Sáng Chủ nhật (12/10), Cổng thông tin điện tử chính phủ phối hợp với Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng (VTV Đà Nẵng) thực hiện chương trình đối thoại trực tuyến với chủ đề:
Tọa đàm "Đẩy nhanh tiến độ GPMB dự án cải tạo, mở rộng QL 1A". Ảnh VGP/Minh Hùng |
Thực hiện Nghị quyết số 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã và đang triển khai các Dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ.
Đây là dự án cải tạo nâng cấp có quy mô lớn, vừa khai thác vừa thi công, trải dài qua nhiều địa phương, đan xen lẫn nhau giữa hình thức đầu tư BOT và sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, tổ chức thực hiện bởi nhiều chủ đầu tư, Ban QLDA, nhà đầu tư, nhà thầu xây lắp…
Để thi công đảm bảo tiến độ thì công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) hết sức quan trọng, song cũng là khâu gặp nhiều khó khăn vướng mắc nhất. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự tích cực vào cuộc của các địa phương, đến nay công tác GPMB cơ bản đã hoàn thành, 15/17 tỉnh thành bàn giao 100% mặt bằng. Tuy nhiên vẫn còn vài km chưa được giải quyết dứt điểm, ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.
Nguyên nhân của sự vướng mắc này do đâu, hướng giải quyết sắp tới như thế nào sẽ là những nội dung sẽ được đề cập trong chương trình đối thoại và sẽ được đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải và lãnh đạo một số địa phương nơi có tuyến đường đi qua trực tiếp giải đáp.
Xin Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cập nhật những thông tin mới nhất liên quan đến tiến độ triển khai dự án hiện nay?
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể: Sau hơn 1 năm triển khai, đến thời điểm này, cơ bản chúng ta thi công xong nền đường, hệ thống thoát nước hiện chỉ còn thi công mặt đường, móng đường.
Để chuẩn bị công tác này chúng tôi đã tiến hành một số thí nghiệm, một số gói thầu đã tiến hành trải thảm thử bê tông nhựa nóng và theo kế hoạch cuối 2014, đầu 2015, chúng tôi sẽ đẩy nhanh tiến độ hơn nữa để hoàn thành trong năm 2015.
Đối với các dự án dùng vốn trái phiếu Chính phủ, chúng ta có 20 dự án với vốn xây lắp 25.630 tỷ đồng, đến nay khối lượng thực hiện đạt 90% nền đường, móng đường trên 64%, thảm bê tông nhựa nóng 29,71%.
Đối với 17 dự án BOT, tiến độ có chậm hơn. Tuy nhiên, khối lượng đất thi công đã đạt trên 70%, móng đường khoảng 64%, kết cấu mặt đường 19%. Theo kế hoạch đến cuối 2014 chúng tôi sẽ kết thúc toàn bộ trải bê tông nhựa nóng từ Thanh Hóa đến Vũng Áng (sớm 2-4 tháng so với tiến độ), riêng đoạn Quảng Bình-Cần Thơ chúng tôi phấn đấu hoàn thành cuối năm 2015 (rút ngắn khoảng 12 tháng).
Xin ông cho biết, cho tới nay, công tác giải phóng mặt bằng trên toàn tuyến đã làm tới đâu?
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể: Như chúng ta đã biết, QL 1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ đi qua 17 tỉnh, tới 30/9/2014 đã có 15/17 tỉnh hoàn thành bàn giao mặt bằng cho nhà thầu. Tuy nhiên, sau khi bàn giao rồi, đây đó vẫn còn vướng mắc, nhưng về pháp lý nhà thầu đã nhận 100% theo diện tích.
Trong 15 tỉnh đó, để biểu dương những tỉnh làm tốt, ngày 15/5, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký văn bản biểu dương 6 tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai và Cần Thơ vì những địa phương này đến 5/2014 đã cơ bản hoàn thành bàn giao mặt bằng.
Hiện toàn tuyến có hơn 1.200 km, tuy nhiên, theo số liệu chúng tôi được biết, đến thời điểm này còn khoảng 4 km chưa bàn giao sạch và trong đó rơi vào Bình Định và Phú Yên.
Đối với Bình Định, chúng tôi ghi nhận còn khoảng 2 km, Phú Yên còn 1 km rơi vào các huyện An Nhơn, Hoài Nhơn, Tuy Phước… là chính.
Vai trò của các nhà thầu đối với các địa phương trong việc tham gia công tác đền bù, giải tỏa, GPMB để đảm bảo phục vụ thi công như thế nào, thưa Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể?
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể: Việc phối hợp của các nhà thầu có ý nghĩa hết sức quan trọng để đẩy nhanh tiến độ. Lãnh đạo Bộ GTVT thường xuyên đi kiểm tra công trình. Ban quản lý dự án cùng nhà thầu phối hợp chặt chẽ với địa phương sau khi có phương án đền bù GPMB thì chuyển tiền cho địa phương chi trả. Đồng thời khi nhận mặt bằng chúng tôi bàn giao ngay cho nhà thầu. Trong thời gian chuẩn bị nhận mặt bằng nhà thầu phải tập trung thiết bị xe, máy để khi có mặt bằng thì có thể triển khai thi công ngay đảm bảo đúng tiến độ đề ra.
Chúng tôi đánh giá gần như 100% nhà thầu phối hợp tốt, chỉ một số nhà thầu có vấn đề thì chúng tôi kịp thời uốn nắn trong các cuộc họp, kiểm tra.
Xin hỏi ông Ngô Đông Hải, các chính sách để dụng trong việc áp giá khu giải tỏa, chúng ta áp dụng theo những văn bản, quy định nào?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Ngô Đông Hải: Về phía Bình Định, việc áp các quy định của pháp luật cũng như các địa phương khác, trước hết là theo quy định trong Luật Đất đai và Nghị định 69 của Chính phủ.
Theo thẩm quyền của địa phương, tỉnh có ban hành một số quy định đền bù, giải tỏa mặt bằng, thu hồi đất trên địa bàn toàn tỉnh và áp dụng thống nhất cho tất cả các dự án, hiện chúng tôi áp dụng Quyết định 50 ban hành năm 2012 và chính sách đền bù giải phóng mặt bằng là áp dụng cho toàn tỉnh, không riêng gì với dự án giải phóng mặt bằng QL 1.
Xin hỏi ông Lê Văn Trúc, Phó Chủ tịch thường trực UBND Phú Yên, với những văn bản quy định và pháp luật của Nhà nước như thế thì hệ thống văn bản chính sách liên quan tới giải tỏa đển bù đã đầy đủ chưa, có thiếu gì không và có gây khó khăn gì trong quá trình thực hiện không?
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên Lê Văn Trúc: Theo tôi, tất cả văn bản quy định của Nhà nước mình nói chung và địa phương nói riêng đã đáp ứng được yêu cầu thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Những trường hợp cụ thể cần phải xem xét một cách đầy đủ để thực hiện chính sách tốt nhất. Đấy mới là vướng mắc còn vướng mắc ngay từ trong chính sách thì đến giờ cũng không có vướng nào. Chỉ khi thực hiện Luật Đất đai mới từ 1/7/2014 thì theo luật mới quy định, đất liền kề trong khu đất ở không được xem xét hỗ trợ như trước đây, mà giao chính quyền địa phương, Chủ tịch UBND các tỉnh căn cứ tình hình cụ thể, điều kiện ngân sách để xem xét và có hỗ trợ cho dân làm sao đảm bảo công bằng và dân đảm bảo được điều kiện sống và khôi phục lại sản xuất khi bị thu hồi đất.
Phú Yên có báo cáo Ban thường vụ Tỉnh ủy và Ban thường vụ Tỉnh ủy có nghị quyết thống nhất thực hiện chung 1 dự án trước 1/7 và sau 1/7 vẫn giữ theo Quyết định số 10 của UBND tỉnh là thực hiện việc hỗ trợ đất liền kề theo đất ở như trước 1/7, chứ chưa đề ra chính sách mới. Như vậy, cũng có điểm chưa đáp ứng được yêu cầu của Luật mới, nhưng đảm bảo sự công bằng và chúng ta không phải điều chỉnh lại nhiều giấy tờ.
Ông Mai Tấn Hoài, ở thôn Văn Cang, Hoài Đức, Hoài Nhơn, Bình Định hỏi: Cán bộ nói dự án không liên quan đến ADB3, nên diện tích tính theo dự án ADB3 bị trừ ra nhưng từ năm 1999 đến nay toàn bộ dân Văn Cang chưa nhận đdược đền bù từ dự án ADB3 và đến khi nào người dân mới nhận được?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Ngô Đông Hải: Trước đây, Chính phủ có chủ trương giải tỏa hành lang an toàn đường bộ QL1 gọi tắt là dự án ADB3. Chúng tôi đã tiến hành thu hồi đất, xây dựng hạ tầng, đảm bảo hành lang dọc hai bên đường. Và tùy theo từng đoạn tuyến khoảng 4m tính từ vệ đường. Các địa phương làm rất chặt chẽ, lập hồ sơ, lưu giữ ở cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và cấp huyện. Theo nguyên tắc những phần đất đã được đền bù thì không được đền bù lần 2. Vì thế chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương kiểm tra chặt chẽ hồ sơ. Nếu hồ sơ thể hiện rõ ràng phần đất đó đã được đền bù thì không thể đền bù lần 2; còn một số trường hợp mà không thể xác định hoặc không có hồ sơ thì vẫn đền bù cho dân. Nhưng về cơ bản dọc tuyến QL1 qua địa bàn tỉnh Bình Định, phần lớn người dân đã nhận đền bù theo dự án ADB3 trước đây. Tuy nhiên, một số hộ có thể chuyển đến ở sau thời điểm đó thông qua chuyển nhượng, thừa kế thì những hộ đó chưa nghe hoặc chưa nhận tiền đền bù dự án ADB3 nên cho rằng chưa được nhận. Nguyên tắc chung là các huyện phải căn cứ hồ sơ. Trên dọc tuyến QL 1 qua Bình Định, về cơ bản vấn đề dự án ADB3 đã được giải quyết, chỉ một vài đoạn tuyến ở Phù Mỹ, Hoài Nhơn, người dân còn đang thắc mắc vấn đề này có thể do công tác thông tin tuyên truyền chưa thực sự tốt và tỉnh Bình Định đang tập trung để thông tin giải thích đầy đủ cho người dân.
Có người dân phản ánh, nộp thuế đất thì nộp theo đất ở, mà giải tỏa thì lại đền bù đất vườn, vậy không biết ở Phú Yên có gặp trường hợp tương tự không.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên Lê Văn Trúc: Đối với tất cả trường hợp đất ở thì mình phải giải quyết đất ở theo quy định. Còn có những trường hợp sai sót mình cũng phải trao đổi lại với người dân.
Trên thực tế, không thể 1 người có tới mấy nghìn m2 đất ở, cái đó có sai sót, sẽ làm việc lại. Thực tế, tại Phú Yên cũng có một số trường hợp, không phải dự án QL 1, chúng tôi đều giải quyết cho dân trong việc bồi thường vị trí đất ở theo hướng có lợi cho dân. Còn trường hợp bất hợp lý quá vì 1 sự việc gì đó cá biệt thì sẽ làm việc trao đổi lại.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Ngô Đông Hải: Phải nói rằng, những người dân dọc 2 bên QL 1, nguồn gốc đất đai trải qua rất nhiều thời kỳ. Khi Nhà nước giao đất, luôn luôn có hạn mức đất ở, thường là khoảng 200m2.
Và một điều tôi muốn nói để người dân hiểu là khi cấp đất cho dân, như 500m2 tổng thể trong đó 200m2 đất ở thì không có nơi nào vẽ rõ đâu là đất ở đâu là đất vườn. Phần lớn người dân khi xây nhà, chúng tôi căn cứ vào diện tích nhà để coi đấy là diện tích đất ở và diện tích trống trước nhà dĩ nhiên phải là đất vườn. Người dân nộp thuế đất cũng theo đúng số này, hạn mức 200m2 đất ở thì nộp theo giá đất ở, số còn lại nộp theo đất vườn, không có chuyện toàn bộ diện tích là đất ở hết.
Liên quan đến vấn đề thiếu vốn, đây là tình tạng chung chứ không phải riêng gì một số địa phương. Trên thực tế có thể nhận thấy trên toàn tuyến, như ông Nguyễn Văn Thể cung cấp ban đầu, một số địa phương được Chính phủ khen, biểu dương. Rõ ràng, những địa phương đó vẫn có cách làm nào đó để có thể làm tốt dù có khó khăn chung, vướng mắc chung?
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể: Đúng vậy, sau khi kiểm tra, chúng tôi thấy rằng một số địa phương có kinh nghiệm rất hay và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chủ trì 5 đợt họp trực tuyến để phổ biến kinh nghiệm. Tuy nhiên, một số địa phương làm được, một số địa phương không làm được. Ví dụ như khi phương án đã được phê duyệt, nếu người dân đồng tình thì hội đồng đền bù địa phương có thể cho tạm ứng 70% và người dân cam kết không khiếu nại, có nghĩa là người dân nhận trước 70% bàn giao mặt bằng, sau đó 30% còn lại trong thời gian hoàn chỉnh hồ sơ sẽ chia tiếp. Tôi thấy việc này ở Ninh Thuận làm rất tốt, có một số địa phương cũng làm tốt. Tuy nhiên, cái này đòi hỏi sự đồng thuận của người dân. Nếu dân địa phương cảm thấy rằng việc chúng ta làm vì lợi ích quốc gia và người ta cảm thấy về diện tích và giá chấp nhận được, thì chúng tôi thấy rằng cách đó cũng rất hay. Hoặc có 1 kinh nghiệm nữa là chúng tôi đến vận động bà con. Vì chúng ta làm mất nhiều thời gian, nhưng tiến độ lại cấp bách, trên địa bàn chúng ta nhiều khi phải xử lý kỹ thuật kéo dài. Cho nên khi vận động bà con đồng tình thì chúng ta sẽ được bàn giao mặt bằng, bà con nhận tiền sau. Tôi thấy những cách làm này rất hay và chính vì thế một số địa phương hoàn thành rất nhanh. Phải nói rằng, ở những địa phương đó nhận được sự đồng thuận cao từ người dân.
Khán giả Nguyễn Văn Thảo ở Tam Giang, Núi Thành, Quảng Nam hỏi rằng cha đã mất, anh là người đại diện đứng tên. Đất thì trước 1980, đo đạc thì 2m từ mép đường vào không được bồi thường trong khi có nhiều hộ khác được đền bù ngay từ mép đường. Không biết là cán bộ làm như thế có đúng hay không, thưa ông Nguyễn Văn Thể?
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể: Tôi đề nghị Hội đồng đền bù địa phương của tỉnh Quảng Nam rà soát lại hồ sơ cụ thể của trường hợp này. Có thể bà con thấy rằng dự án mở rộng QL 1 ta tiến hành nhiều giai đoạn. Trước đây có nhiều hộ chúng ta đã thu hồi đất và đền bù, có hộ chưa nhận và nhận rồi. Những hộ chưa nhận ta sẽ đền bù 7m, còn những hộ đã nhận 2m rồi thì ta chỉ đền bù thêm 5m. Đây chỉ là nhận định ban đầu thôi, tôi đề nghị Hội đồng đền bù của tỉnh Quảng Nam, căn cứ tại sao hộ bên cạnh được đền bù 7m, mà hộ này chỉ được đền bù 5m, còn 2m lại không đc đền bù. Để làm sao giải quyết thỏa đáng quyền lợi của người dân.
Một bạn đọc ở Phù Mỹ, Bình Định hỏi: Vì sao đất của tôi dọc theo QL 1 chỉ đền bù 58.000 đồng/m2 và hỗ trợ thêm 30% giá trị đất ở trong khi theo văn bản của tỉnh thì giá trị đền bù cao hơn mức này. Năm 1999, giải phóng mặt đường ở Quảng Ngãi, Nha Trang quy định giá đền bù từ mép đường vào nhà là 2m, nay lại trừ 4m, như vậy dân mất 2 m không được đền bù, vì sao lại như vậy?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Ngô Đông Hải: Về câu hỏi này, thứ nhất, việc đền bù giá 58.000 và cộng thêm 30% là giá đền bù cho đất vườn trong cùng 1 thửa đất và giá này cũng áp dụng chung cho toàn tỉnh. Thứ hai, vấn đề 2m bây giờ thành 4m xuất hiện ở huyện Phù Mỹ, Bình Định. Về nguyên tắc, như tôi nói từ đầu, dự án ADB3 trước đây khi thu hồi, các cơ quan chức năng thu hồi 2m để làm mặt nền đường và 2-2,5m tùy địa điểm để làm hạ tầng và hành lang đường bộ. Do một số cán bộ sau này không giải thích cho dân rõ rằng 2m làm nền đường là đã được làm nền đường rồi, cho nên người chỉ phải trả lại 2-2,5m thôi, nhưng thực tế tất cả đều được thể hiện trong hồ sơ và mỗi đoạn tuyến vẫn còn hồ sơ lưu trữ. Và về mặt bằng chung, tất cả các địa điểm đều là 4-4,5 m và thống nhất trên toàn tỉnh; hầu hết các địa phương đều đã thực hiện chi trả theo hình thức này, nhưng Phù Mỹ thì có một số đoạn nhầm, chỉ thu 2m, dẫn đến nhiều hộ dân sau này bị trừ 4m thì cho rằng thiệt thòi, nhưng chúng tôi cũng đã kịp thời chỉ đạo Phù Mỹ là phải giải thích và thu hồi lại phần chi trả chung cho dân.
Xin hỏi ông Lê Văn Trúc, tại địa phương, đã có trường hợp nào phải tiến hành cưỡng chế chưa?
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên Lê Văn Trúc: Trước hết, tôi rất nhất trí với ý kiến của Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể. Đây là đồng chí rất sát trên địa bàn chúng tôi, cứ 2 tuần một lần, anh em lại gặp nhau và những trường hợp cụ thể phải được giải quyết như vậy. Tất nhiên, với người dân, cũng có tường hợp này, trường hợp khác, “mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh”, và nhận thức của mỗi người cũng không thể giống nhau mặc dù chúng ta đã tập trung thực hiện công tác tuyên truyền vận động. Bây giờ, địa phương cũng đang làm như Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể nói là: Mỗi địa phương ngoài chuyện ban, còn có tổ công tác đặc biệt. Ví dụ của Phú Yên, tôi làm tổ trưởng. Dưới huyện cũng có các tổ công tác đặc biệt. Phú Yên thành lập thêm 2 tổ công tác gọi là tổ giúp việc, đi giải quyết những trường hợp như thế; cùng với Hội đồng và Bí thư huyện ủy chỉ đạo đội tuyên truyền vận động, thuyết phục. Cả hệ thống chính trị vào cuộc đối với từng huyện, những tường hợp vướng mắc do nhận thức, do thông tin chưa đầy đủ đều được làm rõ. Cuối cùng, nếu như tất cả chính sách chúng ta làm hết mức điều kiện có thể nhưng cá biệt vẫn có một hai trường hợp nào đó, thì cũng phải tiến hành cưỡng chế. Vừa rồi chúng tôi cũng có trường hợp ở hầm đường bộ Đèo Cả, cưỡng chế là không thành, nhưng hôm sau vận động thì người ta tiếp tục đồng ý. Rõ ràng việc cưỡng chế tạo tác động rất lớn để tiếp tục cho việc vận động, cho nên chúng ta phải coi trọng việc tuyên truyền, vận động.
Tại một số khu vực, trong lúc thi công có tai nạn đáng tiếc xảy ra. Bộ GTVT đã giámsát kiểm tra như thế nào đối với đơn vị thi công, nhà thầu xem họ có chấp hành các quy định trong quá trình thi công, để đảm bảo an toàn vì chúng ta vừa thi công, vừa giải tỏa trong khi vẫn cho lưu thông?
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể: Quốc lộ 1 là tuyến huyết mạch cả nước với nhu cầu vận tải rất cao. Do yêu cầu khó khăn về vận tải nên chúng ta phải mở rộng. Chủ trương của Bộ là chúng ta mở rộng nhưng không để ảnh hưởng tới giao thông và hoạt động vận tải. Chúng tôi đưa ra những quy định rất ngặt nghèo để đảm bảo an toàn giao thông.
Ví dụ như chỉ triển khai thi công một bên, sau khi xong bên này mới được làm bên kia. Dọc theo phạm vi thi công có lắp cọc tiêu, phản quang, đèn ban đêm... Chúng tôi kiểm tra rất nghiêm ngặt cả ngày và đêm. Ban đêm có các đội của Ban quản lý dự án thực hiện kiểm tra việc gắn phản quang và đèn.
Nửa tháng lãnh đạo Bộ đi kiểm tra 1 lần, các vụ, cục trực thuộc Bộ thì 1 tuần đi 1 lần.
Kết hợp với Ban quản lý dự án thì việc tổ chức thi công trong thời gian vừa qua nhìn chung tốt. Hơn 1 năm nay chưa có vụ tai nạn nghiêm trọng nào xảy ra trên Quốc lộ 1. Có thể có một số vấn đề va chạm, nhưng không gây bức xúc, không có bất thường so với lúc chưa triển khai thi công.
Có thể nói chúng tôi đã phối hợp với địa phương làm tốt công tác đảm bảo an toàn giao thông. Chúng tôi thường xuyên đề nghị Ban an toàn giao thông các tỉnh phối hợp cùng với Bộ Giao thông vận tải, cho cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông thường xuyên kiểm tra và lập biên bản những nhà thầu vi phạm… Tôi cũng đề nghị xử lý nặng để làm gương, làm nghiêm. Với sự góp mặt của Bộ Giao thông vận tải, Ban ATGT các tỉnh thì tình hình an toàn giao thông trong thời gian sắp tới liên quan tới tổ chức thi công sẽ được đảm bảo tốt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.