(HNM) - Là nhóm hacker (tin tặc) lớn nhất thế giới, Anonymous (ẩn danh) từng đứng sau nhiều vụ tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) nhằm vào nhiều website của nhiều chính phủ để đánh cắp thông tin cá nhân.
Nạn nhân mới nhất của Anonymous là Hãng bảo mật Strategic Forecasting Inc (Stratfor) có trụ sở tại Mỹ. Vụ việc xảy ra đúng vào dịp lễ Giáng sinh 25-12 vừa qua khi Anonymous tuyên bố đã đánh cắp hàng ngàn thư điện tử, mật khẩu, dữ liệu thẻ tín dụng các khách hàng của công ty này để ăn trộm hơn 1 triệu USD và đem "biếu" cho nhiều quỹ từ thiện khác nhau (kèm cả biên lai để chứng minh). Nhóm này cũng đưa một đường dẫn lên trang mạng xã hội Twitter để giới thiệu danh sách những khách hàng thân tín của Stratfor, trong đó có cả lục quân, không quân Mỹ và cảnh sát thành phố Miami (bang Florida). Anonymous cho biết "đội quân" này có thể lấy được các chi tiết thẻ tín dụng một phần là do Stratfor không mã hóa dữ liệu.
Trong khi Anonymous tuyên bố đã lấy được 4.000 thông tin quan trọng của khách hàng mà Stratfor đang cung cấp dịch vụ, Stratfor lại cho rằng tác giả của vụ đột nhập là một nhóm chưa rõ danh tính khi chưa khẳng định thủ phạm là Anonymous. Tuy nhiên, ngay lập tức Stratfor đã phải thông báo tạm dừng hoạt động các máy chủ và thư điện tử. Nếu đây là sự thật thì Stratfor quả là khinh suất và đáng là bài học cho bất kỳ công ty an ninh nào không chỉ tại Mỹ. Mọi nghi ngờ càng có cơ sở khi Anonymous từng lên tiếng chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công các công ty thẻ tín dụng như: Visa, MasterCard và PayPal cũng như một số hãng trong ngành công nghiệp âm nhạc. Chưa hết, Anonymous còn cảnh báo, các ngôi sao trong làng nhạc thế giới như: Justin Bieber, Lady Gaga, Kim Kardashian và Taylor Swift… sẽ là những mục tiêu "tấn công" tiếp theo trong những ngày tới.
Anonymous tồn tại từ rất lâu trước vụ scandal của WikiLeaks xảy ra, nhưng "đội quân" hacker này vẫn còn "vô danh" với giới truyền thông thế giới. Biểu tượng duy nhất gắn liền với tên tuổi của chúng là chiếc mặt nạ Guy Fawkes trong bộ truyện tranh "V for Vendetta". Mãi gần đây, nhờ việc đưa tin rầm rộ của báo chí trên thế giới, đặc biệt sau vụ WikiLeaks cùng với một số cải tiến trong công cụ tấn công mạng của nhóm, Anonymous đã nhanh chóng "nổi tiếng". Mặc dù cái tên Anonymous hiện diện ở khắp nơi, nhưng thông tin về nhóm tin tặc ở tầm thế giới này lại hầu như không có. Nhóm có bao nhiêu thành viên, hoạt động thế nào và tổ chức ra sao đến nay vẫn mù mờ như chính cái tên của nhóm.
Năm ngoái tờ Guardian (Anh) có bài phỏng vấn một nhân vật được coi là phát ngôn viên của nhóm, 22 tuổi, có biệt danh "Coldblood" (Máu lạnh) về Anonymous cũng như những chủ định của nhóm này. Coldblood mô tả Anonymous như một nhóm hacker "trôi nổi" gồm khoảng 1.000 người và không có "đầu não". Thành viên của nhóm là những thanh niên, nhưng cũng có "những bậc phụ huynh", chuyên gia công nghệ thông tin và những người có thời gian… Hơn nữa, Anonymous là một từ đại diện cho nhóm các cá nhân, không tiết lộ nhận dạng, thể hiện các quan điểm nhiều chiều về nhiều chủ đề. Coldblood cũng cho biết, các thành viên đều ý thức được rằng họ đang phạm luật, song cảm thấy sự an toàn khi có số đông ủng hộ. Nhóm có một số nguyên tắc nhất định, tiêu biểu là nguyên tắc đa số. Nếu một thành viên lên diễn đàn của cộng đồng và nói: "Hãy tấn công nhóm này" và phần lớn diễn đàn đồng ý thì đó sẽ trở thành mục tiêu.
Vụ ăn cắp dữ liệu của Stratfor chỉ là một trong hàng loạt vụ "tấn công" trong hai tháng gần đây mà Anonymous bị nghi ngờ là thủ phạm. Trong đó phải kể đến vụ thông tin cá nhân chi tiết của 16.000 người Phần Lan bị đưa lên một trang web chia sẻ tài liệu, hay một loạt website của tổng thống và chính phủ El Salvador bị tấn công… Cảnh sát và các tổ chức an ninh mạng nhiều nước đã vào cuộc nhưng xem ra chưa thấm vào đâu khi cuộc chiến với hacker còn tiếp diễn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.