Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đòn bẩy cho Châu Á - Thái Bình Dương tự cường

Quỳnh Chi| 09/10/2013 06:30

(HNM) - Ngày 8-10, Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 21 đã bế mạc tại Bali (Indonesia) trong sự đồng thuận của các nền kinh tế thành viên trên nhiều vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận thế giới.

Các nhà lãnh đạo thảo luận tại APEC 21.


APEC 21 diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị toàn cầu có nhiều biến động, đà phục hồi kinh tế chưa bền vững, Vòng đàm phán Doha vẫn trì trệ. Vì vậy, diễn đàn kinh tế quan trọng trong năm của khu vực đã đề ra một trong những nhiệm vụ then chốt là khẳng định cơ chế hợp tác ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, để tiếp tục duy trì vai trò đầu tàu về tăng trưởng và liên kết kinh tế thế giới. Theo dự báo, các nền kinh tế APEC sẽ tăng trưởng 6,3% trong năm nay và 6,6% trong năm tới. Mặc dù vậy, sự phục hồi chưa thực sự vững chắc ở khu vực, với những chính sách tài chính không chắc chắn tại Mỹ, đang tác động đến các thành viên APEC, đặc biệt là những nền kinh tế đang nổi lên. Đây là lý do các nhà lãnh đạo chọn chủ đề trọng tâm cho APEC 21 là "Châu Á - Thái Bình Dương tự cường: Ðộng lực của tăng trưởng toàn cầu".

Nhiều sáng kiến đã được đưa ra trong quá trình thảo luận. Theo đó, các nhà lãnh đạo đã nhất trí thông qua quyết tâm chính trị và sự ủng hộ mạnh mẽ của APEC nhằm thúc đẩy Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thông qua thỏa thuận mới có tên gọi "Gói Bali" về các vấn đề phát triển, một số vấn đề nông nghiệp và thuận lợi hóa thương mại. Đây được coi là một trong những "đòn bẩy" có ý nghĩa quyết định đối với vòng đàm phán Doha và hệ thống thương mại đa phương. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo cũng thỏa thuận đẩy mạnh hoàn thành các mục tiêu Bogor vào năm 2020 về tự do hóa thương mại đầu tư nhằm xây dựng một khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tự cường, gắn kết, phát triển đồng đều, công bằng và bền vững. Một trong những điểm nhấn đáng chú ý khác của APEC 21 là thỏa thuận triển khai các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường sự tham gia rộng rãi của khu vực tư nhân trong thương mại dịch vụ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn tài chính thương mại, thực hiện giảm thuế xuống dưới 5% vào năm 2015 đối với 54 mặt hàng thuộc Danh mục hàng hóa môi trường APEC (EGS).

Trong bối cảnh xu thế liên kết trong khu vực được đẩy mạnh, những thỏa thuận vừa đạt được kết hợp với việc tăng cường trao đổi thông tin liên kết giữa các nền kinh tế thành viên sẽ là một bước tiến lớn trong lộ trình xây dựng Khu vực thương mại tự do toàn Châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) như mong muốn chung của các nhà lãnh đạo APEC. Điều này được thể hiện rõ ràng qua bản Tuyên bố chung khẳng định sự đồng thuận, cùng hướng đến các mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020 và hội nhập toàn diện các nền kinh tế trong khu vực. Các thành viên APEC cũng cam kết áp dụng các chính sách kinh tế vĩ mô thận trọng và có trách nhiệm nhằm bảo đảm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế và ổn định tài chính ở khu vực, đồng thời ngăn chặn sự lan rộng của các tác động xấu đối với quá trình phục hồi còn nhiều khó khăn.

Dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao APEC 21, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi đi một thông điệp rõ ràng. Đó là APEC không chỉ là một diễn đàn có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam trong các lĩnh vực kinh tế, đối ngoại, an ninh mà còn là một kênh hiệu quả để Việt Nam đẩy mạnh hợp tác và làm sâu sắc quan hệ song phương với các thành viên, trong đó có hầu hết là những đối tác chiến lược và đối tác toàn diện của Việt Nam. Những đóng góp bền bỉ trong nhiều năm qua cùng quyết định đăng cai Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25 vào năm 2017 một lần nữa cho thấy, Việt Nam luôn nỗ lực hết mình phối hợp với các thành viên APEC gánh vác những trách nhiệm chung, đồng thời khẳng định, APEC luôn có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Được thành lập từ năm 1989, APEC không nhằm mục đích trở thành một khối như Liên minh Châu Âu (EU), mà tập trung hỗ trợ các chương trình và chính sách được thực thi trong khu vực, thông qua ủng hộ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), Khu vực Thương mại tự do và Hiệp định Thương mại khu vực (RTA) giữa các nền kinh tế thành viên. Trải qua 24 năm, diễn đàn ngày càng có vị trí, uy tín trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng một khu vực Châu Á - Thái Bình Dương ổn định và phát triển mạnh mẽ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đòn bẩy cho Châu Á - Thái Bình Dương tự cường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.