Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đơn giản mà hiệu quả

Sơn Tùng| 25/02/2011 07:44

(HNM) - Mưa nặng hạt hơn. Tôi kéo chiếc mũ xuống, tránh những hạt mưa quất vào mặt và theo đoàn cán bộ nghiệm thu mô hình



Lần đầu tiên tôi được chứng kiến nông dân thu hoạch khoai tây không cần cuốc mà dùng tay bới rơm, rạ, bèo… phủ bề mặt để nhặt củ. Các luống khoai tây đều sai trĩu, củ nào củ ấy to, tròn đều, sạch, mã đẹp. Không chỉ tôi mà cả nhóm công tác đều trầm trồ "khoai tây đẹp quá". Theo lãnh đạo Chi cục BVTV Hà Nội, mô hình này mới được đưa về các huyện Chương Mỹ, Thạch Thất và đã được nông dân tiếp nhận rất nhiệt tình vì hiệu quả của nó.

Ông Nguyễn Văn Hào, nông dân trực tiếp tham gia mô hình tại huyện Thạch Thất, cho biết: "Ban đầu ai cũng lo, sau khi thu hoạch lúa chẳng làm đất gì cả, chỉ rải giống, che phủ rơm, rạ, bèo tây… Sự đơn giản quá làm nông dân ngỡ ngàng, chưa dám tin rằng sẽ cho thu hoạch". Với tay bới một cây khoai tây, chùm củ căng mẩy, ông Hào nói: "Lượng củ thế này chắc phải cho hơn 1 tấn/sào, lại đẹp nên được giá, dễ bán. Trồng khoai tây "tối thiểu" thế này đơn giản mà hiệu quả. Chất đất cũng được cải thiện cho vụ lúa sau". Thấy tôi băn khoăn về việc tăng diện tích trồng khoai, liệu có rơi vào tình trạng cung thừa, kéo giá xuống, mấy chị nông dân có mặt tại ruộng vui vẻ trấn an: "Khoai này bán ngay trong xã trong huyện còn thiếu nên chúng tôi không ngại".

Theo đánh giá của bà con và các nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật, trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu bước đầu đã cho kết quả rất khả quan, so với việc trồng khoai tây theo phương pháp truyền thống thì đây là một phương pháp dễ làm, đỡ tốn công lao động, góp phần giảm 80% công làm đất, năng suất tăng 10-20%, chất lượng của khoai thành phẩm cũng tăng.

Theo ông Đỗ Danh Kiếm, Chi cục phó Chi cục BVTV Hà Nội, đây là kỹ thuật trồng khoai tây tiên tiến hiện đã được chi cục thử nghiệm mấy vụ, rất dễ làm, giúp giảm chi phí đầu vào (vật tư, phân bón, công lao động) mà vẫn cho năng suất cao, chất lượng khoai tốt, thu nhập cao hơn hẳn so với cách làm cũ. Trồng khoai tây theo phương pháp cải tiến này rất đơn giản, sau khi thu hoạch lúa xong không cần cày, chỉ cần đánh đống rơm rạ gọn ở góc ruộng rồi cày xẻ rãnh 40cm, sâu 15cm, tạo các luống rộng thoát nước nhằm tránh úng ngập làm thối cây và củ. Tiếp theo là rải phân lót, đặt củ giống và phủ một lớp rơm rạ dày 8-10cm. Khi bón thúc, chỉ cần vạch rơm rạ để rải phân rồi ủ lại ngay, dẫn nước vào các rãnh để tưới ngấm dần mặt luống. Chỉ sau 2 tháng trồng, khoai lên xanh cho củ đều ngay trên mặt đất có che phủ rơm rạ hoặc bèo. Nếu áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, thì trừ chi phí 1 sào khoai tây cho thu nhập 4-5 triệu đồng, khá cao so với một số loại cây vụ đông khác như đậu tương, ngô, khoai lang.

Hiện nay nhu cầu tiêu thụ sản phẩm rau, củ, quả sạch là rất lớn, đặc biệt là với khoai tây, chủ yếu phải nhập khẩu từ Trung Quốc và các tỉnh bạn. Hơn nữa, từ trước đến nay, sau khi thu hoạch lúa nông dân thường đốt rơm rạ trên đồng, làm ảnh hưởng đến giao thông và môi trường sinh thái. Việc áp dụng phương pháp trồng mới khoai tây giúp tiết kiệm thời gian, nhân công, chi phí vật tư, vừa tận dụng được nguồn phân bón hữu cơ từ rơm rạ để cải tạo đất, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn. Tuy nhiên, để mô hình được nhân rộng, thì cần có sự định hướng và tạo hiệu quả tổ chức tập huấn về kỹ thuật gieo trồng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đơn giản mà hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.