Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đòn mạnh giáng vào đảng Puea Thai

Đình Hiệp| 26/02/2015 06:39

(HNM) - Chưa đầy một tuần sau khi Văn phòng Tổng Công tố Thái Lan buộc tội cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra về việc gây tổn thất cho chương trình trợ giá lúa gạo của chính phủ do bà đứng đầu, 250 cựu nghị sĩ (phần lớn thuộc đảng Puea Thai - Vì nước Thái) đã bị Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia Thái Lan

Những cáo buộc mới nhằm vào nữ cựu Thủ tướng cũng như đảng Puea Thai giữa lúc xứ Chùa vàng hướng tới cuộc tổng tuyển cử dân chủ dự kiến vào cuối năm nay đã thu hút sự quan tâm đặc biệt đối với dư luận Thái Lan.

Thông tin từ một thành viên NACC cho biết, cơ quan này sẽ đệ trình vụ việc lên Hội đồng Lập pháp quốc gia (NLA) Thái Lan và theo đuổi đến cùng để đưa tất cả những người liên quan ra trước pháp luật. Theo đó, có tới 223 cựu nghị sĩ của đảng Puea Thai - trong tổng số 250 cựu nghị sĩ bị cáo buộc, đã hành động trái Hiến pháp cũng như không trung thực khi đề xuất sửa đổi Hiến pháp và mở rộng Thượng viện theo hướng áp dụng thể thức bầu cử hoàn toàn năm 2013. Nếu bị NLA luận tội, các cựu nghị sĩ này sẽ phải đối mặt với lệnh cấm tham gia hoạt động chính trị trong 5 năm.

Những cáo buộc nêu trên được đưa ra vào thời điểm đảng Puea Thai đang phải chịu nhiều tổn thất lớn sau khi cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra bị Quốc hội bỏ phiếu luận tội vì lơ là trách nhiệm. Cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã lên tiếng phủ nhận mọi cáo buộc và Tòa án Tối cao Thái Lan sẽ quyết định có khởi tối vụ kiện này hay không vào ngày 19-3 tới. Bà Yingluck Shinawatra có thể bị kết án tối đa 10 năm tù nếu có bằng chứng về việc lơ là trách nhiệm, gây thất thoát lớn cho các quỹ trợ cấp thu mua gạo của người nông dân với giá thấp.

Trước những diễn biến từ cả cơ quan lập pháp lẫn hành pháp Thái Lan nhằm vào các thành viên đảng Puea Thai, lực lượng "áo đỏ" thân cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra vẫn chưa có hành động chính thức nào. Tuy nhiên, những "biến động" mới đây trên chính trường Thái Lan đã gây ra những phản ứng
trái chiều trong dư luận. Thực tế, các đảng ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra luôn giành thắng lợi trong những cuộc bầu cử kể từ năm 2001 đến nay. Trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2011, đảng Puea Thai của bà Yingluck - em gái của cựu Thủ tướng Thaksin - đã giành thắng lợi áp đảo và bà trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Thái Lan. Tuy nhiên, từ sau cuộc đảo chính quân sự đến nay, đảng Puea Thai và lãnh đạo đảng này đã phải "im hơi lặng tiếng" bởi lệnh thiết quân luật do quân đội ban bố. Theo đó kể từ ngày 20-5-2014, cấm mọi cuộc tập hợp chính trị cũng như hạn chế tổ chức các cuộc biểu tình đường phố. Theo nhiều chuyên gia bình luận quốc tế, sự kiện cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra cũng như các cựu nghị sĩ bị cáo buộc phạm tội sẽ giáng một đòn mạnh vào đảng Puea Thai. Vì thế, nhiều người đã lên tiếng phản đối cáo buộc trên và cho rằng đây chỉ là hành động chính trị để giảm bớt quyền lực của đảng Puea Thai cũng như "triệt tiêu" ảnh hưởng của gia đình Shinawatra trước cuộc tổng tuyển cử.

Lên nắm quyền sau cuộc đảo chính quân sự tháng 5-2014 và trở thành Thủ tướng trong nội các lâm thời (thành lập tháng 8-2014), Thủ tướng Prayut Chan-ocha đang nỗ lực đẩy nhanh tiến trình hòa hợp dân tộc thông qua tổng tuyển cử. Để tiến trình nhiều thách thức này được triển khai một cách có hiệu quả, việc thúc đẩy phát triển kinh tế sau thời gian dài chìm trong khủng hoảng do biểu tình đã được chính phủ đặt trọng tâm ưu tiên. Tuy nhiên, số liệu thống kê của Ủy ban Phát triển kinh tế - xã hội quốc gia Thái Lan vừa công bố cho thấy, nền kinh tế đất nước Chùa vàng năm 2014 tăng trưởng chậm nhất trong vòng ba năm qua. Biến động chính trị đã khiến hoạt động du lịch, đầu tư và xuất khẩu cùng đồng loạt suy giảm. GDP trong năm 2014 chỉ tăng 0,7%, trong khi con số được dự đoán trước đó là 1%. Theo nhận định của Phòng Thương mại Thái Lan, nền kinh tế lớn thứ hai trong ASEAN (sau Indonesia) vẫn tiếp tục giảm tốc và chưa thể phục hồi cho đến quý II-2015 do tiêu dùng nội địa và đầu tư tư nhân chưa có dấu hiệu tăng.

Chính trường Thái Lan vừa chứng kiến những "biến động" mới. Những động thái đó tác động đến như thế nào đối với tiến trình ổn định đất nước cũng như cuộc tổng tuyển cử tới đây là câu hỏi được đặt ra với nội các mới của Thái Lan. Và, như để trả lời cho điều này, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha vừa lên tiếng kêu gọi người dân Thái Lan tin tưởng vào các nỗ lực của chính quyền nhằm sớm vực dậy nền kinh tế đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đòn mạnh giáng vào đảng Puea Thai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.