(HNM) - Bất chấp việc thắng Pháp 2-0, vẫn có rất nhiều lời chỉ trích lối chơi
Người chiến thắng luôn có lý và thực tế là Tây Ban Nha đang rất thành công với lối chơi có hơi hướng tiqui-taca. Chỉ cần thêm hai trận thắng nữa là Del Bosque và học trò sẽ trở thành một trong những đội bóng vĩ đại nhất lịch sử. Trong quá khứ, chưa có đội bóng nào từng bảo vệ thành công chức vô địch EURO, cũng chưa có đội nào vô địch ba giải lớn liên tiếp. Thế nên, một khi đã tìm được công thức có thể mang lại chức vô địch thì người Tây Ban Nha chẳng ngại bị chỉ trích.
Pha tranh bóng giữa các cầu thủ Tây Ban Nha (áo sẫm) và Pháp. |
Cách chơi của họ trong trận tứ kết gặp Pháp đã cho thấy điều đó. Trên sân Donbass, người ta đã nghe thấy rất nhiều tiếng la ó khi cầu thủ Tây Ban Nha chuyền bóng qua lại trên sân. Bất chấp việc kiểm soát hoàn toàn thế trận sau bàn thắng đầu tiên, Tây Ban Nha biến 70 phút còn lại trở nên vô cùng nhạt nhẽo bằng cách chơi ru ngủ. Họ kiểm soát bóng, nhanh chóng giành lại bóng sau khi mất nhưng có vẻ như không muốn thắng đậm hơn bởi số đường chuyền ngang và chuyền về nhiều gấp ba lần những đường chuyền hướng lên phía trên. Cách chơi này đã bóp nghẹt trận đấu. Tây Ban Nha đã thành công trong cách chơi của mình nhưng với người xem trung lập thì cách chơi này là một biểu hiện thực dụng.
Có ý kiến cho rằng tiqui-taca ở ĐT Tây Ban Nha chỉ là ''giả cầy'' nếu so với cách chơi cuốn hút và đẹp mắt mà Barcelona đang áp dụng. Cũng không sai nếu so sánh hai cách chơi này ở khía cạnh giải trí. Ở Barca, khi có một bàn thắng, họ sẽ tiếp tục tấn công để có bàn thắng thứ hai, thứ ba và không bao giờ dừng lại. Còn ở ĐT Tây Ban Nha, sau khi có bàn thắng là họ ''đóng trận đấu'' lại bằng một thứ tiqui-taca nhạt nhẽo. Điều đó lý giải vì sao mà trong 4 trận đấu ở vòng đấu knock-out tại World Cup 2010, Tây Ban Nha đều chỉ thắng bằng tỷ số 1-0. Cách chơi này tiếp tục được hoàn thiện ở EURO 2012, đầu tiên là hy sinh nốt một trung phong để đá với sơ đồ 6 tiền vệ nhằm duy trì quyền kiểm soát bóng. Cách chơi này giúp Tây Ban Nha loại trừ tối đa rủi ro có thể xảy ra ở những trận đấu quyết định. Họ thắng Croatia 1-0 và ở trận gặp Pháp, kịch bản lẽ ra đã là 1-0 nếu không có quả penalty ở phút bù giờ.
Tuy nhiên, cũng phải thấy là chất lượng ĐT Tây Ban Nha ở giải này không cao như trước. Hàng thủ có những sai số, cách chơi với 6 tiền vệ khiến khả năng xuyên phá, dứt điểm không cao, nếu gặp phải hàng thủ chơi thấp và kỷ luật như ĐT Anh hoặc Italia chắc chắn sẽ gặp khó khăn.
Rất khó chờ đợi Tây Ban Nha chơi một thứ bóng đá khác trong những trận đấu tới. Vấn đề chỉ là các đối thủ tương lai như Bồ Đào Nha, Đức... sẽ khắc chế lối đá này thế nào. Chất lượng lối chơi của Tây Ban Nha đã giảm, trong khi cả Bồ Đào Nha rồi Đức đã tiến bộ trong hai năm qua. Trong mối tương quan ấy, chức vô địch EURO lần thứ hai liên tiếp liệu có phải là ảo tưởng của CĐV Tây Ban Nha? Thời gian sẽ trả lời!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.