Nông thôn mới

Dồn sức hoàn thành nông thôn mới cấp thành phố

Nguyễn Mai 24/05/2024 - 06:22

Hà Nội sở hữu vùng nông thôn rộng lớn với 17 huyện, 1 thị xã; trong đó có hơn 380 xã thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Đặc biệt, trong số 8 chỉ tiêu quy định đối với đơn vị cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, thành phố đã cơ bản hoàn thành 6 chỉ tiêu, hiện đang dồn sức cho 2 chỉ tiêu còn lại, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào cuối năm 2024.

my-duc.jpg
Hệ thống giao thông khang trang tại xã An Mỹ (huyện Mỹ Đức).

6/8 chỉ tiêu về đích

Cuối năm 2023, Mỹ Đức là huyện cuối cùng của thành phố Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới, sớm hơn 1 năm so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện đề ra.

Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Nguyễn Anh Dũng thông tin, huyện đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nội lực toàn dân để triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại cơ sở. Từ một vùng quê nghèo, xa trung tâm, Mỹ Đức đã có bước chuyển mình nhanh chóng với 100% đường ngõ xóm được nhựa hóa, bê tông hóa; 58/80 trường học đạt chuẩn quốc gia; 22/22 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; 125/129 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa; thu nhập bình quân đầu người đạt 65,8 triệu đồng/năm...

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, đến nay, thành phố đã có 18/18 huyện, thị xã đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (hoàn thành trước 1 năm so với mục tiêu thành phố đặt ra). Hà Nội cũng đã có 172 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 65 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 1408/QĐ-UBND ngày 14-3-2024 về việc phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025. HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 33/NQ-HĐND ngày 6-12-2023 thông qua "Đề án xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội".

Từ phong trào xây dựng nông thôn mới, hạ tầng nông thôn Thủ đô ngày một khang trang. Thống kê cho thấy, hệ thống đường huyện, đường tỉnh, quốc lộ trên địa bàn 17 huyện của Hà Nội có khoảng 269 tuyến. Hệ thống cây xanh đã được trồng trên địa bàn các huyện 195/269 tuyến; khoảng 670.000 cây đô thị, cây bóng mát trên các đường huyện, đường tỉnh, quốc lộ và Hà Nội cũng có 6.470ha đất cây xanh sử dụng công cộng trên địa bàn, chiếm 7,61m2/người.

Theo Quyết định số 321/QĐ-TTg ngày 8-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, có 8 chỉ tiêu cần thực hiện, Hà Nội đã đạt và cơ bản đạt 6 chỉ tiêu. Đó là có 100% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 100% số xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; ít nhất 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được HĐND thành phố thông qua; đất cây xanh sử dụng công cộng trên địa bàn tối thiểu là 4m2/người; có ít nhất 70% số ki lô mét đường huyện, tỉnh, quốc lộ trên địa bàn được trồng cây xanh dọc tuyến đường.

Hà Nội hiện chỉ còn 2/8 chỉ tiêu chưa hoàn thành, đó là: “Có ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao” và “Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý (chỉ số SIPAS) đạt từ 90% trở lên”. Những nội dung này đang được thành phố gấp rút triển khai. Hà Nội phấn đấu đến tháng 8-2024 được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới cấp thành phố.

Tiếp tục hoàn thành hồ sơ huyện nông thôn mới nâng cao

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Nguyễn Văn Chí cho biết, đối với mục tiêu có ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đến nay thành phố đã có 4 huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức đã được thành phố trình hồ sơ lên Trung ương xét công nhận; 3 huyện: Đan Phượng, Thanh Oai, Thường Tín dự kiến trình hồ sơ trong quý II-2024. Như vậy, nhiều khả năng đến hết năm 2024, Hà Nội sẽ vượt chỉ tiêu đề ra về huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Còn về chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý đạt từ 90% trở lên, theo Sở NN&PTNT Hà Nội, số liệu tổng hợp cho thấy, trong 5 năm gần đây, Hà Nội đều ở mức tương đương với bình quân cả nước. Cụ thể, năm 2018, Hà Nội đạt 83,00%, bình quân cả nước đạt 82,99%; năm 2019, Hà Nội đạt 80,09%, bình quân cả nước đạt 84,45%… Năm 2022, Hà Nội đạt 80,16%, bình quân cả nước đạt 80,08%...

Nhằm hiện thực hóa các chỉ tiêu, tiêu chí đã đặt ra, Sở NN&PTNT Hà Nội vừa tổ chức hội nghị tập huấn, hướng dẫn một số nội dung về xây dựng nông thôn mới cho đại diện các sở, ngành; thành viên đoàn thẩm định xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; các huyện, thị xã…

Tại hội nghị, các đại biểu được Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương hướng dẫn quy trình thẩm định huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; quy trình, các bước hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt “Thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới” để hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục theo yêu cầu đặt ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dồn sức hoàn thành nông thôn mới cấp thành phố

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.