Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi mới tuyển sinh Đại học, cao đẳng: “Phanh” vì ngại mạo hiểm

Quỳnh Phạm| 04/01/2014 07:02

(HNM) - Ngày 4-1 là thời hạn Bộ GD-ĐT đưa ra để tiếp nhận ý kiến đóng góp của các trường đại học, cao đẳng về dự thảo đổi mới tuyển sinh được công bố mới đây.


Tự tổ chức thi tuyển hay tuyển sinh theo mô hình “3 chung” đến nay vẫn là băn khoăn của nhiều trường ĐH, CĐ. Ảnh: Nhật Nam



Ngại mạo hiểm

Ngay từ khi Dự thảo đổi mới tuyển sinh được công bố, nhiều trường muốn tự chủ tuyển sinh cũng đã khựng lại khi Bộ GD-ĐT nhấn mạnh rằng các trường thi riêng sẽ không được dùng kết quả từ "3 chung" để xét tuyển. Thứ trưởng Bùi Văn Ga nêu quan điểm: Việc tuyển sinh riêng có mục đích tạo điều kiện cho các trường sử dụng những phương pháp tuyển sinh khác nhau để tuyển được sinh viên có năng lực phù hợp vào học các ngành nghề của trường mà kỳ thi "3 chung" không làm được. Trên cơ sở đó, chất lượng đào tạo được nâng cao. Còn nếu "3 chung" vẫn làm tốt việc này thì đã không cần phải thay đổi. Với quan điểm này, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường tính về lâu dài để nghiên cứu và có phương án tuyển sinh riêng phù hợp khi "3 chung" không còn.

Mặc dù đã ấp ủ, nghiên cứu các phương án thi riêng từ lâu, song ngay cả các đơn vị đào tạo lớn, như ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, tới nay cũng chỉ đưa ra một vài phương án mang tính thí điểm. Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn, cho biết, năm 2014 nhà trường vẫn tuyển theo "3 chung". Dù trong 3 năm vừa qua đã huy động hơn 70 nhà khoa học nhiều kinh nghiệm để xây dựng đề án tuyển sinh mới, nhưng nó sẽ chỉ áp dụng cho một phần các chương trình tiên tiến, chất lượng cao và sau ĐH. Sớm nhất là năm 2015, bộ công cụ đánh giá mới được sử dụng để tuyển sinh ĐH đại trà.

Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Hội Nghĩa cũng bày tỏ quan điểm: Những quy định của Bộ về phạm vi xét tuyển khiến các trường có cảm giác giảm khả năng thành công của một kỳ thi riêng, nên ngại mạo hiểm, nhất là trong thời điểm khó khăn tuyển sinh kéo dài như nhiều năm nay. Bên cạnh nguyên nhân khách quan đó, các trường không khỏi lo ngại về năng lực tổ chức một kỳ thi bảo đảm chất lượng.

Mặc dù không khỏi có những khó khăn về tuyển sinh khi thi chung, nhưng nhiều trường ngoài công lập vẫn dè dặt với thi riêng. Theo một lãnh đạo Trường ĐH Thăng Long: Việc tự tổ chức thi ĐH không đơn giản như kỳ thi tuyển sinh sau ĐH vì nó phụ thuộc vào cả một hệ thống phức tạp. Điều quan trọng nhất là thí sinh thi vào những trường tổ chức thi riêng nếu không đủ thí sinh trúng tuyển thì có được xét tuyển ở trường khác không? Liệu có trường nào nhận những thí sinh này không?

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận: "Chúng ta đang ở tâm trạng ngược lại lúc trước khi có Nghị quyết Trung ương. Lúc chưa có Nghị quyết thì yêu cầu đổi mới, nhưng giờ lại thấy cái này cái kia không được. "Cái phanh vô hình" đang kéo chúng ta lại. Nên phải thay đổi nhận thức, phải có sự thống nhất cao độ để làm cơ sở tạo nên sự đồng thuận của cả xã hội".

Hỗ trợ bằng "3 chung"

Việc các trường ĐH, CĐ vừa muốn tự chủ vừa muốn dựa vào thi chung để có nguồn tuyển, theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, có thể gây nên một số vấn đề, nhất là với các trường khó tuyển đủ chỉ tiêu. Phần lớn họ chỉ muốn theo "3 chung" để tuyển đủ chỉ tiêu, còn nếu không đủ thì mới tuyển theo cách riêng để lấy cho bằng đủ. Như vậy, nguồn thí sinh thi riêng sẽ phần lớn là những người không đạt điểm sàn khi thi chung, ảnh hưởng chất lượng nguồn tuyển. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT dẫn ra một ví dụ được cho là đã kết hợp được "3 chung" và xét tuyển riêng là Trường ĐH FPT. Trường này vẫn sử dụng nguồn thí sinh từ "3 chung", sau đó mới xét tuyển bằng một số tiêu chí riêng để chọn thí sinh phù hợp với yêu cầu đào tạo của trường.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng quy định của Bộ GD-ĐT làm khó các trường. Bởi dù trường được tự chủ, nhưng Bộ vẫn phải có trách nhiệm tạo thuận lợi để các trường thể hiện và thực hiện tốt quyền tự chủ được giao thay vì bắt họ phải tự đối mặt với khó khăn. Sự hỗ trợ mà các trường cần lúc này chính là được sử dụng kết quả thi "3 chung". Ông Lê Viết Khuyến, đại diện Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cho rằng, Bộ chỉ cần nêu ra chuẩn tối thiểu cho người được quyền vào học ĐH. Còn các trường phải được quyền quyết định các điều kiện cụ thể để tuyển thí sinh phù hợp với đặc điểm đào tạo của mình. Trong điều kiện hiện nay, nhiều trường vẫn có nhu cầu sử dụng kết quả thi "3 chung" để xét tuyển cho trường mình. Quan điểm nói trên đã nhận được sự đồng tình của không chỉ các trường khó tuyển hay trường ngoài công lập, là cơ sở để Bộ GD-ĐT đồng ý cho các trường sử dụng kết quả thi "3 chung" làm cơ sở thực hiện tuyển sinh riêng.

Theo bản Dự thảo đổi mới tuyển sinh mới nhất, Bộ GD-ĐT đã không còn cấm các trường tổ chức thi riêng sử dụng kết quả của kỳ thi "3 chung", mà thay vào đó là quy định "Các trường tổ chức tuyển sinh riêng có thể kết hợp xét tuyển những thí sinh dự thi kỳ thi chung do Bộ GD-ĐT tổ chức có kết quả thi từ điểm sàn trở lên".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới tuyển sinh Đại học, cao đẳng: “Phanh” vì ngại mạo hiểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.