(HNM) - Đói, khát, nhà cửa, tài sản ngập sâu trong nước, "khúc ruột" miền Trung đã kiệt sức trước trận đại hồng thủy lịch sử. Những con số thiệt hại gia tăng nhanh chóng làm quặn lòng người dân cả nước.
Hơn lúc nào hết, đồng bào miền Trung rất cần sự sẻ chia, giúp đỡ của cộng đồng để có thể vượt qua cơn bĩ cực đau thương này. Trong ngày 18-10, lực lượng cứu hộ, cứu nạn và lãnh đạo các địa phương tiếp tục nỗ lực ứng cứu người dân ở những khu vực bị cô lập về nơi an toàn.
Lũ vẫn bủa vây
Tối qua (18-10), mưa lũ ở Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An vẫn diễn biến phức tạp. Các tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình trong ngày lượng mưa giảm, song nước lũ trên các sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố vẫn trên mức báo động 3 và rút rất chậm. Tại tỉnh Nghệ An, mưa lớn dồn dập vẫn chưa có dấu hiệu ngớt. Một số huyện vùng đầu nguồn như Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh); Tuyên Hóa, Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình) lượng mưa xấp xỉ 1.000mm.
Sơ tán người dân ra khỏi những vùng nước ngập sâu tại tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Vũ Thành Kông |
Hà Tĩnh là tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất, lũ đã vượt đỉnh lịch sử năm 1978 và đang tiếp tục lên. Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự cho biết, trên địa bàn tỉnh có 178 xã bị ngập, trong đó 105 xã bị cô lập, chia cắt hoàn toàn, hơn 93 nghìn hộ dân bị ngập, hơn 18 nghìn hộ phải di dời, lực lượng cứu hộ chỉ có thể tiếp cận bằng xuồng cao tốc và tàu, một số vùng mất liên lạc, điện mất trên diện rộng. Giao thông vẫn rất khó khăn với 5 điểm bị ngập nặng ở quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh; ách tắc nghiêm trọng, hàng nghìn phương tiện ùn ứ. Công tác cứu trợ, di chuyển người dân đều phải thực hiện bằng xuồng. Hiện hàng trăm tàu, xuồng cao tốc, gần 10 nghìn người gồm cảnh sát cơ động, chiến sỹ Quân khu IV, dân quân tự vệ, thanh niên... đã được huy động tham gia cứu trợ. Tính đến hôm qua, tỉnh đã xuất 45 tỷ đồng, 100 tấn mỳ tôm, 2.000 thùng nước uống, triển khai đưa gạo cứu đói của Chính phủ đến một số nơi vùng cao.
Trong khi đó, Hà Tĩnh còn 100 xã ven biển với hơn 20 nghìn hộ dân, 4 cửa biển lớn, nếu bão Megi đổ bộ thì việc điều động nhân lực, phương tiện đến khu vực này rất khó khăn. Ông Cự kiến nghị Chính phủ hỗ trợ khẩn 30 xuồng máy; 5.000 tấn gạo, 2.000 tỷ đồng; 1.000 cơ số thuốc cho các xã mà tỉnh không thể đáp ứng được để hỗ trợ người dân.
Cũng tại Hà Tĩnh, sáng sớm 18-10, một chiếc xe khách đã bị nước lũ cuốn trôi xuống sông. Tỉnh đã huy động lực lượng công binh và lực lượng khác triển khai cứu hộ, tìm kiếm. Chiều cùng ngày, đã cứu được 17 người, trong đó 1 người bị thương nhẹ. Theo thông tin ban đầu, trên xe có 37 hành khách, còn 20 người vẫn chưa tìm được.
Tại tỉnh Quảng Bình, đến chiều qua đã có 53 nghìn ngôi nhà bị ngập, tập trung tại các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Tuyên Hóa và Quảng Trạch. Tỉnh đã sơ tán gần 6.000 hộ dân. Tại huyện Quảng Trạch, mưa lớn đã nhấn chìm hàng nghìn hộ dân các xã vùng cồn bãi Quảng Minh, Quảng Hải...; đập hồ chứa Mũi Rồng xã Quảng Tiên có nguy cơ vỡ. Theo ông Đậu Minh Ngọc, Chủ tịch UBND huyện thì địa phương đã chủ động phối hợp với huyện Bố Trạch di dời người dân ở các xã bị ngập sâu như Sơn Trạch, Hưng Trạch, Liên Trạch và có phương án xả đập phụ để tránh nguy cơ vỡ đập Mũi Rồng. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài cho biết, tỉnh đã lập trạm chỉ huy tiền phương ở xã Cảnh Hóa (huyện Quảng Trạch) để ứng phó với lũ tại hai huyện Quảng Trạch và Tuyên Hóa. Hơn 60 cán bộ, chiến sỹ, công an, bộ đội và bộ đội biên phòng cùng 6 ca nô cao tốc trực 24/24h để sẵn sàng cứu người, tài sản. Những nơi nước rút, chính quyền địa phương tổ chức đưa nhân dân về nhà.
Tại Nghệ An, ông Nguyễn Đình Chi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, mặc dù mưa xuất hiện muộn hơn, song đến hôm qua, lượng mưa ở TP Vinh và huyện Nam Đàn đã xấp xỉ 900mm. Mưa lớn vẫn kéo dài, nước lũ vẫn dồn về. Hiện toàn tỉnh đã có 35 xã bị cô lập; 30 nghìn ngôi nhà bị ngập; 40 nghìn hécta hoa mầu hư hỏng; nhiều tuyến đường vẫn ngập sâu. Tất cả các trường cho học sinh nghỉ học; 120m đê sông Lam đã bị nứt, nguy cơ vỡ rất cao. UBND tỉnh Nghệ An kiến nghị Chính phủ hỗ trợ khẩn 5.000 tấn gạo và áo phao, xuồng, nhà bạt... để phục vụ việc cứu đói, sơ tán dân. Tỉnh đã huy động lực lượng tập trung đưa nước uống, mỳ tôm đến các vùng bị cô lập, không để dân bị đói, rét.
Giúp dân đưa trẻ em thoát khỏi vùng lũ nguy hiểm tại huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) |
Để trực tiếp cứu trợ cho các vùng dân cư bị cô lập, máy bay trực thăng Mi-17 đã được điều từ sân bay Gia Lâm (Hà Nội) vào Vinh (Nghệ An). Ngoài ra, hàng chục ca nô, xuồng cao tốc của quân đội, công an cũng tham gia cứu hộ.
Khẩn cấp ứng cứu nơi xung yếu và sẵn sàng đối phó với bão Megi
Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV trung ương cho biết, khi đổ bộ vào đảo Luzon (Philippines), "siêu bão" Megi đạt cấp 17, cấp cao nhất trong thang bão. Hôm nay 19-10, bão Megi chủ yếu di chuyển theo hướng tây tây nam, đến giữa biển Đông có thể sẽ thay đổi hướng. Nhiều trung tâm dự báo trên thế giới cho rằng, sau khi vào biển Đông, bão Megi sẽ đi lên phía bắc, vào khu vực giữa bán đảo Lôi Châu và Hồng Kông. Theo ông Tăng, căn cứ vào kết quả dự báo của một số đài dự báo khu vực và mô hình quan trắc của Trung tâm Dự báo KTTV trung ương, đến 40% khả năng bão đổ bộ vào nước ta ở cấp 14 đến 16. Các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bà Rịa - Vũng Tàu đã thông báo, kêu gọi hướng dẫn cho 43.910 tàu hoạt động ở khu vực Hoàng Sa, Trường Sa và 374 tàu hoạt động ở khu vực khác vào neo đậu tại bến an toàn.
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ miền Trung và bão Megi, chiều 18-10, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện khẩn gửi các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa yêu cầu khẩn trương kiểm đếm số lượng tàu thuyền đang hoạt động trên biển; kiên quyết kêu gọi tàu thuyền đang đánh bắt xa bờ về nơi tránh, trú bão an toàn, đặc biệt là các tàu hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa (trong đó có 13 tàu của tỉnh Quảng Ngãi) và các tàu khu vực bắc, giữa biển Đông. Các tỉnh lên kế hoạch chằng, chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, chặt tỉa cành cây, cho học sinh nghỉ học trước khi bão đổ bộ. Thực hiện sơ tán dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Thủ tướng yêu cầu Bộ Ngoại giao có công hàm gửi các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực, thông báo, tạo điều kiện giúp đỡ cho tàu thuyền, ngư dân của Việt Nam vào tránh, trú bão.
Chiều qua, tại hội nghị trực tuyến bàn công tác khắc phục hậu quả và triển khai biện pháp đối phó với "siêu bão" Megi, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chỉ đạo các địa phương không được để người dân đói, thiếu nước uống, chăn màn. Đồng thời, tiếp tục tìm kiếm người mất tích, thăm hỏi, tổ chức an táng cho người thiệt mạng. "Ngoài việc quan tâm đến khẩu phần ăn, nước uống, cần quan tâm đến chăn màn, quần áo cho người dân vì đã bước sang mùa lạnh. Tổ chức kêu gọi các tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm đa dạng hóa hình thức hỗ trợ để đồng bào đủ khả năng vượt qua cơn lũ" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Các bộ, ngành tùy theo chức năng giúp đỡ chính quyền, người dân nhanh chóng khắc phục hậu quả, hướng dẫn nông dân sản xuất. Trước tình hình bão Megi có thể ảnh hưởng đến nước ta, Phó Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh duy trì lực lượng hiện có, vừa để hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, vệ sinh đồng ruộng, vừa tiếp tục đối phó với bão. "Chuẩn bị lực lượng ở địa phương như dân quân, thanh niên, quân đội, công an để có thể linh động ứng phó với bão. Mục tiêu là hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do bão gây ra" - Phó Thủ tướng yêu cầu.
33 người chết, thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng Theo tổng hợp từ các tỉnh, đến tối qua (18-10), mưa lũ đã làm 33 người chết, trong đó Nghệ An 12, Hà Tĩnh 13, Quảng Bình 7, Thừa Thiên Huế 1; 8 người mất tích (chưa tính 20 người mất tích trên xe ô tô bị lũ cuốn trôi ở Hà Tĩnh); hơn 100 nghìn người phải đi sơ tán; 152.203 ngôi nhà bị ngập, hàng trăm nghìn hécta cây trồng nông nghiệp mất trắng, ước tính thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.