Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đối phó với tình trạng úng ngập: Hà Nội có kịch bản riêng

Diệu Hương - Chí Đạo| 21/07/2010 06:39

Đầu tư 700 tỷ đồng cho công trình phòng, chống lụt, bão * Bão số 2 ít có khả năng đổ bộ vào nước ta Hôm qua 20-7, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã kiểm tra các công trình thủy lợi và làm việc với UBND TP Hà Nội về công tác phòng, chống lụt, bão (PCLB) năm 2010.


Chủ động lắp đặt các trạm bơm dã chiến


Lắp đặt đường ống tại Trạm bơm Yên Nghĩa.    Ảnh: Nguyệt Ánh


UBND TP Hà Nội cho biết, để đối phó với mùa mưa bão năm 2010, khu vực nội, ngoại thành, thành phố đã đầu tư 700 tỷ đồng tu sửa đê điều và các công trình thủy lợi, trong đó có những điểm xung yếu như kè Thọ An, Minh Châu, Ngọc Thụy; đê Sen Chiểu, đê tả, hữu Hồng… Hà Nội đã hoàn thành tu bổ sửa chữa 325 máy bơm, 283 thiết bị cơ điện, 83 công trình thủy lợi; nạo vét, khơi thông dòng chảy 40 tuyến kênh với khối lượng trên 1 triệu mét khối bùn đất. Thành phố đang chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trạm bơm tiêu Yên Sở 2; lắp đặt Trạm bơm dã chiến Yên Nghĩa quy mô 14 máy với công suất 4.000m3/h/máy; đồng thời có phương án sử dụng trạm bơm tưới La Khê gồm 6 máy với công suất 8.000m3/h/máy để tiêu nước ra sông Đáy góp phần hạ mực nước sông Nhuệ đoạn từ Hà Đông đến Liên Mạc, tạo điều kiện tiêu úng khu vực Trung tâm Hội nghị quốc gia. Ngoài ra, thành phố cũng đã xây dựng phương án vận hành đập điều tiết Thanh Liệt để phối hợp tiêu nước giữa nội thành và ngoại thành qua sông Nhuệ; điều tiết cống Hòa Mỹ, Trạm bơm Vân Đình bơm tiêu ra sông Đáy, góp phần hạ mức nước sông Nhuệ.

Bàn về những giải pháp này, ông Nguyễn Xuân Diệu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi lo ngại, mùa mưa đang diễn ra nhưng Trạm bơm tiêu Yên Sở 2 đến cuối tháng 8 mới đưa vào vận hành, còn Trạm bơm dã chiến Yên Nghĩa đang lắp đặt. Hơn nữa, trong hoàn cảnh xây dựng, chỉnh trang đô thị như hiện nay thì cát, sỏi bồi lấp hệ thống tiêu thoát nước là điều khó tránh. Cùng quan điểm này, ông Bùi Nam Sách, Viện trưởng Quy hoạch thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho rằng, do tốc độ đô thị hóa nhanh, lại đang triển khai nhiều công trình chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội nên chỉ cần mưa khoảng 75mm là xảy ra úng ngập trong khu vực nội thành. Hiện, quy mô Trạm bơm tiêu Yên Sở dù có nâng công suất lên cao cũng không thể tiêu nước trong khu vực nội thành. Do vậy, Hà Nội nên chủ động lắp đặt các trạm bơm dã chiến, ống mềm phục vụ công tác chống úng.

Quy hoạch hợp lý hệ thống tiêu úng

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng, lắp đặt trạm bơm dã chiến giải quyết úng ngập cục bộ như đề xuất cũng là một giải pháp nhưng vấn đề là bơm đi đâu trong lúc mọi ngõ ngách đều đầy nước. Trận lụt cuối năm 2008, nếu nội thành bơm đẩy ra sẽ gây nguy cơ vỡ đê sông Nhuệ vì sức chứa quá tải. Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo khẳng định, Hà Nội đặc biệt quan tâm đến công tác PCLB. Nhiệm vụ này được duy trì thường xuyên và đặt lên hàng đầu, bởi trong năm nay cả nước và Thủ đô diễn ra nhiều sự kiện lớn, đặc biệt, trong tháng 10 kỷ niệm Thủ đô tròn nghìn năm tuổi. "Tuy nhiên, địa giới hành chính Hà Nội rộng, nhiều vùng trũng, năng lực tiêu úng thấp, một số công trình đê điều, thủy lợi, cống rãnh, kênh tiêu lâu ngày chưa được nâng cấp. Do đó, thành phố sẽ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công trạm bơm đầu mối, lắp đặt trạm bơm dã chiến, nạo vét các trục tiêu, khơi thông điểm bị ách tắc, chôn nước tại các hồ chứa" - Chủ tịch TP Nguyễn Thế Thảo khẳng định.


Vận hành máy tại Trạm bơm Yên Sở.     Ảnh: Nguyệt Ánh


Giáo sư Hà Đình Khối, chuyên gia hàng đầu ngành thủy lợi cho rằng, riêng năm nay, để bảo đảm tiêu nước cho nội thành, không cần tuân thủ quy trình vận hành sông Nhuệ. Hà Nội nên có kịch bản riêng như tiêu kiệt mực nước sông, nhất là những ngày tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội hoặc đặt các trạm dã chiến bơm tiêu hỗ trợ sông Nhuệ tại Liên Mạc. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát yêu cầu TP Hà Nội đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trạm bơm đầu mối Yên Sở giai đoạn II, La Khê, Yên Nghĩa. Về lâu dài, cần quy hoạch tiêu nước chung và các khu đô thị mới hình thành để việc tiêu úng hợp lý hơn.

Giải pháp tiêu úng của Hà Nội
Đối với khu vực ngoại thành, chủ động tiêu nước đệm trong khu vực nội đồng. Đối với nội thành, khai thác triệt để năng lực tiêu úng của cụm công trình đầu mối Yên Sở, các hồ điều hòa, kênh dẫn tiêu trong lưu vực. Khi có mưa, vận hành 24 máy bơm tại Trạm bơm Đông Mỹ, 14 máy Trạm bơm Hòa Bình, 5 máy Trạm bơm Siêu Quần để hỗ trợ tiêu Trạm bơm Yên Sở và giảm áp lực tiêu cho sông Tô Lịch. Với lưu vực sông Nhuệ, trọng tâm là tiêu nước khu vực Mỹ Đình, ngoài đóng một số cống như Cầu Đìa trên sông Đăm, cống Cầu Sa trên sông Cầu, vận hành một số trạm bơm bờ tả sông Nhuệ, sẽ lắp đặt bổ sung trạm bơm dã chiến tại cống Yên Nghĩa để rút nước sông Nhuệ.


Bão số 2 ít khả năng đổ bộ vào nước ta

(HNM) - Đây là nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương về diễn biến của cơn bão số 2 đang hoạt động trên khu vực biển Đông. Dự báo ngày mai (22-7), bão số 2 nhiều khả năng sẽ đổ bộ vào khu vực phía Tây Nam của tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) và suy yếu thành vùng áp thấp nhiệt đới.

Liên quan đến công tác cứu hộ, cứu nạn số ngư dân còn mất tích trong cơn bão số 1, Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao đã có Công hàm số 1512/CH-LS-QHLS đề nghị Trung Quốc tạo điều kiện để các tàu hải quân tìm kiếm cứu nạn tiếp cận các tàu bị nạn của ngư dân Việt Nam và tiếp nhận 13 ngư dân của tàu QNg 90028. Mặt khác, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Hồng Kông (Trung Quốc) đã tiến hành các thủ tục cần thiết để tiếp nhận 10 ngư dân thuộc tàu QNg 96354/11 của ông Dương Thành, ở An Hải - Lý Sơn, Quảng Ngãi bị chìm và được tàu Jade Trade (quốc tịch Antigua Barbuda) trên đường đi Hồng Kông cứu vớt. Trong ngày hôm qua (20-7), 15 ngư dân được Trung Quốc cứu hộ tại khu vực quần đảo Hoàng Sa đã về tới đất liền, đoàn tụ với gia đình. Tuy nhiên, vẫn còn 16 ngư dân mất tích.


Hữu Hoài


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đối phó với tình trạng úng ngập: Hà Nội có kịch bản riêng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.