Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đón các anh về từ đỉnh Chư Tan Kra

Lệ Hằng| 01/04/2011 06:29

(HNM) - Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hàng ngàn liệt sĩ Hà Nội đã nằm lại ở khắp các chiến trường, nhiều chiến sĩ đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt, để lại niềm trăn trở khôn nguôi cho biết bao người ở hậu phương.

Thực hiện trách nhiệm với người đã khuất, từ đầu năm 2009, Ban Liên lạc CCB Trung đoàn 209 - Trung đoàn thép Hà Nội ở Tây Nguyên đã thực hiện 7 chuyến về lại chiến trường xưa để tìm kiếm hài cốt đồng đội. Hơn 100 liệt sĩ Hà Nội đã được tìm thấy hài cốt nhờ nỗ lực không mệt mỏi của những người đồng đội cũ. Đến nay, cuộc tìm kiếm vẫn đang tiếp tục...

Dấu ấn "bộ binh mũ sắt"

Ngày 24-3-2011, đoàn công tác do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hoàng Mạnh Hiển và Thiếu tướng Phí Quốc Tuấn, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô dẫn đầu đã vào Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum làm lễ truy điệu, an táng 77/81 hài cốt liệt sĩ thuộc Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 209, hy sinh tại cao điểm 996, Chư Tan Kra, xã Sa Sơn ngày 26-3-1968 (4 liệt sĩ đã được gia đình đưa hài cốt về an táng tại quê nhà). Trong đoàn công tác, còn có 4 người trong Ban Liên lạc CCB Trung đoàn thép Hà Nội, là: Chu Trọng Chiến, Nguyễn Xuân Chính, Phạm Trung Thường và Nguyễn Bá Thuận. Họ chính là những chiến sĩ Hà Nội quả cảm, lừng danh trong chiến dịch Mậu Thân 1968.

Ban Liên lạc CCB Trung đoàn 209 và các thân nhân liệt sĩ Hà Nội tại buổi lễ truy điệu, an táng 77 hài cốt liệt sĩ đã hy sinh ngày 26-3-1968, trận cao điểm 996 Chư Tan Kra, xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy, Kon Tum.

Phạm Trung Thường, quê Đông Hội, Đông Anh, nguyên trinh sát Mặt trận B3, thương binh 1/4, kể: Ngày 23-3-1967, hơn 600 lính Đông Anh tòng quân nhập thành một tiểu đoàn (Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 209). Lúc đó, khí thế hừng hực lắm. Nhiều anh em có tiêu chuẩn đi học ở nước ngoài hoặc vào lực lượng công an cũng gác lại để xung phong đi bộ đội, vào Nam chiến đấu. Trung đoàn 209 ngày đó, ngoài ''dân'' ngoại thành ở Đông Anh (Tiểu đoàn 8), Gia Lâm (Tiểu đoàn 7), còn có rất nhiều ''lính cậu'', gốc nội thành (Tiểu đoàn 9, sau xé lẻ về các Tiểu đoàn 7, 8), như: Hồ Đại Đồng, học sinh chuyên toán Trường cấp III Yên Hòa, hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xuất nhập khẩu Lai Châu, ở Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình; Phạm Bá Thi, nguyên giáo viên tiếng Nga Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (đã hy sinh năm 1968); Lê Đình Thuộc, 307 Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, thương binh 4/4, nay ở quận 7, TP Hồ Chí Minh; Phùng Văn Chuyển, thương binh 4/4, quê quận Tây Hồ; Nguyễn Bá Thuận, ở Giảng Võ, quận Ba Đình...

Sau thời gian huấn luyện tại Hòa Bình, chiều tối 5-2-1968 (mùng 2 Tết Mậu Thân), Trung đoàn 209, Sư đoàn 7, gồm các Tiểu đoàn 7, Tiểu đoàn 8 và Tiểu đoàn 9 được lệnh lên đường hành quân cấp tốc vào chiến trường Tây Nguyên, bổ sung cho Sư đoàn 1 - Sư đoàn chủ lực đầu tiên của Mặt trận Tây Nguyên (còn gọi là Nông trường 1, Mặt trận B3), chuẩn bị làm ''quả đấm thép'' mở màn cho chiến dịch Mậu Thân 1968. Trung đoàn 209 (Trung đoàn thép) là một trong những đơn vị đầu tiên của bộ binh ta được trang bị chính quy với đầy đủ mũ sắt, súng AK báng gấp, giày cao cổ, mặt nạ phòng độc...

Chu Trọng Chiến (quê Dục Tú, Đông Anh), nguyên là chiến sĩ liên lạc kể lại: Được tin đi chiến đấu, CBCS đơn vị ai nấy đều phấn khởi. Không khí sôi động lan khắp trung đoàn. Sau khi được phổ biến nhiệm vụ, các đơn vị làm công tác chuẩn bị, dồn dịch quân số, bổ sung súng đạn, trang bị thuốc men... chuẩn bị cho đợt hành quân vào Nam chiến đấu. Giữa tháng 2-1968, toàn bộ đội hình trung đoàn đã có mặt tại căn cứ Bộ Tư lệnh B3 (Mặt trận Tây Nguyên). Đây là địa bàn chiến lược có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với chiến trường miền Nam Việt Nam cũng như đối với Campuchia và Lào.

Thực hiện kế hoạch tác chiến của Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, Trung đoàn 209 nhận nhiệm vụ đánh sân bay Kleng và chuẩn bị bàn đạp tấn công sang phía đông thị xã Kon Tum. Sau khi nghiên cứu kỹ tình hình địch và địa hình, địa vật, ngày 21-3-1968, quân ta đánh trận đầu tiên ở cao điểm 995, Chư Tan Kra. Đến đêm 25, rạng ngày 26-3-1968 các tiểu đoàn đồng loạt tấn công tiêu diệt hỏa lực địch, làm chủ hoàn toàn cao điểm Chư Tan Kra và núi Chư Pen, thuộc địa phận 2 xã Mo Ray và Sa Sơn, huyện Sa Thầy, Kon Tum. Đinh Tiên Phong, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 7 quê Gia Lâm - người đã bị địch bắt làm tù binh trong trận Chư Tan Kra nhớ lại: Hôm ấy (26-3) hai bên giao chiến dữ dội. Ta đã đánh một trận tập kích thành công, tiêu diệt 204 lính Mỹ. Bị thương nặng gãy 2 chân, 1 tay, Đinh Tiên Phong cố bò ra khỏi trận địa, nhưng cứ được vài mét thì lại bị ngất. Xuống chân núi được khoảng 100m, khi tỉnh lại, anh thấy mình bị Mỹ bắt làm tù binh. Anh kể: ''Sau trận đánh ở Chư Tan Kra, đơn vị đã có giấy báo tử cho mình. Sau 6 năm trong nhà tù, năm 1973, trong một đợt trao trả tù binh, mình được trả về Bắc. Lúc đó, gia đình đã lập bàn thờ. Như vậy cũng còn may. Nhiều đồng đội cùng nhập ngũ một ngày với mình đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt''. Đó cũng là lý do để những chiến sĩ như Đinh Tiên Phong, Phạm Minh Ngọc, Hồ Đại Đồng, Lê Đình Thuộc, Nguyễn Xuân Tứ... dù đã ngoại 60 tuổi, thương tật đầy mình, nhiều người cuộc sống còn khó khăn, vẫn gác lại cả công việc, gia đình, vợ con để về lại chiến trường xưa tìm kiếm, quy tập hài cốt những người đồng đội cũ.

Về lại chốn bình yên

Tháng 12-2010, sau gần 2 năm miệt mài tìm kiếm, cùng với sự giúp đỡ của BCHQS tỉnh Kon Tum, huyện Sa Thầy, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 và Quân khu 5, Ban Liên lạc CCB Trung đoàn 209 đã tìm kiếm và quy tập được hơn 100 hài cốt liệt sĩ tại các cao điểm M1, M2 thuộc dãy núi Chư Pen và Chư Tan Kra. Trong đó có 81 hài cốt liệt sĩ tiểu đoàn 7 bị Mỹ chôn trong một ngôi mộ tập thể tại núi Chư Tan Kra. 4 hài cốt liệt sĩ sau đó đã xác định được danh tính, đưa về an táng tại quê nhà, còn 77 hài cốt liệt sĩ chưa xác định danh tính đã được UBND TP Hà Nội, tỉnh Kon Tum làm lễ truy điệu trọng thể và an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Sa Thầy ngày 25-3-2011. Vậy là sau 43 năm lưu lạc trong lòng đất, các anh đã được trở về trong vòng tay yêu thương của quê hương, đồng đội...

Chị Lê Thị Kim Đơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum và anh A Kim, Bí thư Huyện ủy Sa Thầy tâm sự, kể từ ngày tìm thấy 81 hài cốt liệt sĩ Hà Nội tại ngôi mộ tập thể trên cao điểm 996, Chư Tan Kra (ngày 19-12-2010) cho đến khi các anh được an táng (ngày 25-3-2011) tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Sa Thầy, không ngày nào, các anh, chị không thắp hương tưởng niệm cho linh hồn các liệt sĩ. ''Nhân dân cả nước và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ của Thủ đô Hà Nội. Mảnh đất Kon Tum anh dũng, kiên cường, hiền hòa, nhân hậu sẽ là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của các anh. Tuổi trẻ của các anh sẽ mãi mãi tô đậm màu xanh của núi rừng Tây Nguyên'' - chị Lê Thị Kim Đơn chia sẻ.

Không ai cầm được nước mắt khi nghe lời điếu của UBND TP Hà Nội do Phó Chủ tịch Hoàng Mạnh Hiển đọc tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Sa Thầy hôm đó: ''Các anh, những người con thân yêu của Thủ đô đang yên nghỉ tại mảnh đất chiến trường xưa. Sự hy sinh cao cả của các anh là tấm gương sáng cho chúng tôi và thế hệ mai sau. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô mang theo hơi ấm và tình cảm của hàng triệu người dân Thủ đô đến với các anh trong giờ phút thiêng liêng này và nguyện sống, làm việc thật tốt để xứng đáng với sự hy sinh anh dũng đó''. Chiều 26-3, khi đoàn chuẩn bị rời Kon Tum về Hà Nội thì nhận được một tin vui: Đã tìm thấy hài cốt liệt sĩ Phạm Bá Thi, hy sinh ngày 21-3-1968 tại cao điểm M2 Chư Tan Kra. Vậy là, một người con thân yêu nữa của Hà Nội lại sắp được trở về quê nhà. Và những cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ đầy ắp tình người giữa hai miền đất nước vẫn còn tiếp tục...

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đón các anh về từ đỉnh Chư Tan Kra

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.