Xã hội

Đổi thay trên quê hương cách mạng Ứng Hòa

Nam Phong 16/09/2024 - 10:40

Tại Hà Nội, có không ít làng quê một thuở là nơi nuôi giấu cán bộ, gánh chịu bom đạn và những trận càn quét của địch. Qua gian khó, qua chiến tranh, giờ đây những miền quê giàu truyền thống cách mạng ấy đang từng ngày “thay da, đổi thịt”, cuộc sống người dân ngày một ấm no.

ung-hoa.jpg

Diện mạo mới, sức sống mới

Theo tuyến quốc lộ 21B từ quận Hà Đông xuôi về phía Nam, qua địa phận huyện Thanh Oai chừng gần 30km là địa phận huyện Ứng Hòa - vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Trong quá khứ, các xã phía Nam của huyện như Đồng Tân, Trung Tú, Trầm Lộng, Đông Lỗ... từng là An toàn khu của Xứ ủy Bắc kỳ. Đây là địa điểm đi về, hội họp, bàn phương sách chỉ đạo cách mạng của các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Trần Đăng Ninh, Đỗ Mười, Bùi Quang Tạo... giúp Xứ ủy lãnh đạo Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, giành chính quyền về tay nhân dân. Sau ngày toàn quốc kháng chiến, An toàn khu của Xứ ủy năm xưa trở thành căn cứ kháng chiến vùng Hà Đông - Sơn Tây. Ngày 10-10-1954, Thủ đô Hà Nội được giải phóng, với tâm thế phấn khởi, các địa phương thuộc Khu Cháy anh hùng nô nức tham gia bắt tay sản xuất, xây dựng quê hương.

Dạo xem tài liệu, hiện vật tại Bảo tàng Khu Cháy (xã Đồng Tân), đứng trước Tượng đài Khu Cháy, ông Nguyễn Đôn Sỹ - Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tân chia sẻ, nơi đây từng diễn ra cuộc chiến đấu đầy khốc liệt của quân và dân ta mỗi khi giặc Pháp tràn về. Trong gian khổ kháng chiến, cán bộ và nhân dân Khu Cháy luôn nêu cao tinh thần kiên cường, anh dũng chống địch.

Đặc biệt, ngày 18-6-1951, trên vùng đất này, giặc Pháp huy động 10 tiểu đoàn với 200 xe cơ giới mở cuộc càn quét lớn vào Khu Cháy nhằm “đốt sạch - phá sạch - giết sạch”. Bộ đội chủ lực được lệnh rút khỏi Khu Cháy, nhưng bộ đội địa phương và du kích vẫn bám trụ, kiên cường đánh địch. Kết quả, hai tiểu đoàn địch đã bị quân ta tiêu diệt, hơn 100 tên lính bị bắt sống. Chủ tịch Hồ Chí Minh nghe báo cáo về trận này đã gửi thư khen, khích lệ quân và dân địa phương ra sức củng cố lực lượng để giành lấy thắng lợi mới.

Nhờ sự động viên của Bác, quân và dân Khu Cháy, trong đó có nhân dân Đồng Tân đã anh dũng vượt qua gian khổ, đập tan nhiều cuộc hành quân càn quét quy mô lớn, tiêu diệt nhiều sinh lực, phá hủy nhiều vũ khí, phương tiện của kẻ địch, làm nên những chiến công hiển hách, góp phần đánh thắng thực dân Pháp.

Tại xã Trầm Lộng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Lê Quang Cảnh cho biết, trong trang sử đấu tranh cách mạng, Đảng bộ và nhân dân Trầm Lộng tự hào về quãng thời gian 1939 - 1945. Khi đó, cán bộ, nhân dân địa phương đã nuôi giấu và bảo vệ an toàn cho nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao của Trung ương, Xứ ủy Bắc kỳ và Tỉnh ủy Hà Đông. Đặc biệt, tại chùa Chòng, thôn Trầm Lộng, vào rạng sáng 17-8-1945, đồng chí Đỗ Mười đã đọc Quân lệnh khởi nghĩa, huy động lực lượng quần chúng từ khắp nơi kéo về đánh chiếm phủ đường, làm chủ phủ ly Ứng Hòa. Ngày 18-8-1945, nhân dân xã Trầm Lộng tổ chức mít tinh mừng chiến thắng tại chùa Chòng.

Cách Khu Cháy không xa, xã Hòa Xá cũng nức tiếng xa gần bởi đây là nơi khởi nguồn của phong trào “Chiếc gậy Trường Sơn”. Đặc biệt, lời ca của “Chiếc gậy Trường Sơn” vào năm 1967 của nhạc sĩ Phạm Tuyên ngay khi được phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam đã nhanh chóng trở thành nguồn cảm hứng, sức mạnh tinh thần vô giá động viên thanh niên lên đường nhập ngũ. Lớp lớp thanh niên nô nức lên đường tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đặc biệt, thời điểm đó Hòa Xá còn có khẩu hiệu “Tiền tuyến cần một, Hòa Xá có hai, đã đi là đến, đã đến là đánh thắng”. Cứ như vậy, tỷ lệ thanh niên tình nguyện nhập ngũ nơi đây thường xuyên vượt chỉ tiêu đề ra, trở thành điển hình cho nhiều địa phương khác học tập.

Theo Phó Bí thư Đảng ủy xã Hòa Xá Đỗ Văn Tuyên, miền đất này còn là cái nôi nuôi dưỡng, che chở cán bộ Xứ ủy và Thành ủy trong kháng chiến chống Pháp. Cụ thể, trước Cách mạng Tháng Tám, đồng chí Văn Tiến Dũng từng về ở nơi này trong những ngày giặc Pháp truy lùng ráo riết. Các đồng chí cán bộ Thành ủy, Ban Chỉ huy Mặt trận Hà Nội đã về đây đóng trụ sở, dân trong vùng cũng nêu cao tinh thần chở che, nuôi giấu, đồng thời là hậu phương quan trọng, cung cấp sức người, sức của cho kháng chiến.

Phát huy truyền thống anh hùng

Truyền thống vẻ vang trong kháng chiến luôn là niềm tự hào, động lực thúc đẩy các thế hệ cán bộ, nhân dân ở những miền quê giàu truyền thống cách mạng vượt qua khó khăn, nỗ lực xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội.

Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tân Nguyễn Đôn Sỹ cho biết, trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân địa phương rất tích cực kiến thiết quê hương, chung sức phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Năm 2023, xã Đồng Tân đã về đích nông thôn mới nâng cao, năm 2024 xã Đồng Tân phấn đấu đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Với mục tiêu này, chính quyền và nhân dân xã đều đồng lòng, quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu “khó” như chất lượng giáo dục, hạ tầng giao thông...

Điểm đáng mừng, hiện hạ tầng giao thông kết nối giữa Đồng Tân và các địa phương lân cận được chú trọng xây dựng, nâng cấp. Nhờ vậy, việc lưu thông hàng hóa, kết nối và phát triển kinh tế cũng được nâng cao. Hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ và đưa vào sử dụng khiến bộ mặt đời sống kinh tế - xã hội của địa phương được cải thiện đáng kể.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Trầm Lộng Lê Quang Cảnh cho biết, tại địa phương, nhiều mô hình chăn nuôi thủy sản được đặc biệt quan tâm và phát triển, qua đó giúp nâng cao thu nhập của người dân. Chẳng hạn, ở địa phương có Hợp tác xã Thủy sản Trầm Lộng đạt năng suất trung bình 25 tấn cá/ha/năm. Nhiều hộ nổi tiếng với việc chăn nuôi thủy sản như ông Lê Xuân Hữu, Vũ Bá Học, Nguyễn Mạnh Tưởng, Đinh Quang Lĩnh... không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Ông Lê Quang Cảnh chia sẻ, ở xã Trầm Lộng, ngoài hoạt động chăn nuôi thủy sản đã và đang là định hướng phát triển đúng đắn của địa phương thì vẫn còn nhiều lĩnh vực cần có “đòn bẩy” từ huyện Ứng Hòa và Thành phố để phát triển. Đơn cử, Trầm Lộng hiện có chùa Chòng là di tích lịch sử - cách mạng, là trung tâm kết nối với các di tích lịch sử trong vùng. Tuy nhiên, việc đầu tư cho di tích vẫn chưa được đồng bộ. Nếu di tích được Thành phố và huyện quan tâm hơn, bố trí thêm kinh phí thì nơi đây sẽ mở ra hướng phát triển du lịch cho địa phương. Ngoài ra, Dự án bảo tồn, phát triển An toàn khu của Xứ ủy Bắc kỳ nếu sớm được các ngành chức năng và Thành phố đầu tư, cùng với việc nâng cấp, mở rộng các tuyến đường qua địa bàn xã... thì tình hình kinh tế - xã hội của địa phương sẽ phát triển hơn nữa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đổi thay trên quê hương cách mạng Ứng Hòa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.