Nhận lời mời của Bộ Ngoại giao Việt Nam, triển khai thực hiện Kế hoạch hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao Việt Nam và Nga giai đoạn 2017-2018, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga I. Morgulov đã thăm Việt Nam từ 13 đến 14-6 để tham dự Đối thoại chiến lược Ngoại giao-Quốc phòng-An ninh lần thứ 9 và Tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam-Nga.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tiếp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga I. Morgulov. Ảnh: VGP/Hải Minh |
* Chiều 13-6, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tiếp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga I. Morgulov. Phó Thủ tướng đánh giá cao việc duy trì cơ chế Đối thoại chiến lược và Tham vấn chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao, tạo điều kiện trao đổi thông tin và hỗ trợ hai bên hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh hai bên cần tăng cường trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế để phối hợp hành động; mong muốn Nga tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với ASEAN, đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Trao đổi về quan hệ song phương, Phó Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước sự phát triển tốt đẹp của hợp tác Việt-Nga và cho rằng, sự phối hợp chặt chẽ giữa hai nước trong năm Việt Nam là Chủ nhà APEC 2017 sẽ góp phần tích cực vào việc củng cố và tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga.
Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn hai Bộ Ngoại giao tiếp tục phối hợp, hợp tác chặt chẽ, thúc đẩy hợp tác song phương trên mọi lĩnh vực xứng tầm Đối tác chiến lược.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga I. Morgulov bày tỏ vui mừng được sang thăm Việt Nam dự Đối thoại chiến lược lần thứ 9 và Tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao. Thứ trưởng khẳng định, Nga ủng hộ và sẵn sàng phối hợp với Việt Nam trong Năm APEC 2017; bày tỏ mong muốn Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) và APEC phát triển quan hệ hợp tác.
* Ngày 14-6, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã cùng Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga I. Morgulov chủ trì Đối thoại chiến lược Ngoại giao-Quốc phòng-An ninh lần thứ 9 và Tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam-Nga.
Trên tinh thần cởi mở và tin cậy, hai bên đã trao đổi ý kiến sâu rộng về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Hai bên đánh giá tình hình thế giới và khu vực đang có những biến chuyển sâu sắc, tác động trực tiếp đến các tiến trình liên kết kinh tế cũng như hợp tác giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu;
Nhất trí cho rằng trong bối cảnh tình hình diễn biến phức tạp, hai nước cần tăng cường hơn nữa trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương, đặc biệt tại Liên Hợp Quốc, trong khuôn khổ hợp tác ASEAN-Nga, cũng như trong việc giữ gìn hòa bình, ổn định tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.
Hai bên tỏ hài lòng trước những bước phát triển tích cực của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Nga trong thời gian qua; khẳng định quyết tâm duy trì và thúc đẩy mạnh mẽ đà phát triển năng động của hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực, nhất là kinh tế-thương mại trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á-Âu đã có hiệu lực, phấn đấu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 10 tỷ USD vào năm 2020.
Hai bên nhất trí phối hợp chuẩn bị tốt cho chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các hoạt động đối ngoại cấp cao khác trong năm 2017; cùng nỗ lực thúc đẩy triển khai các nhiệm vụ, thỏa thuận và dự án hợp tác ưu tiên trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế-thương mại, quốc phòng-an ninh, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, văn hóa, du lịch; tăng cường kết nối giữa các địa phương hai nước nhằm khai thác tối đa tiềm năng hợp tác của hai bên.
Hai bên dành thời gian trao đổi về triển vọng hợp tác trong APEC. Năm 2017 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế toàn diện. Thứ trưởng Ngoại giao Nga I. Morgulov bày tỏ ủng hộ Việt Nam trên cương vị Chủ nhà APEC 2017; khẳng định sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm đăng cai tổ chức APEC và phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để tổ chức thành công Năm APEC 2017.
Hai bên khẳng định ủng hộ giải quyết tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, theo tinh thần Tuyên bố về ứng xử ở Biển Đông (DOC) và hướng tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Hai bên nhất trí cho rằng, các quốc gia thành viên của Công ước 1982 cần tuân thủ và thực thi đầy đủ các nghĩa vụ của mình theo Công ước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.