Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Đơm đó” chụp giặc trời

Đức Trường| 15/12/2012 06:24

(HNM) - Một chiều đông, chúng tôi sang Đông Anh tìm đến nhà Đại tá Đinh Thế Văn, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77 - Đơn vị Anh hùng đã liên tục hạ B-52 trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không. Tới thôn Đào Thục, xã Thụy Lâm, chỉ mới hỏi đường đến nhà ông Văn, dân làng đã dẫn tận nơi. Căn nhà một tầng, lối vào lẩn sau rặng nhãn, trông thanh bình và kín đáo hơn khi sương mù giăng mắc.


Biết cách đánh rồi mới dám đánh

Sau cái bắt tay chặt và ấm, Đại tá Đinh Thế Văn như lôi chúng tôi vào dòng ký ức cách đây tròn 40 năm. Trong nhà còn có một nhóm làm phim do đạo diễn Đặng Việt Tùng, người đã làm bộ phim về những người lái chiếc xe tăng 390 húc đổ Cổng dinh Độc lập trưa ngày 30-4-1975 lịch sử, dẫn sang. Hai người vốn là bạn của nhau từ ngày Tiểu đoàn 77 chốt ở trận địa Chèm (Từ Liêm) để bảo vệ những mục tiêu quan trọng trong nội thành.

Xác máy bay B-52 bị bắn rơi trong trận đánh rạng sáng ngày 19-12-1972 tại cánh đồng xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai. Ảnh: Linh Ngọc


Sở dĩ tiểu đoàn của ông liên tục hạ B-52 là do dám đánh, dám đối đầu với B-52. Lúc mới bước vào trận đánh, cũng có lo lắng nhưng vì đã biết được cách đánh nên ông bàn với anh em quyết tâm đánh theo cách đánh đã thống nhất. "Nếu không biết cách đánh mà dám đánh là liều lĩnh và sẽ trở thành mồi ngon cho các loại tên lửa không đối đất", Đại tá Đinh Thế Văn khẳng định. Tất nhiên, không phải dễ mà biết được cách đánh siêu pháo đài bay. Bởi vì chẳng phải tự nhiên mà người Mỹ đã dám vỗ ngực không có loại vũ khí nào ở Bắc Việt có thể bắn được B-52. Đạn pháo bắn không tới, tên lửa thì bị "bịt mắt" bằng những máy gây nhiễu mạnh…

Do vậy, đối với lực lượng tên lửa, vạch nhiễu, phân biệt được nhiễu thật và nhiễu giả là điều sống còn. Trước khi bước vào chiến dịch, các trắc thủ của đơn vị đã được huấn luyện cách xác định dải nhiễu của B-52 thông qua các đặc điểm như: cường độ sáng của nhiễu rực hơn các loại khác, chúng cũng có độ mịn và rộng hơn, dải nhiễu ổn định chứ không lật trái, lật phải, bổ nhào... Qua những lần bám nhiễu, anh em trong tiểu đoàn thấy những đặc điểm của B-52 là bay ổn định ở độ cao 10km, nặng trên 30 tấn nên nhiễu rất nặng, cách mục tiêu 35km sẽ rẽ vào để thả bom và khi đó 16 chiếc F4 đi hộ tống sẽ tản ra. Đó chính là lúc tên lửa Việt Nam đối diện với siêu pháo đài bay B-52. Nhưng nếu đánh bằng phương pháp phát sóng truyền thống thì trận địa tên lửa sẽ bị tên lửa không đối đất shrike (sơ rai) bám theo cánh sóng bắn cho tan tành. Đinh Thế Văn qua thực tiễn chiến đấu đã nghĩ ra phương pháp phát sóng nhanh, khi gặp đúng dải nhiễu B-52, theo dõi không quá 10 giây là tắt ngay. Cứ thế, "nó chưa kịp bắn trúng mình thì mình đã bắn trúng nó rồi".

Khi B-52 vào cự ly hợp lý, các tham số nhỏ là lúc Tiểu đoàn trưởng ra lệnh khai hỏa với cách bắn vượt trước nửa góc, chế độ bám sát tự động và đó cũng là lúc chúng ta đối diện với quân thù. Đây là cách đánh hiệu quả nhất nhưng đòi hỏi sự bình tĩnh cao độ và thao tác chính xác đến từng giây bởi vì thắng hay bại cũng chỉ tính bằng giây. Nếu không thuần thục, chính xác thì có thể chúng ta bắn được 1 chiếc B-52 cũng là lúc trận địa tên lửa bị hủy diệt. Tiểu đoàn cũng đã tập luyện kỹ càng cách gạt tên lửa shrike (sơ rai), có quả rơi cách trận địa tên lửa chỉ khoảng 300m. Có ngày tiểu đoàn 77 gạt tới 6 quả shrike.

Vừa cười hiền, Đại tá Đinh Thế Văn nói: "Khi đã biết cách đánh rồi thì đánh B-52 ngon lắm! Như là đơm đó bắt cá". Và thực tế chiến trường đã cho thấy Tiểu đoàn 77 của Đinh Thế Văn liên tục bắt được cá lớn.

Những ký ức không thể nào quên

Cùng với quân và dân Thủ đô, đêm 18 rạng ngày 19-12, tiểu đoàn 77 đã bước vào trận chiến đầu tiên với B-52. 2h ngày 19-12-1972, 21 lần chiếc B-52 xuất phát từ căn cứ Mỹ ở Utapao (Thái Lan) bay vào đánh Hà Nội, mục tiêu chính là Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam. 4h30, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77 Đinh Thế Văn ra lệnh cho kíp chiến đấu kiên trì theo dõi và phát hiện được tín hiệu pháo đài bay B-52 ở cự ly 28km. Tiểu đoàn trưởng quyết định đánh bằng cách bắn vượt trước nửa góc, bám sát bằng chế độ tự động. 4h32 Tiểu đoàn trưởng lệnh phóng 2 quả tên lửa. Quả một cự ly 26km, quả 2 cự ly 25km, phương vị 200 giãn cách 6 giây. Hai quả đạn gặp mục tiêu và nổ tốt. Chiếc B-52 bốc cháy rừng rực, rơi xuống cánh đồng thôn Đại Định, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai. Đây là chiếc B-52 thứ hai rơi trong trận đánh đầu tiên. Đinh Thế Văn cùng anh em vui mừng không nói lên thành lời.

Lúc này, người dân xã Tam Hưng vẫn chưa ra đồng. Chẳng nhà nào ngủ yên vì tiếng động máy bay đủ loại khuấy đảo cả đêm. Tiếng nổ rất lớn ở phía cánh đồng thôn Đại Định đánh thức cả xã dậy. Có bà cụ sợ quá, vừa chạy vừa khóc: "Ối bà con ơi, làng bị oánh bom rồi!" Tiếng bom nổ ầm ầm. Đất cát bay vương vãi khắp làng. Mái ngói ở trại chăn nuôi bị bay đi hết, tường bị nứt toác. Chốc chốc lại có tia sáng phát ra như pháo hoa quanh chiếc máy bay. Khi cả làng chạy ra mới biết đó là một chiếc máy bay to đùng bị bắn rơi, đầu cắm sâu vào lòng đất, khoét thành một cái ao to, mảnh vỡ vương vãi khắp nơi. Chưa ai ở trong làng thấy một cái máy bay to như thế! Lúc đầu mọi người còn sợ, sau thì vui mừng chạy ra tận nơi để tận mắt thấy xác máy bay địch bị bắn rơi đang cháy rừng rực.

Ngay khi máy bay rơi, ông Kiều Văn Độ, Đại đội trưởng Đại đội dân quân được giao nhiệm vụ rào hiện trường vụ máy bay rơi, không để dân vào khu vực còn bom nổ. Khi trời sáng rõ là lúc người dân quây đông xung quanh xác máy bay. Người thì tò mò hỏi chuyện nhau, thanh niên thì đi mót các mảnh vỡ…

Đó là những mảng ký ức từ 40 năm trước của người dân thôn Đại Định, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai. Anh Tạ Đình Trình, một người dân sở tại đang thi công bia ghi nhớ chứng tích điểm B-52 rơi, kể lại: "Nhà tôi cách điểm rơi có hơn trăm mét. May nó rơi ngoài đồng chứ trúng làng thì cả làng chết chứ chả riêng nhà tôi. Lúc tôi chạy ra còn thấy nó cháy rừng rực". Giờ trong nhà của anh Trình vẫn còn nhiều đồ vật vặt vãnh được làm từ những mảnh vụn của chiếc B-52 ngày nào mà anh thu nhặt được.

Đứng trên điểm máy bay rơi, chúng tôi không nhận thấy bất kỳ một dấu vết còn sót nào của chiếc máy bay do Tiểu đoàn 77 bắn hạ rạng sáng ngày 19-12 năm đó. Giờ đây, chỉ có một tấm bia mới được dựng lên bên trong một cái sân nhỏ bị vây xung quanh bởi ao khá sâu. Ông Đỗ Duy Hợp, Phó Bí thư Thường trực xã Tam Hưng cho biết, tấm bia đang được gấp rút xây dựng để hoàn thành trước ngày kỷ niệm. Nếu không có tấm bia này, lũ trẻ con của Đại Định, Tam Hưng lớn lên chắc chẳng biết chuyện máy bay B-52 rơi trên mảnh đất này từ bao giờ.

Ruộng đang vào kỳ tạm nghỉ, nhưng chợ búa thì đông đúc tấp nập. Chợ Tam Hưng đông người mua bán đến mức gây ùn cả một đoạn. Người già lo đi bán trà khô để kiếm thêm chút tiền. Thanh niên trai tráng đi khắp nơi để kiếm việc đặng nuôi gia đình. Trẻ con mải đến trường học... Nhưng những ký ức về chiến tranh vẫn không thể phai mờ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Đơm đó” chụp giặc trời

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.