(HNMO) - Tại các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công, trung tâm bảo trợ xã hội trên địa bàn Hà Nội, sự quan tâm, chăm sóc cùng những lời thăm hỏi ý nghĩa từ các cơ quan, đơn vị chức năng đã góp phần giúp những người có hoàn cảnh đặc biệt vui đón Tết cổ truyền trong không khí gia đình ấm áp tình thân.
Chăm lo chu toàn cho người có công
Nhiều năm nay, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Ngô (sinh năm 1922) đến từ xã Lê Lợi (huyện Thường Tín) coi Trung tâm Nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội (xã Viên An, huyện Ứng Hoà) là nhà và ở lại đây để đón Tết cổ truyền. Do tuổi cao, dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, mẹ Nguyễn Thị Ngô không thể tham gia các hoạt động đón Tết, nhưng luôn rất vui mỗi khi có người đến phòng chúc mừng năm mới. Cùng ở lại ngôi nhà chung đón Tết với mẹ Nguyễn Thị Ngô là 15 người có công khác đến từ nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội.
Để giúp các đối tượng thụ hưởng chính sách ưu đãi người có công cảm nhận rõ hơn không khí đón Tết thân tình như ở gia đình, ngoài các chế độ, chính sách, dịp này, Trung tâm Nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội còn sắm sửa, bày mâm ngũ quả trên bàn thờ đặt tại các phòng ở; tổ chức các bữa ăn ngày Tết với thực đơn phong phú, vừa có các món ăn truyền thống, vừa phù hợp với tình trạng sức khỏe, khẩu vị của từng người.
Trước thời khắc chuyển sang năm Canh Tý, đội ngũ cán bộ, nhân viên Trung tâm cùng người dân địa phương đã mời những người có công có thể đi lại được tham gia đón giao thừa, hái hoa dân chủ tại hội trường của đơn vị. Những ngày đầu xuân mới, hằng ngày, tập thể cán bộ, nhân viên Trung tâm đến từng phòng mừng tuổi, hỏi thăm sức khỏe, chúc Tết từng người có công sang năm mới sống vui, sống khỏe hơn.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Văn Nhiêu, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội cho hay, đa số người có công ở lại Trung tâm đón Tết tuổi đã cao, sức khỏe yếu, tình trạng bệnh tật phức tạp, đòi hỏi phải có chế độ chăm sóc đặc biệt. Do đó, vào những ngày Tết, Trung tâm phân công 7-10 cán bộ thay nhau trực 24/24 giờ tất cả các ngày, chăm lo chu toàn cho người có công về mọi mặt.
Nhiều năm chăm sóc người có công vào dịp Tết, chị Lê Thu Hằng, cán bộ Phòng Y tế - Điều dưỡng của Trung tâm chia sẻ: “Gắn bó với người có công, hơn ai hết, chúng tôi thấu hiểu nỗi đau thương, mất mát mà mỗi người có công đã và đang trải qua. Do đó, chúng tôi cố gắng thu xếp công việc gia đình, để có thể chăm sóc những người ở lại Trung tâm đón Tết như chính người thân của mình”.
Dù không có người ở lại đón Tết, song các trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công khác trên địa bàn Hà Nội vẫn phân công cán bộ trực 24/24 giờ trong kỳ nghỉ Tết, sẵn sàng phục vụ, chăm sóc đối tượng trong mọi tình huống.
“Trong trường hợp người có công trở lại Trung tâm sớm hơn dự kiến hoặc cần sự hỗ trợ, chúng tôi sẽ có mặt kịp thời”, ông Nguyễn Văn Triệu, Giám đốc Trung tâm điều dưỡng Người có công số 2 Hà Nội (phường Biên Giang, quận Hà Đông) cho hay.
Trao niềm tin cho người yếu thế
Góp phần củng cố niềm tin, niềm hy vọng vào những điều tốt đẹp trong năm mới cho các đối tượng yếu thế, hệ thống trung tâm bảo trợ xã hội trên địa bàn thành phố cũng tổ chức nhiều hoạt động đón Tết sôi nổi, rộn ràng.
Thời khắc giao thừa chuyển từ năm Kỷ Hợi sang năm Canh Tý, hơn 100 người già, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở lại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 3 Hà Nội (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm) đã tập trung về hội trường giao lưu, sinh hoạt văn nghệ, thưởng thức bánh, mứt, kẹo ngọt thơm hương vị ngày Tết. Nhìn màn pháo hoa vụt sáng trên bầu trời Thủ đô được chuyển tải qua chiếc ti vi màn hình lớn đặt chính giữa hội trường, không ai bảo ai, các thành viên trong gia đình Trung tâm nắm tay nhau thật chặt, động viên nhau cùng cố gắng. Trong không khí ấy, Ban giám đốc Trung tâm đã chúc Tết, mừng tuổi cho các thành viên tại hội trường, rồi đến từng phòng thăm hỏi, mừng tuổi các thành viên cao tuổi.
Tại khu nhà B3, cụ Lưu Bách Mão (82 tuổi) cho hay: “Dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, chúng tôi nhận được sự quan tâm đầy đủ cả về vật chất và tinh thần. Cá nhân tôi không có người thân, nếu không được đón Tết trong một gia đình lớn, có lẽ, tôi sẽ rất buồn...”.
Bà Nguyễn Thị Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội số 3 Hà Nội cho biết thêm, ngày thường cũng như ngày Tết, người già và trẻ em sống tại Trung tâm luôn nhận được sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt từ chính quyền, nhân dân thành phố Hà Nội cũng như các nhà hảo tâm.
Tương tự, vào những ngày Tết Nguyên đán Canh Tý, hơn 300 thành viên trong gia đình mang tên Trung tâm Bảo trợ xã hội số 4 Hà Nội (thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì) cũng luôn đầy ắp niềm vui với các hoạt động văn nghệ tập thể, trò chơi dân gian. Người già chơi cờ tướng, thi đấu cờ tướng, người trẻ, trẻ em chơi nhảy bao bố, ném bóng vào chậu, ném vòng cổ chai… Cháu Lù Thanh Lâm đến từ huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) chia sẻ: “Cháu là trẻ lang thang, được về nuôi dưỡng tại Trung tâm từ năm 2014 đến nay. Ở đây, cháu được các mẹ yêu thương, coi như ruột, dạy dỗ, uốn nắn từng lời ăn, tiếng nói. Năm mới đến, cháu mong ước cho các ông, bà, cô, bác và các anh, chị em trong Trung tâm luôn vui vẻ, mạnh khỏe. Cá nhân cháu sẽ chăm chỉ học hành để có thể trở thành hướng dẫn viên du lịch trong tương lai”.
Ngoài những địa chỉ đã nêu, không khí đón Tết, vui xuân Canh Tý cũng rộn ràng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 1, số 2 Hà Nội, Trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội... Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 192.000 đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có hơn hơn 2.600 đối tượng được nuôi dưỡng thường xuyên. Vào dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, các đối tượng về địa phương hay ở lại các trung tâm bảo trợ xã hội đều được đón Tết trong sự quan tâm và chia sẻ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.