Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi mới từ tư duy

Hà Phong| 05/06/2012 06:18

(HNM) - Xem xét tiến độ xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 của các bộ, ngành có thể thấy, chức năng hoạch định chính sách; phối hợp chính sách và tính chuyên nghiệp trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) là ba khâu yếu.


Luật Đất đai sửa đổi, một trong những bộ luật được người dân mong đợi. Ảnh: Linh Ngọc

Các chuyên gia đến từ Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD) cho rằng, ở Việt Nam sự phối hợp trong quá trình xây dựng luật ít hiệu quả. Các ban soạn thảo đều có thành phần là cán bộ của nhiều bộ, ngành khác nhau và mỗi bộ, ngành có liên quan đều phải góp ý cho các dự thảo văn bản của các bộ, ngành khác, nhưng trong thực tế hoạt động phối hợp nhằm tìm ra một tầm nhìn chiến lược chưa được tổ chức tốt. Vai trò hợp tác thường bị hiểu sai là dịch vụ thư tín và chỉ đơn thuần là đóng dấu rồi chuyển tài liệu bổ sung giữa các cơ quan. Do đó, trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012, vẫn còn tình trạng có dự án làm kiểu "đánh trống, ghi tên". Một số đơn vị được giao nhiệm vụ soạn thảo còn chậm triển khai việc thành lập ban soạn thảo, tổ biên tập; chưa dành thời gian thích đáng để tổng kết, khảo sát thực tiễn, phân tích, đánh giá tác động từng chính sách. Ngay tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, có dự thảo luật đến sát phiên thảo luận, đại biểu mới nhận được báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý và dự thảo luật mới nhất, không có thời gian để nghiên cứu thấu đáo, ảnh hưởng đến chất lượng thảo luận. Vì vậy, một số VBQPPL vẫn chứa nhiều quy định mang tính nguyên tắc, phải chờ thêm nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành thì mới có thể thực hiện được. Trước tình trạng này, đầu tháng 6 này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phải đề xuất, chuyển dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế từ chương trình thông qua tại kỳ họp Quốc hội thứ ba sang chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ ba và thông qua tại kỳ họp thứ tư. Rút dự án Luật Đô thị, Luật Quy hoạch, Luật Thư viện ra khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012. Bên cạnh đó, Luật Đất đai sửa đổi - một trong những luật được mong chờ từng giờ, từng ngày với kỳ vọng đổi mới công tác quản lý đất đai, phát huy quyền làm chủ của người dân, tạo hành lang pháp lý trong việc đánh giá các lợi ích mang lại từ các dự án phát triển kinh tế - xã hội… cũng cần có thêm thời gian chuẩn bị. Trong khi đó, nếu luật này triển khai sớm, nhiều "ngòi nổ" về khiếu kiện có thể sẽ được "tháo" trước khi xảy ra.

Cố vấn trưởng về cải cách thể chế Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) Faisal Naru cho rằng, hiện tại Việt Nam đang ở thời kỳ phân cấp chức năng cho các tổ chức sự nghiệp nhà nước và đơn vị cung cấp dịch vụ ngoài nhà nước. Môi trường thể chế mới này đòi hỏi phải có hệ thống quản lý phát triển hơn nhằm phối hợp hài hòa các chức năng hoạt động khác nhau của bộ máy, tránh tình trạng thiếu đồng bộ. Hiện nay những quy định chồng chéo, kém chất lượng đang gây khó khăn trong quản lý và nâng cao chất lượng thể chế Việt Nam, tác động không tốt đến người dân, doanh nghiệp (DN), đầu tư và cuối cùng là năng lực cạnh tranh tổng thể của Việt Nam. Từ đó, nảy sinh chi phí không cần thiết cho người dân và DN trong việc tuân thủ pháp luật; đồng thời tạo cơ hội cho hành vi sách nhiễu của cán bộ, công chức. Để đạt được yêu cầu về cải cách thể chế, việc xây dựng văn bản cần được thể hiện ở hai công đoạn riêng: hoạch định chính sách và soạn thảo văn bản pháp luật. Trong đó, khâu hoạch định chính sách tập trung vào việc phân tích và đề xuất lựa chọn chính sách. Và việc soạn thảo văn bản pháp luật là lĩnh vực cần đặt hàng riêng cho các chuyên gia pháp lý trình độ cao. Lực lượng này có nhiệm vụ thể hiện nội dung đề xuất của Chính phủ thành ngôn ngữ lập pháp phù hợp với khung pháp lý và các yêu cầu của hệ thống pháp luật. Có như vậy mới loại bỏ được lợi ích nhóm, giảm được tình trạng văn bản thiếu các quy định có tính chế tài - một đặc trưng không thể thiếu của luật - nên hiệu lực pháp luật yếu, không thực sự đi vào cuộc sống, hiệu quả xã hội không cao. Ngược lại, nhiều vấn đề rất cần phải được quy định, điều chỉnh thì lại thiếu các văn bản pháp lý điều chỉnh. Thí dụ như thẩm quyền của chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại DN, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan hành chính, của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, tình trạng "một cửa nhiều khóa" trong quy trình cấp sổ đỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới từ tư duy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.