vợ, có chồng, có sức lao động còn khó khăn thì cuộc sống của chị em đơn thân còn khó khăn hơn, vì thế xã cũng căn cứ chính sách để cấp đất cho chị em đủ tiêu chuẩn làm nhà. Khi có chỗ ra vào, chắc chắn chị em sẽ yên tâm hơn trong cuộc mưu sinh.
Năm 1996, khi Chính phủ Phần Lan muốn triển khai dự án hỗ trợ tín dụng tiết kiệm vi mô tại Tân Minh cho các đối tượng là phụ nữ đơn thân tuổi từ 18 đến 60 có hoàn cảnh khó khăn thì chính quyền đã ủng hộ và tạo điều kiện để dự án hoạt động có hiệu quả. Dù số tiền mà dự án cho các thành viên vay không lớn, song nó đã giúp chị em có nguồn vốn để phát triển kinh tế gia đình. Đánh giá về dự án, bà Nguyễn Thị Ngơi, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã nhận định, phần lớn trong số 184 chị em tham gia Câu lạc bộ Đơn thân (câu lạc bộ có 66 chị em đã li dị, 40 chị em không chồng nhưng có con và 78 chị em chồng chết) có cuộc sống khá hơn. Song bà Ngơi cho rằng, cái được lớn nhất của dự án là khi tham gia sinh hoạt câu lạc bộ, họ mạnh dạn chia sẻ với nhau những điều thầm kín, những khó khăn, dự định ngắn hạn và dài hạn, từ đó chị em đã tự tin vào bản thân hơn. Có lẽ bà Ngơi nói đúng nhưng nếu không có quyết tâm của chính chị em thì khó có thay đổi như ngày hôm nay.
Không chỉ chính quyền, các tổ chức xã hội mà nhiều gia đình trước kia đối xử không phải với con cái dám "xé rào" nay đã giang tay đón họ. Rõ ràng là 184 chị em đơn thân ở Tân Minh không đơn độc. Nhưng trên đường về, tôi cứ day dứt với câu hỏi: Tại sao tới 40 chị em ở Tân Minh chấp nhận không chồng nhưng có con? Ngoài quyền muốn làm mẹ còn chuyện gì khác? Phải chăng như các chị tâm sự, chính sách an sinh xã hội của chúng ta vẫn chưa có chế độ lương hưu đối với người làm nông nghiệp, nên các chị cực chẳng đã phải làm vậy để về già có người cậy nhờ? Phải chăng...?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.