(HNMO) - Trong bối cảnh Việt Nam đang trong quá trình mở rộng thương mại quốc tế, chuẩn bị cho những cuộc chơi lớn như đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu, một mô hình đối thoại mới giữa người lao động và người sử dụng lao động tại các nhà máy may giúp cải thiện điều kiện làm việc và sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Ngày 07/9/2012, hơn một năm về trước, là một ngày không thể quên đối với người lao động tại Ando International, một công ty sản xuất quần áo nữ tại thành phố Hồ Chí Minh. Đó là lần đầu tiên 900 công nhân của công ty tiến hành bầu chọn người đại diện cho họ để tham dự các cuộc họp định kỳ với ban quản lý nhà máy.
Hàng tháng, cùng với chủ tịch công đoàn, những người đại diện mới này ngồi lại với ban quản lý công ty (với số lượng mỗi bên bằng nhau) để giải quyết các vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn lao động và thắt quan hệ hợp tác ở nơi làm việc.
Với tên gọi Ban tư vấn cải tiến doanh nghiệp (PICC), cơ chế này được Better Work Việt Nam -- một chương trình hợp tác giữa Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) -- đưa vào hoạt động từ năm 2009. Các đại diện công nhân được bầu lại hai năm một lần.
Đến nay, các nhà máy có ban PICC đã ghi nhận những tiến bộ rõ rệt về điều kiện làm việc, tiền lương, phúc lợi, an toàn lao động, vệ sinh tại nơi làm việc và thời gian làm việc. Cơ chế này được cả giới chủ và người lao động đánh giá cao.
Sau hơn một năm đưa cơ chế mới vào hoạt động tại Ando International, bà Dương Thúy Tú, Giám đốc điều hành công ty, cho rằng các cuộc họp PICC đã đem lại “một sự thay đổi lớn” và nâng cao nhận thức của người lao động (về vệ sinh an toàn lao động) và cải thiện đáng kể tinh thần hợp tác tại nơi làm việc.
Anh Võ Kim Long, người có thâm niên 6 năm làm việc tại nhà máy, cũng đồng tình. “Xưởng may giờ đây thoáng và gọn gàng hơn, giúp chúng tôi dễ thở hơn khi làm việc. Đó là nhờ vấn đề này được đưa ra trong các cuộc họp PICC và đã được giải quyết”. Anh cho rằng nhờ có người đại diện cho công nhân trong ban PICC mà những người như anh giờ đây “có thể giao tiếp với ban quản lý”.
Theo anh Phạm Ngọc Vượng, chủ tịch Công đoàn công ty, cơ chế mới đã “nâng tầm hoạt động công đoàn và nâng cao hiệu quả của các hoạt động này”.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính đánh giá: “Chúng ta có thể thấy những nhà máy có ban tư vấn PICC tuân thủ luật tốt hơn”.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Quan hệ Lao động, PICC quan trọng không chỉ bởi cơ chế này giúp người lao động tham gia vào quá trình giải quyết các vấn đề liên quan đến tuân thủ tiêu chuẩn lao động mà còn chính là “hạt giống” và “ví dụ rất thật” của cơ chế đối thoại thường xuyên giữa người lao động và người sử dụng lao động được quy định trong Bộ luật Lao động mới (có hiệu lực năm 2013).
PICC đã được lập tại hầu hết trong số khoảng 200 nhà máy may tham gia chương trình Better Work Việt Nam. Chương trình đóng vai trò quan trọng trong gắn kết lợi ích của khu vực tư nhân với việc tuân thủ hệ thống pháp luật của Việt Nam và các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản thông qua các hoạt động đào tạo, tập huấn, đánh giá mức độ tuân thủ.
Theo bà Tara Rangarajan, quản lý Better Work toàn cầu, cơ chế đối thoại xã hội bắt buộc mà PICC đặt ra cho thấy Việt Nam đang “nỗ lực tạo ra sự khác biệt trên thị trường quốc tế vì không chỉ dựa vào nguồn lao động giá rẻ. Đây là những công ty này có thể tăng trưởng dài hạn, xây dựng môi trường làm việc đáp ứng được yêu cầu của các khách hàng quốc tế và duy trì khả năng cạnh tranh”.
Các báo cáo đánh giá của chương trình Better Work Việt Nam cho thấy sự phát triển ổn định ở các nhà máy áp dụng chiến lược kinh doanh với một trong những trọng tâm là xây dựng quan hệ lao động hài hòa. Khoảng 65% số nhà máy tham gia Better Work tăng doanh số bán hàng và 75% có khối lượng đơn hàng tăng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.