(HNM) - Trao đổi với đại biểu thanh niên Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng:
Đây là một phần nội dung trong cuộc đối thoại thẳng thắn, cởi mở giữa lãnh đạo TP Hà Nội với đại biểu thanh niên Thủ đô trong khuôn khổ Đại hội đại biểu Hội LHTN TP Hà Nội lần thứ VI (nhiệm kỳ 2014-2019) vừa diễn ra. Cuộc đối thoại đã khơi gợi nhiều ý tưởng cũng như cung cấp những thông tin hết sức cần thiết cho thanh niên.
Đại biểu thanh niên nêu câu hỏi với lãnh đạo TP Hà Nội. Ảnh: Hiền Lương |
Thanh niên cần gì?
Nhìn vào các câu hỏi được các đại biểu thanh niên nêu ra với lãnh đạo thành phố có thể thấy phần nào những gì thanh niên Thủ đô đang mong mỏi. Tại Hà Nội, 1,5 triệu công nhân trong các khu cụm công nghiệp, khu chế xuất (KCCN, KCX) là thanh niên. Nhưng nhà ở xã hội dành cho công nhân mới đáp ứng được khoảng 1/5 nhu cầu. Những cơ sở hạ tầng xã hội cần thiết khác như nhà trẻ, trường mẫu giáo, nơi vui chơi giải trí tại những nơi này chưa đầy đủ. Bí thư Quận đoàn, Chủ tịch Hội LHTN quận Tây Hồ Phùng Ngọc Anh đặt câu hỏi: "Thành phố có kế hoạch gì để đáp ứng nhu cầu về nhà ở, nơi vui chơi của công nhân?". Trong khi đó, tình trạng thanh thiếu niên thiếu nơi vui chơi giải trí cũng là thực tế ở các khu dân cư. Một phần vì thiếu nơi vui chơi giải trí, nên thanh niên thường tìm đến internet trong khi chưa được trang bị kỹ năng, kiến thức cần thiết, do vậy dễ bị ảnh hưởng bởi những tác động mặt trái đầy nguy hại. Làm thế nào để đề kháng trước những ảnh hưởng tiêu cực của thế giới ảo là một thực tế đặt ra trong đời sống xã hội. Cũng liên quan đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng, bạn Nguyễn Thị Thu Thương, Giám đốc Trung tâm Đào tạo nghề và giới thiệu việc làm Thương Thương cho rằng, người khuyết tật vẫn khó khăn trong việc tiếp cận giao thông và cơ sở hạ tầng công cộng vì những tồn tại về thiết kế và xây dựng.
Một chủ đề nổi bật nữa của cuộc đối thoại là cơ chế chính sách của thành phố nhằm phát huy tài năng, sức trẻ của thanh niên hiện nay. Có bạn hỏi rằng những du học sinh có cơ hội vào làm việc trong các cơ quan TP Hà Nội ra sao? Người khác hỏi thành phố tổ chức thi tuyển công chức có bảo đảm không? Làm sao để có thể vượt qua kỳ thi công chức của thành phố?...
Cơ hội và trách nhiệm
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Khuất Văn Thành cho biết, xây dựng nhà ở và hạ tầng xã hội tại các KCCN, KCX là nhiệm vụ cấp bách. Trước mắt thành phố yêu cầu tất cả các KCCN, KCX phải quy hoạch rõ địa điểm xây dựng nhà ở cho công nhân, nhà trẻ, khu vui chơi...; xác định lộ trình đầu tư từng bước. Về câu hỏi của bạn Nguyễn Thị Thu Thương, ông Khuất Văn Thành cho biết, từ khi có Luật Người khuyết tật, 100% các công trình xây mới tại Hà Nội đã thực hiện nghiêm. Hiện nay, thành phố đang chỉ đạo từng bước sửa chữa, bổ sung các công trình cũ theo quy định của luật này.
Theo Giám đốc Sở VH-TT&DL Tô Văn Động, số lượng các công trình văn hóa vui chơi, giải trí phục vụ thanh thiếu niên của Hà Nội đầy đủ hơn hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, nhiều công trình đã xuống cấp nghiêm trọng. Ông Tô Văn Động khẳng định, Thành ủy Hà Nội có riêng một chương trình trong số 9 chương trình công tác toàn khóa để giải quyết vấn đề này (Chương trình số 04-CTr/TU). Cùng với việc thực hiện Nghị quyết TƯ 9 (khóa XI), Giám đốc Sở VH-TT&DL tin rằng, thành phố sẽ từng bước giải quyết được vấn đề thiếu nơi vui chơi giải trí cho thanh thiếu niên.
Đưa ra lời khuyên đối với thanh niên trong việc đối phó với mặt trái của mạng internet, Giám đốc Sở TT-TT Phan Lan Tú cho rằng, thanh niên phải tự học hỏi để nâng cao văn hóa đọc, có thể bắt đầu từ việc đọc những cuốn sách như "Sống sao trong thời đại số"... Thanh niên cũng không nên im lặng trước những vấn đề nguy hại trên mạng internet. "Một cộng đồng im lặng là cộng đồng yếu. Chúng ta phải cùng lên tiếng" - Giám đốc Sở TT-TT nói.
Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng khẳng định, thanh niên Thủ đô có thể yên tâm về tính công bằng, không có tiêu cực khi tham gia thi tuyển công chức. Ông cũng cho biết, Hà Nội đã có hệ thống cơ chế chính sách thu hút nhân tài, đào tạo thanh niên trẻ tài năng khá hoàn chỉnh (Nghị quyết số 14 của HĐND thành phố). Từ năm 2008 đến nay, thành phố đã thu hút được 323 tài năng trẻ vào làm việc trong các cơ quan thành phố, gồm có 122 thủ khoa các trường đại học, cao đẳng; 107 tiến sĩ dưới 35 tuổi và 25 vận động viên, văn nghệ sĩ xuất sắc. Trong số đó, gần 100 người đã được bổ nhiệm vào các chức vụ quản lý từ cấp phòng trở lên.
Kết luận cuộc đối thoại, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành nghiêm túc tiếp thu ý kiến của thanh niên tại cuộc đối thoại và nhiều kênh khác làm cơ sở tham mưu, đề xuất bổ sung, hoàn thiện các chính sách về thanh niên, liên quan đến thanh niên của thành phố. Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị, thanh niên Thủ đô phát huy tài năng, sức trẻ và thể hiện trách nhiệm cao hơn trong thực hiện những nhiệm vụ chung của thành phố. Chẳng hạn, về xây dựng "Người Hà Nội thanh lịch văn minh", Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội mong muốn đến Đại hội Hội LHTN thành phố lần sau khi tổng kết thì thanh niên phải là lực lượng đi đầu trong thực hiện...
Cái được lớn nhất là học cách tổ chức, quản lý Trong cuộc đối thoại, một câu hỏi rất thú vị đã được đặt ra cho Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc: "Từng làm công tác Đoàn, đồng chí có lời khuyên gì cho các cán bộ Đoàn thành phố hiện nay?". Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc trả lời: "Trong số các ủy viên Thường vụ Thành ủy khóa trước có đến 2/3 từng làm công tác Đoàn. Đến khóa hiện nay, trên 50% các ủy viên Thường vụ Thành ủy cũng từng làm công tác Đoàn. Các đồng chí làm công tác Đoàn đừng lo bị thiệt. Vì cái được lớn nhất khi làm công tác Đoàn là học được kỹ năng, kinh nghiệm tổ chức, quản lý. Cái được thứ hai là với cương vị của mình, cán bộ Đoàn thường phải gương mẫu đi đầu, không ngừng trau dồi, học tập. Vì vậy, đứng trước những công việc, những nhiệm vụ mới, các bạn sẽ tự tin đảm đương được". |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.