(HNM) - Theo ước tính, trên địa bàn Hà Nội khi chưa hợp nhất, đã thiếu khoảng 7 triệu mét vuông nhà ở cho khoảng 120.000 hộ trong đó có khoảng 30% là những người có thu nhập thấp (TNT), dưới 5 triệu đồng/tháng.
Những người có thu nhập thấp này lại là các đối tượng rất cần được xã hội quan tâm chăm sóc như các gia đình đối tượng chính sách, cán bộ về hưu, viên chức, công nhân… Thành phố đang có rất nhiều dự án giải quyết nhà ở cho các hộ TNT này với quyết tâm đến năm 2015 sẽ xây dựng được khoảng 10 triệu mét vuông tương đương với 280.000 căn hộ và mới đây, đã hoàn thành phân phối xong trên 840 căn hộ đầu tiên.
Tuy nhiên, có rất nhiều vấn đề đặt ra khiến cho dù đã rất nỗ lực nhưng vấn đề nhà ở cho người TNT ở Hà Nội vẫn chưa thể giải quyết được triệt để trong vài chục năm tới trong khi nhu cầu nhà ở TNT của thành phố đang bức xúc nhất trong cả nước, đang ngày càng tăng.
Trong khi đó, với tình hình thị trường nhà đất biến động như hiện nay, dù có sự hỗ trợ của nhà nước, giá nhà TNT vẫn cao. Cho dù cố hạ giá thành đến đâu, vẫn không thể dưới 8,8 triệu đồng/m2, chấp nhận được nhất là 10 triệu đồng/m2. Với giá bán này (giá doanh nghiệp đầu tư nhà ở TNT vẫn lỗ) thì tối thiểu, giá một căn hộ tiêu chuẩn hiện nay cũng trên dưới 1 tỷ đồng, số tiền một gia đình có thu nhập 5 triệu đồng/tháng không thể có được sau một đời lao động. Đó là lý do chính vì sao người được phân phối nhà ở phải bán quyền được phân nhà đi để thu về một khoản tiền, còn nhà ở lại rơi vào những người kinh doanh, không có nhu cầu ở. Căn hộ được mua đi bán lại với giá ngày càng cao để ngang bằng với giá thị trường hoặc đóng cửa để đấy trong khi vẫn thiếu nhà ở.
Người phương Đông nói chung, trong đó có người Việt Nam, rất coi trọng một mảnh đất, một mái nhà thuộc quyền sở hữu của mình. Tục ngữ từng có câu: an cư mới lạc nghiệp; sống mỗi người mỗi nhà, già mỗi người mỗi mồ. Người Việt Nam chưa có thói quen sống yên tâm suốt đời trong nhà đi thuê, các dụng cụ thiết yếu trong đời sống như xe cộ, điều hòa nhiệt độ, máy giặt, tủ lạnh, TV cũng đi thuê hoặc trả góp như ở nhiều nước phát triển hiện nay. Ở những nước này, đã hình thành tập quán xã hội coi nhà thuê, đồ nội thất thuê cũng là của mình; được gìn giữ, chăm sóc như của mình. Với tâm lý đó, người ta sửa chữa, bảo dưỡng nhà cửa đồ đạc đi thuê rất cẩn thận, có khi suốt đời. Cho nên nói cần thay đổi tâm lý và thói quen của người thuê nhà Việt Nam như thế. Ở Hà Nội, sau năm 1954 đã có hình thức nhà nước cho thuê nhà nhưng do cách quản lý còn cứng nhắc nên một nguồn bất động sản rất lớn đã bị chiếm dụng hoặc cứ hư hỏng, xuống cấp dần.
Trước nhu cầu xã hội về nhà ở TNT hiện nay, nếu chỉ để các doanh nghiệp nhà nước lo liệu, với số vốn hỗ trợ còn khá hạn chế, thị trường bất động sản lại như hiện nay, khả năng thỏa mãn là khó, nếu thỏa mãn được cũng còn lâu. Nên chăng, mở rộng diện được phép kinh doanh nhà ở TNT cho nhiều đối tượng khác tham gia để tăng nhanh quỹ nhà. Quỹ nhà càng nhiều, giá càng rẻ, nạn đầu cơ cũng sẽ giảm bớt, hy vọng người nghèo mới tiếp cận được quỹ nhà này. Cũng nên nghĩ đến những đối tượng không thể có khả năng mua nhà, dù nhà cho diện TNT. Với những đối tượng này, nên nghĩ đến khả năng mua trả góp hoặc cho thuê. Nên lồng ghép với các quỹ xã hội khác những đối tượng này vốn được hưởng để tăng nguồn vốn cho quỹ nhà ở TNT, đỡ gánh nặng cho ngân sách. Với một cơ chế thông thoáng, năng động, phù hợp với thực tế phát triển của đất nước, hình thức trả góp và cho thuê nhà chắc sẽ hỗ trợ nhiều cho việc giải tỏa nhu cầu nhà ở hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.