Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi mới tư duy quy hoạch, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững

Bạch Thanh| 10/11/2022 14:28

(HNMO) - Quy hoạch trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn phải là động lực cho phát triển, không để là rào cản gây khó khăn cho thực tế phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Đây là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền tại hội nghị lấy ý kiến các sở, ngành, huyện, thị xã về công tác quy hoạch thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, ngày 10-11.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại hội nghị.

Phải đồng bộ với quy hoạch chung

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu, các đơn vị thực thi việc quy hoạch cũng như triển khai quy hoạch thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn phải đồng bộ với quy hoạch chung và lấy lợi ích, bảo đảm kế sinh nhai bền vững của nông dân làm trung tâm. Theo đó, gắn quy hoạch vùng sản xuất tập trung với định hướng rõ nét tới từng loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với hạ tầng, thế mạnh sản xuất của địa phương và nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Các quy hoạch kỹ thuật khác như đê điều, thủy lợi, quy hoạch rừng... phải đảm bảo phù hợp thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, làm căn cứ thực hiện các giải pháp phát triển nông nghiệp, quản lý sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống thiên tai, phục vụ sản xuất trên địa bàn thành phố.

Báo cáo về vấn đề quy hoạch phát triển nông nghiệp nông thôn trên địa bàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Tạ Văn Tường cho biết, giai đoạn 2011-2020, Sở NN&PTNT được giao theo dõi 11 quy hoạch chuyên ngành. Các quy hoạch được triển khai thực hiện dựa trên định hướng không gian phát triển nông nghiệp, theo vùng sản xuất, theo ngành, lĩnh vực cụ thể như trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, làng nghề...

Tuy nhiên, theo Luật Quy hoạch, các nội dung này đều là thành phần trong phương án quy hoạch và được nghiên cứu khi lập quy hoạch thành phố (hiện đang triển khai nhiệm vụ quy hoạch). Vì vậy, hiện nay các phương án quy hoạch này chưa được triển khai, quá trình tổ chức quản lý thực hiện các định hướng phát triển của ngành gặp nhiều khó khăn.

Nông nghiệp của Hà Nội sẽ được quy hoạch rõ nét tới từng vùng, lĩnh vực như vùng chuyên canh, vùng du lịch nông nghiệp sinh thái...

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ, đối với các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành (phòng, chống lũ, đê điều, thủy lợi) đang gặp không ít khó khăn như chưa cụ thể hóa được nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng khu vực bãi sông theo các quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ (chưa xác định được cụ thể các khu vực dân cư tập trung hiện có trên bãi sông: Khu vực phải di dời; khu vực được cải tạo, sửa chữa; khu vực được tồn tại, bảo vệ, xây dựng mới công trình, nhà ở...). Trong khi đó, nhu cầu về cải tạo, xây dựng nhà ở của nhân dân là rất lớn và bức thiết, dẫn đến công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, xử lý vi phạm về đê điều... của các cấp, các ngành gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong công tác cấp phép xây dựng các công trình nhà ở riêng lẻ.

Đóng góp vào định hướng chung, ông Nguyễn Thế Công, Phó Giám đốc Sở Xây dựng khẳng định, việc đẩy mạnh xây dựng và quản lý quy hoạch nông nghiệp và phát triển nông thôn cần tuân thủ tiêu chí phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng nông nghiệp đô thị - sinh thái kết hợp phát triển du lịch và chú trọng bảo vệ môi trường, gìn giữ các vành đai xanh. Việc xây dựng và quản lý quy hoạch phải phù hợp với nhu cầu thực tiễn, tránh lỏng quá hay chặt quá...

Chủ động triển khai quy hoạch, tạo động lực cho phát triển

Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng cho biết, trong những năm qua, huyện có tốc độ đô thị hóa rất nhanh, dự kiến thời gian tới, huyện sẽ trở thành quận. Huyện đã chủ động xây dựng vùng quy hoạch nông nghiệp 2021-2025, định hướng năm 2030 theo hướng đáp ứng tiêu chí quận. Trong đó, đối với lĩnh vực nông nghiệp, Gia Lâm quy hoạch theo hướng các vùng sản xuất tập trung, hạn chế tối đa phát triển chăn nuôi, các vùng sản xuất không chỉ thuần túy sản xuất nông nghiệp mà phải gắn với các loại dịch vụ du lịch trải nghiệm, công nghệ cao với các loại hoa, cây cảnh, cây ăn quả...

Tương tự, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn, hiện huyện đã quy hoạch rõ nét 3 vùng kinh tế của địa phương: Vùng nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch dịch vụ, vùng đô thị sinh thái, vùng tiểu thủ công nghiệp làng nghề. Xác định nông nghiệp tiếp tục là thế mạnh của địa phương, từ năm 2021, huyện đã rà soát và định hướng lại quy hoạch sản xuất trên cơ sở gắn với chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Cụ thể, vùng đất bãi xã Vân Hà với 150ha bưởi Tam Vân chất lượng cao, thời gian qua đã có nhiều du khách đến trải nghiệm, sẽ được quy hoạch trở thành vùng du lịch sinh thái... Đây là mô hình điểm làm cơ sở để huyện nhân rộng và có bước triển khai, đưa định hướng quy hoạch thành hiện thực.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh, việc quy hoạch phát triển nông nghiệp thời gian tới cần phải chi tiết đối với từng lĩnh vực như rừng, đê điều, thủy lợi, nuôi trồng thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi... Với đầy đủ các thông số, biểu đồ minh họa... trên cơ sở bám sát thực tế sản xuất và tiềm năng của các địa phương, quy hoạch trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn phải là động lực cho phát triển, không để là rào cản gây khó khăn cho thực tế phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Cụ thể như đối với đê điều, thủy lợi, cần có quy hoạch theo hướng mở rộng mặt cắt các tuyến đê theo hướng kiên cố gắn với giao thông, làm đâu đẹp đó, xanh, sạch, sáng. Việc xây dựng, phát triển hệ thống thủy lợi đảm bảo tưới, tiêu nước không chỉ cho khu vực nông nghiệp và khu vực dân cư nông thôn, mà còn phải thích ứng biến đổi khí hậu, đồng bộ và bảo đảm tiêu thoát nước cho khu vực đô thị, hạn chế tình trạng ngập úng nội đô.

Hà Nội sẽ tham vấn thêm kinh nghiệm quy hoạch đê điều, thủy lợi gắn với thích ứng với thiên nhiên của các nước tiên tiến, đi đầu trong lĩnh vực này, bảo đảm tính lâu dài, bền vững và hiệu quả...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới tư duy quy hoạch, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.