Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dồn lực phát triển công nghiệp hỗ trợ

Nguyễn Lê| 03/02/2016 07:01

(HNM) - Trong 5 năm tới, TP Hồ Chí Minh sẽ dành khoảng 1.000 tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất cho vay với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Đây được xem là động thái quyết liệt để đưa thành phố trở thành

Doanh nghiệp trong nước phải giữ vai trò nền tảng trong phát triển công nghiệp hỗ trợ.


"Nhường" sân cho doanh nghiệp FDI?

Tuy là địa phương đi đầu trong phát triển CNHT, nhưng ngành CNHT của TP Hồ Chí Minh đến nay cũng chỉ mới ở mức "thô". Thời gian gần đây, các chuyên gia trong và ngoài nước đề cập nhiều đến cơ hội để Việt Nam trở thành "công xưởng" của thế giới. Thực tế cho thấy, cơ hội này đang đến rất gần khi nhiều tập đoàn lớn nước ngoài đã và đang có ý định dịch chuyển nhà máy, dây chuyền sản xuất từ các nước khác về Việt Nam.

Nhìn vào danh sách các doanh nghiệp đang đầu tư vào các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCN) theo định hướng các ngành mũi nhọn của TP Hồ Chí Minh có thể nhận thấy, đa phần các doanh nghiệp quan tâm đến CNHT chủ yếu thuộc khối FDI. Đơn cử, Công ty TNHH Daehan Motors vừa tăng vốn đầu tư lên 20 triệu USD tại KCN Cơ khí Ô tô mới thành lập. Nhiều doanh nghiệp khác cũng đang đầu tư vào CNHT như Công ty TNHH SM-Cyclo, Công ty TNHH Lek Sun Technology, Công ty TNHH Huish Outdoors...

Hiện ngành CNHT của Việt Nam mới đáp ứng 8% nhu cầu đối với ngành ô tô, 20% đối với ngành điện tử, 40% đối với ngành da giày, 50% đối với ngành dệt may… Riêng tại TP Hồ Chí Minh, ngành CNHT phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu và linh kiện nhập khẩu (tỷ lệ nhập khẩu lên tới 80%). Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang xuất thô tài nguyên thiên nhiên quá nhiều dù đây là nguồn nguyên phụ liệu quan trọng nhất để phát triển CNHT.

Điều này dẫn đến thực trạng, các doanh nghiệp phát triển CNHT lại phải nhập khẩu nguyên phụ liệu từ nước ngoài với giá thành cao, làm giảm sức cạnh tranh. Với năng lực hiện có của các doanh nghiệp trong nước cũng như kinh nghiệm làm CNHT, nhiều ý kiến lo ngại chỉ có doanh nghiệp FDI mới có đủ điều kiện tham gia phát triển ngành này. Nguy cơ "nhường" sân chơi CNHT đầy tiềm năng cho doanh nghiệp nước ngoài đang hiện hữu.

Phải khẳng định vị thế doanh nghiệp trong nước

UBND TP Hồ Chí Minh vừa phê duyệt đề án phát triển CNHT trên địa bàn thành phố giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2025. Theo đề án này, trong 5 năm tới, thành phố sẽ dành khoảng 1.000 tỷ đồng để hỗ trợ lãi vay cho đầu tư lĩnh vực CNHT. Điều này cho thấy, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đang quyết tâm đưa thành phố trở thành địa phương đi đầu cả nước về phát triển CNHT. Theo các chuyên gia, Việt Nam đang đứng trước "thời cơ vàng" để phát triển ngành CNHT.

Khi Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU), Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP)... có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn nước ngoài sẽ tiếp tục "đổ bộ" vào Việt Nam. Tuy vậy, ông Yasuzumi Hirotaka, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP Hồ Chí Minh cảnh báo, làn sóng đầu tư nước ngoài này sẽ là thách thức lớn đối với doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt trong bối cảnh ngành CNHT của Việt Nam chưa có nền tảng vững chắc. Theo ông Yasuzumi Hirotaka, thách thức đặt ra rất nhiều. Một trong nhiều nguyên nhân khiến CNHT Việt Nam chưa thể phát triển xứng tầm chính là quy mô thị trường nội địa của ngành này quá nhỏ bé.

Bên cạnh đó, vốn cũng được xem là rào cản các doanh nghiệp trong nước, nhất là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển. Theo ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, nút thắt đang nằm ở chỗ doanh nghiệp không có tài sản thế chấp, trong khi nguồn vốn ưu đãi rất eo hẹp. Ông Nguyễn Phương Đông cho biết, Sở Công thương đang cùng các đơn vị liên quan hoàn thiện đề án phát triển CNHT đối với 6 ngành mũi nhọn là cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, hóa dược - cao su, chế biến tinh lương thực - thực phẩm, dệt may và da giày ngay trong tháng 1-2016. Các doanh nghiệp khi đầu tư vào CNHT sẽ nhận được nhiều ưu đãi như hỗ trợ lãi suất vay, được vay tối đa 70% vốn đầu tư tại các tổ chức tín dụng, hỗ trợ 75% chi phí chuyển giao công nghệ...

Nhằm xây dựng ngành CNHT một cách bền vững, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp nội địa phải giữ vai trò nền tảng. Theo ông Yasuzumi Hirotaka, nếu chỉ dừng lại ở chính sách hỗ trợ mà không có mục tiêu cụ thể cho các doanh nghiệp bản địa thì khả năng chỉ có doanh nghiệp FDI mới đủ năng lực phát triển CNHT, và khi đó Việt Nam sẽ không thể làm chủ được ngành công nghiệp quan trọng và đầy tiềm năng này. Để giải quyết vấn đề, các chuyên gia cho rằng, phải thúc đẩy chuyển giao công nghệ, kỹ thuật từ doanh nghiệp FDI sang doanh nghiệp bản địa. Song song đó, phải có cơ chế để doanh nghiệp FDI thu mua các bộ phận, linh kiện với giá hợp lý từ các doanh nghiệp bản địa thay vì nhập khẩu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dồn lực phát triển công nghiệp hỗ trợ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.