Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đối sách trước khủng hoảng

Phương Quỳnh| 30/12/2014 06:41

(HNM) - Ngay trước thềm năm mới 2015, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã bất ngờ tiến hành cuộc cải tổ nội các lớn nhất kể từ năm 2010. Mặc dù Văn phòng Tổng thống Belarus không đưa ra lý do của việc sa thải hàng loạt các quan chức cấp cao, song các nhà phân tích tin rằng, khủng hoảng kinh tế là nguyên nhân chính khiến Tổng thống A.Lukashenko buộc phải đưa ra quyết định thay đổi

Nguyên Chánh Văn phòng Tổng thống Belarus Andrey Kobyakov được bổ nhiệm làm Thủ tướng. (Nguồn: belarustimes)



Theo danh sách bổ nhiệm mới, nguyên Chánh Văn phòng Tổng thống Andrey Kobyakov đã được bổ nhiệm làm Thủ tướng thay người tiền nhiệm Mikhail Myasnikovich; ông Vladimir Ilyich Semashko được chỉ định làm Phó Thủ tướng. Ngoài ra, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng trung ương, Bộ trưởng Công nghiệp, Bộ trưởng Kinh tế, Bộ trưởng Giáo dục và nhiều vị trí quan trọng khác cũng đã được thay thế bằng danh sách nhân sự mới.

Trên thực tế, hồi đầu năm nay Tổng thống A.Lukashenko đã từng cảnh báo rằng ông sẽ giải tán nội các nếu Chính phủ thất bại trong các mục tiêu kinh tế trọng điểm. Trước đó, Minsk tưởng chừng đã khắc phục thành công những hậu quả của cuộc khủng hoảng toàn cầu và ổn định được tình hình kinh tế - tài chính trong nước. Mức lương trung bình đạt 500 USD/người/tháng, lạm phát giảm, thị trường tiền tệ bình ổn, bảo đảm mức dự trữ vàng - ngoại tệ an toàn. Tuy vậy, để đạt được "chỉ tiêu" của Tổng thống A.Lukashenko đề ra là cần phải bảo đảm cho dân chúng các loại nhu yếu phẩm, đổi mới và phát triển một nền kinh tế hiện đại thì Belarus còn phải tiếp tục cải tổ do nền kinh thế thế giới chưa thực sự bước ra khỏi cuộc khủng hoảng.

Cuộc cải tổ nội các sâu rộng của đất nước gần 10 triệu dân được thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế của nước này phải gánh chịu những tác động tiêu cực trực tiếp từ cuộc khủng hoảng kinh tế của nước láng giềng Nga do giá dầu giảm mạnh, đồng ruble trượt giá liên tiếp trong những tháng cuối năm 2014. Trong khi đó, xứ Bạch Dương hiện là đối tác thương mại chính của Belarus. Mỗi năm Belarus xuất khẩu gần 50% lượng dầu thô cùng nhiều sản phẩm công nghiệp, thực phẩm sang Nga và 92% các giao dịch thương mại được thực hiện bằng đồng ruble. Bên cạnh đó, Belarus còn phụ thuộc rất nhiều vào các khoản trợ cấp từ Nga.

Đứng trước viễn cảnh giá dầu giảm sâu hơn nữa và đồng ruble Nga có cơ tiếp tục lao dốc và khó có thể bảo toàn được giá trị, Tổng thống A.Lukashenko đã phải ra chỉ thị buộc mọi giao dịch thương mại với Nga phải thay đổi bằng đồng USD hay euro. Ngân hàng trung ương Belarus cũng áp đặt mức phí 30% cho bất cứ giao dịch đổi ngoại tệ nào nhằm tránh tình trạng người dân đổ xô mua USD và euro để dự trữ. Tuy nhiên, những biện pháp kiểm soát tiền tệ mang tính hành chính nhằm bảo vệ đồng nội tệ chưa đem lại kết quả tích cực như mong muốn. Đồng ruble Belarus đã giảm 50% giá trị từ đầu năm tới nay và 65% tính từ năm 2011, Trong khi đó, các khoản nợ thanh toán đã lên tới 4 tỷ USD, tương đương 2/3 dự trữ ngoại tệ của Minsk.

Một số ý kiến khác cho rằng, ngoài việc xốc lại đội ngũ quản lý kinh tế, cuộc cải tổ nội các này cũng nhằm chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới mà ông A.Lukashenko không giấu ý định sẽ tái tranh cử. Mặt khác, tân Thủ tướng A.Kobyakov, vốn là Chánh Văn phòng Phủ Tổng thống, cũng được cho là không có khả năng thách thức vị trí quyền lực của ông A.Lukashenko, người đã lãnh đạo Belarus suốt 20 năm qua.

Dù cuộc cải tổ có vì mục đích nào thì hiện tại nhiều người dân Belarus đã thể hiện sự ủng hộ quyết định của Tổng thống A.Lukashenko khi cho rằng cuộc bãi nhiệm hàng loạt sẽ giúp cải thiện tình hình khó khăn hiện nay của nền kinh tế Belarus. Người dân nước này cũng đang hy vọng những nhà lãnh đạo mới của Minsk sẽ mang đến diện mạo mới cho Belarus như Tổng thống A.Lukashenko từng cam kết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đối sách trước khủng hoảng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.