Đầu tư phương tiện, cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại; bố trí cán bộ chuyên trách, có năng lực, trách nhiệm công tác, cộng với quyết tâm của tập thể những người làm công tác lãnh đạo, huyện Chương Mỹ thực sự tạo đột phá về công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận
Một phong cách, tác phong làm việc mới đang dần hình thành trong đội ngũ cán bộ, công chức ở đây và tất cả cùng hướng về mục đích phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp.
Từ sự hài lòng của người dân
Công dân làm thủ tục tại bộ phận “một cửa” huyện Chương Mỹ. Ảnh: Lê Hoàn
Anh Nguyễn Huy Thông ở xã Trường Yên đã từng đến phòng "một cửa" của huyện Chương Mỹ cách đây 3 năm để giải quyết thủ tục hành chính, nay có dịp trở lại đã không khỏi ngạc nhiên. Trước đây, phòng "một cửa" rộng chưa đầy 40m2, trang thiết bị sơ sài, chỉ có 4-5 cán bộ các phòng, ban được cử ra để nhận hồ sơ của công dân sau đó đem về phòng chuyên môn giải quyết. Mang tiếng là cải cách nhưng chẳng giảm được hiện tượng cán bộ sách nhiễu, gây phiền hà cho dân, chưa kể tình trạng quá tải luôn xảy ra vì căn phòng quá chật hẹp.
Nay thì phòng ốc khang trang, mùa đông ấm áp, mùa hè có máy điều hòa, có bàn ghế, nước uống phục vụ công dân trong khi đợi nhận kết quả. Nhưng điều đáng nói chính là sự giản tiện về trình tự, thủ tục và một không khí làm việc nghiêm túc, trật tự tại đây. Mỗi ngày, bộ phận "một cửa" tiếp hàng trăm lượt công dân nhưng không hề có cảnh ồn ào, xô đẩy, tranh nhau giải quyết thủ tục như trước đây. Tất cả mọi người dân khi bước chân vào phòng "một cửa" đã biết mình phải đến đâu, làm công việc gì thông qua hệ thống bảng chỉ dẫn điện tử. Một màn hình cảm ứng đặt gần lối ra vào giúp công dân có thể tự tra cứu các thông tin hướng dẫn về trình tự, hồ sơ. Công dân cũng có thể tự truy cập, lấy mẫu thủ tục, hoàn tất các yêu cầu và chuyển tới cán bộ chuyên trách, việc thu phí được thực hiện công khai. Ngoài ra, hệ thống xếp hàng tự động giúp công dân "ai đến trước được phục vụ trước". Toàn bộ hồ sơ đều được gắn mã vạch, căn cứ vào đó, công dân có thể tự giám sát tiến độ giải quyết thủ tục của mình. "Thật nhanh, dễ thực hiện, rất hiệu quả và khá thú vị" - anh Thông nhận xét. Cùng cảm nhận giống anh Thông, anh Nguyễn Viết Huấn ở xã Quảng Bị còn rất hài lòng về thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ làm việc tại bộ phận "một cửa". Cần thực hiện một thủ tục liên quan đến đất đai, chỉ sau 15 phút anh đã được hướng dẫn các thủ tục cần thiết, cán bộ "một cửa" thao tác một loáng là xong, đúng hẹn anh trở lại lấy kết quả.
Sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là mục tiêu số một của công tác cải cách thủ tục hành chính. Vì vậy, huyện đặc biệt chú trọng đến đội ngũ cán bộ. Phó Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện Chương Mỹ, kiêm Trưởng bộ phận "một cửa" Nguyễn Hợp Tiến cho biết, thay vì sử dụng cán bộ kiêm nghiệm như trước đây, huyện đã quyết định tuyển dụng 13 cán bộ trẻ có năng lực, thành thạo chuyên môn, máy tính và thực hiện chế độ phụ cấp, để cán bộ chuyên tâm phục vụ. Từ tháng 4-2010 (thời điểm bắt đầu áp dụng công nghệ mới tại bộ phận "một cửa") đến nay, bộ phận đã giải quyết hơn 12.000 hồ sơ. Tất cả số hồ sơ này được đưa vào phần mềm quản lý, bàn giao, theo dõi tiến độ giải quyết bảo đảm khoa học, thuận tiện, không có hồ sơ nào chậm, muộn, tạo được niềm tin đối với tổ chức, công dân đến giao dịch. Bộ phận "một cửa" đã nhận được nhiều thư khen của công dân cũng như doanh nghiệp.
Đến mục tiêu "một cửa" trên internet
Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng cho biết, quyết tâm tạo đột phá về CCHC, huyện đã đầu tư 2,6 tỷ đồng trang bị cơ sở vật chất cho bộ phận "một cửa"; đầu tư 6 tỷ đồng xây dựng mạng LAN. Ngay đầu năm 2011, huyện đã khai trương cổng thông tin điện tử, mục đích không chỉ giới thiệu về địa lý, lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội của huyện mà còn phục vụ công dân. Trên cổng thông tin đăng tải toàn bộ thủ tục hành chính, quy trình, thủ tục, thời gian xử lý. Giờ đây, chỉ cần ngồi nhà, vào mạng internet, gõ địa chỉ chuongmy.gov.vn, công dân biết ngay toàn bộ 297 hồ sơ thủ tục hành chính cấp huyện, 155 thủ tục cấp xã.
Tuy nhiên, theo ông Đinh Mạnh Hùng đây mới chỉ là kết quả thực hiện mức độ một của đề án xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả của bộ phận "một cửa". Trong năm 2011, huyện đang thực hiện mức độ hai của đề án là công khai thủ tục, quy trình giải quyết trên mạng internet. Năm tiếp theo, huyện sẽ thực hiện mức độ ba - công dân có thể ngồi nhà điền thủ tục hành chính, hoàn thiện và chuyển đến bộ phận "một cửa" thông qua mạng internet. Phấn đấu đến năm 2015, toàn bộ các khâu từ nộp hồ sơ đến giải quyết, nộp lệ phí đều thực hiện qua mạng.
Triển khai đề án này, huyện còn tập trung đầu tư cho bộ phận "một cửa" của 32 xã, thị trấn. Hiện tại, 50% xã, thị trấn đã có trụ sở "một cửa" riêng biệt, khang trang, có máy điều hòa, cán bộ ăn mặc đồng phục, được hưởng phụ cấp, có thẻ để phân biệt với công dân. Đội ngũ cán bộ "một cửa" cấp xã được tập huấn, ứng dụng công nghệ thông tin thành thạo. Theo ông Đinh Mạnh Hùng, với những xã chưa có bộ phận "một cửa" riêng biệt, UBND huyện đã có kế hoạch đầu tư một phòng có diện tích 80-120m2 (gấp 2-3 lần so với quy định), trang bị bàn ghế, thiết bị phục vụ công dân, với tổng kinh phí mỗi xã khoảng 700 triệu đồng. Cùng với đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo, sử dụng cán bộ "một cửa" hợp lý, huyện sẽ tăng cường kiểm tra đột xuất đối với cơ sở để kịp thời chấn chỉnh lối làm việc hình thức, hình thành tác phong làm việc chuyên nghiệp trong cán bộ "một cửa" cấp xã.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.