Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Đòn bẩy” từ chính sách

Châu Duyên| 15/01/2014 07:10

(HNM) - Hằng năm, TP Hồ Chí Minh có khoảng 800 - 1.000ha đất nông nghiệp chuyển đổi công năng. Diện tích đất nông nghiệp giảm, bù lại giá trị gia tăng, hiệu quả sản xuất trên 1ha đất đều tăng theo từng năm nhờ các chính sách chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp hợp lý của thành phố.


Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Hồ Chí Minh cho biết, năm 2013 giá trị gia tăng nông lâm ngư nghiệp trên địa bàn thành phố tăng 5,6% so với năm 2012 (cả nước tăng 2,67%). Giá trị sản xuất tăng 6,1% (cả nước tăng 2,95%). Trong đó thủy sản tăng 9,9%, chăn nuôi tăng 4,2%, trồng trọt tăng 3,7%. Hiệu quả sản xuất trên 1ha đất canh tác tăng đều qua các năm: Năm 2013 đạt 282 triệu đồng/ha/năm tăng 18% so với năm 2012 (năm 2012 đạt 239 triệu đồng/ha/năm còn trước đó, năm 2011 là 170 triệu đồng/ha/năm).

Trồng lan mang lại hiệu quả kinh tế cao.



Năm 2013, ngoài diện tích đất lúa giảm 6,4% so với năm 2012 còn 19.152ha, các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao đều tăng diện tích. Diện tích gieo trồng rau tăng 1,8%, hiện có hơn 14.700ha, sản lượng ước đạt gần 400.000 tấn, giá trị ước đạt gần 1.850 tỷ đồng (tăng 3,6% so với năm 2012). Thành phố đã hình thành một số vùng trồng rau chuyên canh tập trung tại các xã của huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn. Diện tích hoa, cây cảnh tăng 4%, đạt 2.090ha tập trung tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Thủ Đức.

Theo ông Nguyễn Phước Trung, thành công của chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp được tổng hợp từ rất nhiều biện pháp mà thành phố đã và đang thực hiện. Đó là việc xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, các trung tâm hỗ trợ nông nghiệp; chương trình phát triển giống cây, giống con chất lượng cao... Đặc biệt, một biện pháp mang lại kết quả cao là chương trình hỗ trợ lãi suất vay thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đô thị của thành phố giai đoạn 2013-2015. Theo đó, thành phố sẽ hỗ trợ lãi suất vay cho các gia đình, trang trại, doanh nghiệp chuyển dịch cơ cấu để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp. Điều đặc biệt là, khi thực hiện các chính sách này là tổng hợp nguồn lực từ người dân còn ngân sách thành phố chỉ là "đòn bẩy". Ông Nguyễn Phước Trung cho biết, từ khi thực hiện là năm 2011 đến thời điểm hiện tại, toàn thành phố đã có hơn 10.298 gia đình, trang trại, doanh nghiệp được hỗ trợ lãi của số vốn vay hơn 2.500 tỷ đồng (trong tổng vốn đầu tư 4.353 tỷ đồng). Riêng năm 2013 hỗ trợ lại cho khoản vay 933 tỷ đồng (tổng vốn vay trong năm là 1.558 tỷ đồng). Tính toán theo kết quả thực hiện chương trình cho thấy, ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi vay 1 đồng vốn cho các hộ dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo chương trình mục tiêu phát triển nông nghiệp của thành phố đã huy động được 33 đồng, trong đó huy động từ ngân hàng là 19 đồng, trong dân là 14 đồng.

Trong năm 2014, TP Hồ Chí Minh phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp trên 6% (cả nước dự kiến tăng 3,7%-4%), giá trị gia tăng trên 5% (cả nước dự kiến tăng 2,8%-3%)... Cơ cấu kinh tế nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của thành phố. Cụ thể, hoa, cây cảnh trên 2.100ha; diện tích trồng rau 15.000 - 15.500ha; cá cảnh 90 triệu con… Để thực hiện mục tiêu này, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chương trình và chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, hỗ trợ lãi suất vay cho các hộ nông dân và hình thành các vùng sản xuất chuyên canh gắn với công nghiệp chế biến và hệ thống phân phối, tiêu thụ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Đòn bẩy” từ chính sách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.