(HNM) - Hôm qua (4-11), dù lượng mưa đã giảm nhưng diễn biến lũ tại các địa phương Nam Trung bộ vẫn phức tạp, lực lượng chức năng tiếp tục dồn sức cứu hộ, cứu trợ, giúp đỡ người dân. Trong khi đó, một áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) đã hình thành ngoài khơi các tỉnh Phú Yên - Ninh Thuận, nguy cơ lũ chồng lũ ở Nam Trung bộ đã hiện rõ.
Thiệt hại tiếp tục tăng
Tại Phú Yên, khoảng 11h ngày 4-11, đã xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng tại núi Nhạn nằm ở trung tâm TP Tuy Hòa. Vết sạt lở dài trên 30m, làm hàng chục khối đá từ độ cao trên 50m đã đổ thẳng xuống ít nhất 5 ngôi nhà dưới chân núi, nằm dọc đường Lê Trung Kiên (khu phố 1, phường 1, Tuy Hòa). Vụ lở núi khiến cháu Trương Thái Công, 14 tuổi bị thương. Nước lũ trên địa bàn Phú Yên đang rút chậm, vẫn còn 2.100 ngôi nhà bị ngập nước; ước tổng thiệt hại khoảng 95 tỷ đồng. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Phú Yên đã cấp 540 nghìn viên Cloramin B và 385kg Cloramin B cho các đơn vị y tế xã, phường để chủ động xử lý nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm ngay khi nước rút.
Tại tỉnh Khánh Hòa, có thêm 2 nạn nhân bị chết, nâng số người chết do mưa lũ tại tỉnh này lên 7 người, 1 người mất tích, 2 người bị thương; ước thiệt hại về tài sản khoảng 300 tỷ đồng, trong đó sập hoàn toàn 161 căn nhà, hư hỏng hơn 1.400 căn nhà, hơn 9.100 ngôi nhà bị ngập...
Tại Ninh Thuận, tính đến hôm qua (4-11), đã huy động 2.101 cán bộ chiến sỹ, 29 xuồng máy, 43 xe ô tô các loại và 3 xe thiết giáp phục vụ công tác sơ tán 7.642 hộ với 30.568 người tại các khu vực Ninh Phước, Ninh Hải, Ninh Sơn, Thuận Bắc, Thuận Nam, Phan Rang - Tháp Chàm đến nơi an toàn. Tình hình mưa lũ vẫn phức tạp, toàn tỉnh Ninh Thuận vẫn ngập 5.658 ngôi nhà; hư hỏng hơn 12 nghìn hécta lúa, hoa màu, cây ăn quả.
Tỉnh Lâm Đồng, do mực nước các sông, suối tiếp tục dâng cao, hàng loạt công trình thủy lợi lớn và hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh đã xin phép xả lũ. Hôm qua, thêm hồ thủy điện Đại Ninh (huyện Đức Trọng) chính thức xả lũ. Trong khi đó, hồ thủy điện Đồng Nai 3 (huyện Di Linh) đã thông báo dự kiến đến ngày 11-11 tới sẽ tháo van xả lũ.
Tại tỉnh Bình Định, đến 20h hôm qua (4-11), mưa lũ đã làm 3 người bị chết; làm ngập và hư hỏng 1.300ha lúa, 2.000ha đậu, bắp, mì; 1.740 tấn lúa giống bị trôi; 17.580m kênh mương bị sạt lở; 134 cống lấy nước trên sông, suối bị hư hỏng hoàn toàn.
Nguy cơ lũ chồng lũ
Tối qua (4-11), Trung tâm Dự báo KTTV trung ương cho biết, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hình thành ngoài biển Đông chỉ còn cách bờ biển Phú Yên - Ninh Thuận 110km về phía đông. Dự báo, các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và Tây Nguyên tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to; các sông khu vực này lên lại mức báo động II, III và trên báo động III. Như vậy, các địa phương Nam Trung bộ đang đối mặt trước nguy cơ một đợt lũ mới. Trước tình hình này, Ban Chỉ đạo PCLB trung ương, Ủy ban quốc gia TKCN đã có công điện khẩn yêu cầu các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Đắc Lắc và Đắc Nông tiếp tục triển khai phương án phòng, chống lũ; kiểm tra, rà soát các khu dân cư đang sống ở các vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối và vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, đặc biệt là các khu vực đang có diễn biến sạt lở; sẵn sàng phương án và chủ động sơ tán để bảo đảm an toàn cho người và tài sản.
Đến tối qua (4-11), vùng ATNĐ đã làm 28 tàu của ngư dân bị chìm, 8 tàu bị hỏng máy trôi dạt. Tính đến 16h chiều 4-11, đã có 30.005 tàu/143.623 ngư dân đã nhận được thông báo về vị trí, diễn biến của ATNĐ gần bờ để chủ động trú tránh; 29.733 tàu/143.594 ngư dân đã neo đậu tàu tại khu vực các tỉnh từ Bình Định đến Kiên Giang trú tránh an toàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.