Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đối thoại Shangri-La 10: Biển Đông thành tâm điểm

Đình Hiệp| 06/06/2011 06:39

(HNM) - Bất chấp luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển quốc tế năm 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Trung Quốc vẫn nhiều lần xâm phạm nghiêm trọng lãnh hải Việt Nam ở Biển Đông.

Hành động vi phạm trắng trợn chủ quyền biển liên tiếp thời gian qua của Trung Quốc với nhiều quốc gia trong khu vực ASEAN không chỉ gây bức xúc trong dư luận, mà còn trở thành tâm điểm thời sự lần đầu tiên được bàn thảo sôi nổi tại Hội nghị An ninh khu vực châu Á lần thứ 10 (Đối thoại Shangri-La 10) trong 3 ngày cuối tuần qua tại Singapore.

Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh phát biểu tại phiên toàn thể thứ 5 sáng 5-6.

Ra đời từ năm 2002 đến nay, Đối thoại Shangri-La được biết đến là một diễn đàn an ninh cấp cao uy tín, giải quyết được hàng loạt vấn đề tranh chấp cũng như tạo điều kiện để các nhà lãnh đạo quốc phòng khu vực và đối tác đối thoại xây dựng lòng tin và thúc đẩy hợp tác an ninh. Đối thoại Shangri-La 10 không nằm ngoài những mục tiêu đó. Với 6 phiên họp toàn thể, 5 phiên họp kín cùng hàng loạt cuộc gặp cấp cao song phương bên lề, các đoàn đại biểu quốc phòng khu vực và thế giới tham dự Đối thoại lần này đã tập trung thảo luận một loạt vấn đề nóng mà khu vực đang phải đối mặt như: Các thách thức an ninh mới nổi ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương; các học thuyết và khả năng quân sự mới tại châu Á; xây dựng lòng tin chiến lược, tránh hậu quả trong trường hợp xấu nhất...

Không phải ngẫu nhiên "Ứng phó với những thách thức an ninh biển mới", trong đó có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, lại trở thành một trong 6 chủ đề chính thu hút sự quan tâm của hầu hết các đại biểu tham dự Đối thoại. Điều đó càng chứng tỏ rằng, giải quyết tranh chấp lãnh hải và pháp lý trên Biển Đông không còn là câu chuyện nội bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc, mà đã trở thành mối quan tâm chung hàng đầu của nhiều quốc gia trong khu vực có chung lợi ích trên vùng biển này.

Nhận định trên đã được minh chứng rõ khi ngay trước thềm cuộc Đối thoại, Philippines đã lên tiếng phản đối các tàu Trung Quốc vi phạm chủ quyền nước này tại Biển Đông, khiến Philippines phải xem xét lại hệ thống an ninh dọc theo bờ biển. Cùng với đó, Tuyên bố Jakarta tại Hội thảo quốc tế "Triển vọng hợp tác, những vấn đề hội tụ và động lực ở Biển Đông" cũng khẳng định, việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền lãnh hải với "đường 9 điểm" trên bản đồ "đường lưỡi bò" hay còn gọi "chữ U" chiếm tới 80% diện tích Biển Đông là hoàn toàn không phù hợp với luật pháp quốc tế.

Trong bối cảnh đó, cùng với cuộc gặp cấp cao quân sự Trung - Mỹ, cuộc hội đàm bên lề Đối thoại giữa Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh với người đồng cấp Trung Quốc Lương Quang Liệt được dư luận thế giới rất quan tâm. Dù còn một số tồn tại chưa thể giải quyết được sau cuộc gặp ngắn ngủi này, nhưng Bộ trưởng Phùng Quang Thanh một lần nữa khẳng định với Trung Quốc chính sách nhất quán của Việt Nam là giải quyết tranh chấp trên Biển Đông một cách hòa bình thông qua đàm phán và dựa trên luật pháp quốc tế nhằm tránh tái diễn những hành động tương tự vừa qua của Trung Quốc trong lãnh hải của Việt Nam. Đặc biệt trong phát biểu tại phiên toàn thể thứ 5 về chủ đề "Ứng phó với những thách thức an ninh biển mới", Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã cho thế giới một cái nhìn khách quan hơn về những thách thức an ninh trên biển hiện nay; trong đó có việc các tàu hải giám Trung Quốc đã hành xử như thế nào với tàu Bình Minh 02 của Việt Nam đang hoạt động khoa học trên lãnh hải Việt Nam.

Thừa nhận an ninh biển là vấn đề hết sức quan trọng với khu vực châu Á -Thái Bình Dương hiện nay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates trong phát biểu khai mạc khẳng định, an ninh hàng hải có tầm quan trọng đặc biệt với Mỹ vì Washington có lợi ích quốc gia trong việc bảo đảm tự do lưu thông cho các tuyến hàng hải quan trọng của thế giới và điều này đã được quy định rõ trong UNCLOS 1982. Cùng quan điểm không nên để bất đồng về chủ quyền trên Biển Đông leo thang vượt ra ngoài khuôn khổ ngoại giao, Thủ tướng Malaysia, Naijib Razak hy vọng ASEAN và Trung Quốc sớm đạt được một bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc hơn để thay thế DOC năm 2002. Để hiện thực hóa mong muốn này, Thủ tướng Naijib Razak nhấn mạnh đến 6 nguyên tắc nhằm mang lại sự hợp tác an ninh quốc phòng hiệu quả hơn trong khu vực, đó là: tiếp cận đa phương, xây dựng lòng tin, tôn trọng lẫn nhau...

Đối thoại Shangri-La 10 đã thành công khi tạo cơ hội cho các nhà chính trị, quân sự các nước trong khu vực và các đối tác ngồi lại với nhau để thảo luận minh bạch hơn về các chủ đề an ninh, quốc phòng nhạy cảm nhất. Song trên một khía cạnh khác, Đối thoại Shangri-La 10 vẫn chỉ dừng lại ở đối thoại như tên gọi của nó khi không có một cam kết pháp lý ràng buộc nào được thông qua. Dù còn nhiều khác biệt chưa thể khỏa lấp, nhưng Đối thoại Shangri-La vẫn hết sức cần thiết với an ninh khu vực hiện nay, nhất là an ninh biển. Đối thoại và đồng thuận vẫn là xu thế tất yếu không thể đảo ngược giúp các nước trong khu vực giải quyết được những bất đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đối thoại Shangri-La 10: Biển Đông thành tâm điểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.