(HNM) - Tuần qua, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Bộ Y tế đã công bố báo cáo
.
Thiếu hộ sinh - thừa tai biến sản khoa
Theo báo cáo của UNFPA, chỉ tính riêng trong năm ngoái, ước tính có khoảng 2,6 triệu trường hợp thai chết lưu, 3 triệu trẻ sơ sinh tử vong trong vòng 24 giờ đầu tiên sau khi chào đời và có đến 289.000 phụ nữ tử vong trong thời kỳ mang thai hoặc khi sinh nở. Điều đáng chú ý là phần lớn số ca tử vong và di chứng bệnh tật ở bà mẹ và trẻ sơ sinh xảy ra tại các nước có thu nhập thấp và tại những nơi mà phụ nữ nghèo chưa được quan tâm, không có cơ hội để tiếp cận với các cơ sở y tế có khả năng cung cấp dịch vụ hoặc các nhân viên y tế có chuyên môn phù hợp, đặc biệt là nhân viên sản khoa.
Tư vấn về sức khỏe sinh sản là điều cần thiết khi đội ngũ cán bộ hộ sinh đang thiếu hụt. Ảnh: Sơn Hà |
Nghiên cứu tại 73 quốc gia ở Châu Phi, Châu Á và Mỹ La tinh, báo cáo "Tình trạng hộ sinh thế giới 2014" chỉ ra một thực trạng đáng báo động: 96% tổng số ca tử vong mẹ, 91% tổng số ca thai chết lưu và 93% tổng số ca tử vong sơ sinh trên toàn cầu diễn ra tại những nước này; đó cũng chính là những quốc gia có số hộ sinh, y tá và bác sĩ sản khoa ít hơn so với các nước khác trên thế giới. Hầu hết các quốc gia trong báo cáo không có đủ số lượng cán bộ hộ sinh cần thiết và hơn ¾ số nước này đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng về cán bộ hộ sinh, điều này dẫn đến những cái chết không đáng có của phụ nữ và trẻ sơ sinh.
Tại Việt Nam, theo đánh giá của Bộ Y tế, lực lượng hộ sinh hiện có vào khoảng 23.000 người, chỉ có khả năng đáp ứng được 83% nhu cầu, lại được phân bổ không đồng đều theo dân số và vùng miền. Tỷ lệ hộ sinh trên tổng số dân hiện ở mức thấp (3,5 hộ sinh/10.000 dân), có khoảng 5% trạm y tế xã (tương đương 517 xã) ở vùng sâu, vùng xa chưa có cán bộ hộ sinh; khoảng 17% phụ nữ - chủ yếu sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển - chưa được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, chính sự thiếu hụt về lực lượng hộ sinh đã khiến tỷ lệ mẹ, trẻ sơ sinh tử vong tại 62 huyện nghèo nhất nước (tập trung tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa) cao gấp từ 3 đến 4 lần so với mặt bằng chung cả nước. Tình trạng mẹ sinh con tại nhà, không được cán bộ y tế đã qua đào tạo hỗ trợ diễn ra khá phổ biến ở nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa...
Việt Nam có khoảng 2,4 triệu phụ nữ mang thai hằng năm, tuy nhiên, chỉ có từ 1 đến 1,2 triệu trẻ được sinh ra vào mỗi năm, nguyên nhân là do hơn một nửa số phụ nữ có thai đã phải nạo - phá thai hoặc mang thai bất thường, gặp tai biến sản khoa... Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, hầu hết các ca tử vong này đều có thể phòng tránh được nếu vai trò của cán bộ hộ sinh được đề cao hơn nữa và tất cả các bà mẹ đều nhận được sự trợ giúp kịp thời từ lực lượng này. Nói vậy là bởi cán bộ hộ sinh không chỉ là lực lượng chính trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản mà còn là những tuyên truyền viên hữu ích trong việc tư vấn sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, kiến thức y tế nhằm tránh mang thai ngoài ý muốn... Nếu được đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế và được làm việc trong hệ thống y tế hoàn thiện, đội ngũ này có thể cung cấp đến 87% dịch vụ chăm sóc y tế cần thiết đối với bà mẹ và trẻ sơ sinh, giúp giảm tới 2/3 số ca tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh.
Hộ sinh là nghề độc lập
Chỉ có 4/73 quốc gia được đề cập trong báo cáo "Tình trạng hộ sinh thế giới 2014" có nguồn nhân lực hộ sinh đủ khả năng đáp ứng toàn diện nhu cầu về 46 loại can thiệp sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh thiết yếu. Tuy nhiên, Việt Nam không nằm trong danh sách 4 nước này. |
Ông Arthur Erken, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc tăng cường các dịch vụ làm mẹ an toàn và chăm sóc sức khỏe cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, vẫn còn có sự khác biệt lớn về chất lượng dịch vụ giữa khu vực đồng bằng và miền núi - nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tử vong bà mẹ ở mức cao hơn tại vùng sâu, vùng xa, khu vực dân tộc thiểu số; số lượng người đỡ đẻ có kỹ năng ở các vùng sâu, vùng xa cũng ít hơn nhiều so với vùng đồng bằng… Do đó, việc củng cố vị thế của hộ sinh và nâng cao trình độ của lực lượng này là hết sức quan trọng. Họ cần phải được hướng dẫn về quy trình, kỹ thuật, được cung cấp các dụng cụ, vật tư y tế và thuốc, được hỗ trợ bởi công nghệ di động và được hỗ trợ về kỹ thuật trong trường hợp khẩn cấp, bao gồm hệ thống chuyển tuyến hiệu quả và kịp thời... "Khi hộ sinh được đào tạo bài bản, được trao quyền và được hỗ trợ, họ sẽ góp phần đáng kể vào việc cứu sống các bà mẹ, trẻ sơ sinh, giúp ích cho quốc gia", ông Arthur Erken nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, với cam kết thực hiện Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ vào năm 2015, Bộ Y tế đã có nhiều chính sách thể hiện sự công nhận nghề hộ sinh là một nghề độc lập. Điều này giúp tăng cường vị thế và vai trò của hộ sinh trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế cho người dân Việt Nam. Bộ Y tế đã phê duyệt quy định về năng lực hộ sinh Việt Nam, ban hành các văn bản hướng dẫn và đề ra chương trình đào tạo hộ sinh bài bản. Hiện nay, Bộ đang xây dựng chương trình đào tạo bậc cử nhân và các chương trình đào tạo liên tục cho hộ sinh, cán bộ y tế tham gia công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản; xây dựng hệ văn bản quy định tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình và điều kiện cấp giấy phép hành nghề tại Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.