(HNM) - Trong 3 đời HLV ngoại gần đây nhất của LĐBĐ Việt Nam (VFF) là Alfred Riedl, Henrique Calisto và Falko Goetz, dù họ đều đến từ các nền bóng đá thuộc Châu Âu nhưng mỗi ông thầy lại có cách xử sự cũng như phong thái rất riêng.
HLV Calisto luôn gần gũi với các tuyển thủ Việt Nam.
HLV Riedl và HLV Goetz thuộc mẫu HLV "quý ông" Châu Âu điển hình. Trừ những chuyến thi đấu hay tập huấn xa "đại bản doanh" đội tuyển, hoặc là ra nước ngoài, bình thường họ không ở cùng các tuyển thủ mà chỉ đến sân vào giờ tập luyện. Nhưng HLV Calisto thì khác, luôn lộ vẻ dân dã và gần gũi. Ông Calisto luôn "ba cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng theo sát quá trình tập luyện) với các tuyển thủ. Thậm chí, HLV Calisto là người khởi đầu cho việc đưa các tuyển thủ ra khỏi Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội trong mỗi lần đội tuyển tập trung, thay vào đó, các tuyển thủ được bố trí ở tại khách sạn hạng sang, từ 3 sao trở lên và được tập luyện hằng ngày ở SVĐ Quốc gia Mỹ Đình.
Sau mỗi buổi tập của ĐTQG, nếu không có việc gì quá bận rộn thì HLV Riedl thường chủ động đến tận khu vực dành cho các phóng viên. Những lúc ấy, ông thường hỏi: "Các anh cần gì ở tôi không (Do you need me)?". Tất nhiên, cánh phóng viên bao giờ cũng khát thông tin, chẳng bao giờ có ai lại phụ sự nhiệt tình của HLV Riedl. Và, thế là, hầu như ở bất cứ buổi tập nào, ông thầy người Áo cũng trả lời phỏng vấn báo chí.
Trong khi đó, với báo chí, HLV Calisto tỏ ra khá thất thường, có lúc sẵn sàng vui vẻ trả lời nhưng cũng có khi vùng vằng, cằn nhằn mãi rồi mới chịu đứng trước máy ghi âm. Đặc biệt, với những tờ báo chỉ trích ĐTVN hay HLV Calisto, ông thầy người Bồ Đào Nha luôn "soi" rất kỹ, và có lúc ông đã từ chối trả lời phỏng vấn một số tờ báo mà ông cho là không thiện chí với ông và ĐTVN. Trong thực tế, dù "lệnh cấm vận" của HLV Calisto thường không kéo dài quá lâu nhưng cũng có tờ báo thể thao khá uy tín đã có tới 2 lần bị HLV Calisto tuyên bố "cấm cửa", có chuyện "thù dai" ấy là bởi những bài viết của tờ báo này đã phê phán ông khá nặng lời, nhất là trong thời điểm HLV Calisto tỏ ý muốn "làm thêm" cho Hà Nội T&T mỗi khi ĐTVN không tập trung. Tuy nhiên, điểm chung của HLV Riedl và Calisto là rất hiếm khi từ chối phụ nữ, nên trong mọi hoàn cảnh, chỉ cần phóng viên nữ đặt câu hỏi hoặc đề nghị phỏng vấn là hai ông sẵn sàng trả lời.
Riêng HLV Goetz lại là một trường hợp đặc biệt, khi mà việc phỏng vấn ông không chỉ là thách thức với báo chí Việt Nam mà ngay cả với báo chí nước Đức quê hương ông cũng vậy. Tính ra, trong khoảng nửa năm làm việc ở Việt Nam, số lần HLV Goetz trả lời phỏng vấn báo chí không phải ở các cuộc họp báo chính thức có lẽ chưa tới 50 lần, khác hẳn với thời của HLV Riedl và Calisto, những người có thể "lên báo" hằng tuần, hằng ngày. Sau khi HLV Goetz bị VFF chấm dứt hợp đồng đúng vào kỳ nghỉ lễ Giáng sinh, vị HLV này lại càng kín tiếng hơn nữa, và mọi đề nghị phỏng vấn ông của báo chí Việt Nam hay báo chí Đức đều bị từ chối thẳng thừng. Thay vào đó, HLV Goetz lên trang web cá nhân để bộc lộ những suy nghĩ của mình, như những vấn đề xung quanh quyết định chấm dứt hợp đồng của VFF với ông. Trong buổi họp báo cuối cùng ở Việt Nam trước khi quay về Đức, HLV Goetz cũng không trả lời bất cứ tờ báo nào mà chỉ đưa ra một bài phát biểu với nội dung khá chua chát và cay đắng, rồi tạm biệt VFF và đứng dậy ra về.
Cho đến nay, HLV Goetz là HLV có lý lịch và bằng cấp hoành tráng nhất từng đến với bóng đá Việt Nam, nhưng ông lại là một HLV khó gần và nghiêm khắc, tới mức bị coi là lạnh lùng. Thậm chí, việc HLV Goetz thất bại ở SEA Games vừa qua cũng bị cho là có một phần liên quan tới tính cách của ông.
Năm 2012, VFF đang tìm thầy mới cho ĐTQG và U23. Sẽ là thầy nội, hay thầy ngoại mới?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.