(HNM) - Đó là thừa nhận của người đứng đầu nước Mỹ trong Thông điệp liên bang đầu tiên của nhiệm kỳ được đọc trước Quốc hội và người dân Mỹ vào sáng 28-1 (giờ Việt Nam). Tuy không mới, nhưng lời thừa nhận này đã thật sự thu hút sự quan tâm của đông đảo người Mỹ.
Bằng âm điệu lạc quan hơn một năm trước đây, Thông điệp liên bang 2010 của Tổng thống Mỹ Barắc Ôbama không nhằm khẳng định, mà là làm rõ và bảo vệ những chính sách đã được vị Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ thực hiện trong năm đầu tiên chèo lái con thuyền Mỹ trong vùng thời tiết xấu.
Trước Quốc hội và người dân Mỹ, Tổng thống B.Ôbama đã đạt những thành công gặt hái được trong hơn 350 ngày cầm quyền vừa qua dù được dư luận Mỹ đánh giá là rất đáng kể như chặn đứng đà đổ vỡ của nền kinh tế, cải thiện hình ảnh nước Mỹ trên trường quốc tế cũng như đưa quốc gia này trở thành người trong cuộc, thậm chí thành "nhà lãnh đạo" trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu... xuống hàng thứ yếu, để hướng trọng tâm vào lĩnh vực đối nội đang có nguy cơ gây xói mòn niềm tin của người dân vào chính sách đổi thay nước Mỹ được đưa ra cách đây hơn một năm.
Vì thế, vấn đề giảm thất nghiệp và thâm hụt ngân sách, bảo đảm công ăn việc làm sẽ là trọng tâm được ưu tiên trong năm thứ hai của nhiệm kỳ. Trước thực tế hơn 7 triệu việc làm mất đi trong hai năm qua, đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên mức gần 10% và khoản thâm hụt ngân sách kỷ lục 1.400 tỷ USD, thông điệp của Tổng thống B.Ôbama tập trung vào các vấn đề thiết thực nhất trong cuộc sống hằng ngày của người dân, từ việc làm, giá cả nhiên liệu đến tiền học cho con cái... Rõ ràng, mục tiêu trong Thông điệp liên bang mà Tổng thống B.Ôbama đặt ra là giành lại sự tin tưởng của cử tri, đưa nền kinh tế và nhiệm kỳ Tổng thống của ông vào thế chắc chắn hơn.
So với cách đây 1 năm, tình thế hiện tại xem ra đang gây bất lợi cho vị Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ. Nguyên nhân chính là tốc độ phục hồi kinh tế chậm chạp của nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của ông B.Ôbama không đáp ứng được tâm lý "đánh nhanh, thắng nhanh" đã trở thành thói quen của người Mỹ. Trong khi đó, mức thâm hụt ngân sách, tỷ lệ thất nghiệp cũng như các khoản nợ quốc gia đã lên tới trên 12.000 tỷ USD vẫn có chiều hướng gia tăng. Không chỉ vậy, nguy cơ khủng bố nhằm vào nước Mỹ vẫn hiện hữu qua vụ đánh bom bất thành vào dịp Giáng sinh vừa qua. Thêm vào đó, sự kiện để mất vị thế đa số tại Thượng viện sau chiến thắng cách đây ít ngày của đảng Cộng hòa tại bang Masachusét... đã phủ bóng lên chương trình cải cách y tế đầy tham vọng của Tổng thống B.Ôbama, càng khiến người đứng đầu nước Mỹ hướng ưu tiên vào vấn đề đối nội với đòn bẩy kinh tế và việc làm.
Khi ông B.Ôbama tuyên thệ nhậm chức, gần 70% cử tri tin rằng nhà lãnh đạo trẻ tuổi của nước Mỹ sẽ khắc phục ngay được tình trạng suy thoái kinh tế, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân. Một năm sau chỉ còn khoảng 50% cử tri tin rằng ông B.Ôbama đang dẫn quốc gia đi đúng hướng. Cho dù hơn một năm qua đã có thêm 2 triệu việc làm cho người dân Mỹ, nhưng như thế vẫn là con số nhỏ so với hơn 7 triệu việc làm đã mất trong cùng thời gian và càng nhỏ với một nền kinh tế đầu tàu của thế giới. Bởi vậy, với Tổng thống B.Ôbama, điều quan trọng nhất hiện nay là thuyết phục người dân tiếp tục đặt niềm tin vào người mà họ đã trao cho chiếc ghế Tổng thống.
Bằng cái nhìn thực tế, người đứng đầu Nhà Trắng thừa nhận rằng, ông đã có một năm đầy khó khăn, đã có những sai lầm nhưng vẫn quyết tâm "không dừng lại". Điều này đã được ông khẳng định với Hãng tin ABC cách đây vài ngày, rằng: "Tôi thà là một vị tổng thống tốt một nhiệm kỳ, hơn là một tổng thống hai nhiệm kỳ nhưng tầm thường".
Rõ ràng, Thông điệp liên bang là cơ hội vàng để cho Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ lấy lại uy tín chính trị và vị thuyền trưởng trong bão của con thuyền Hoa Kỳ đã tận dụng được cơ hội này. Ngay sau khi kết thúc Thông điệp liên bang tại Quốc hội, kết quả khảo sát chớp nhoáng của kênh CBS News 24 giờ qua cho thấy, 83% số người được hỏi hài lòng với những đề xuất về việc làm, tiếp tục khôi phục nền kinh tế cũng như gắn kết nước Mỹ nhiều hơn với cộng đồng quốc tế trên các lĩnh vực từ giải trừ quân bị, vũ khí hạt nhân đến mở cửa thị trường và biến đổi khí hậu... của Tổng thống.
Bước vào năm thứ hai của một nhiệm kỳ đầy sóng gió, Tổng thống B.Ôbama đã kết thúc thông điệp bằng lời kêu gọi "sự đoàn kết" của nước Mỹ để tiến lên phía trước. Thế nhưng, sự thận trọng và dò xét đã hình thành trong lòng nước Mỹ khiến hơn 300 ngày tới sẽ là những ngày dài không êm ả của ông B.Ôbama.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.