Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi mới tư duy quản lý và mô hình tăng trưởng

Hà Thái - Lê Hương| 14/01/2011 07:22

(HNM) - Hôm qua 13-1, trong ngày làm việc thứ hai Đại hội (ĐH) đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, các đại biểu đã tập trung thảo luận tại Đoàn và thảo luận tại Hội trường về các văn kiện ĐH, gồm: Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011)...


Đoàn Hà Nội thảo luận về các văn kiện trình Đại hội XI của Đảng. Ảnh: Bá Hoạt

Mở đầu buổi thảo luận tại hội trường, đại biểu Tạ Ngọc Tấn (Đoàn khối các cơ quan TƯ) đánh giá: Thực tiễn 25 năm thực hiện chính sách đổi mới vừa qua cho thấy, công cuộc xây dựng, phát triển đất nước ngày càng đi vào chiều sâu thì chúng ta càng phải đối diện với những vấn đề khó khăn, phức tạp mới, đặt ra cho đất nước những cơ hội lớn và thách thức mới. Tất cả đòi hỏi chúng ta phải nhận thức lại cho đúng, vận dụng sáng tạo, bổ sung và phát triển lý luận Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho phù hợp với bối cảnh mới của thế giới và các điều kiện cụ thể trong nước hiện nay. Nhiều vấn đề lý luận về sở hữu, về thời kỳ quá độ, về kinh tế thị trường định hướng XHCN, về xử lý mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội… vẫn cần phải tiếp tục nghiên cứu để có câu trả lời thật sáng tỏ.

Theo đại biểu Tạ Ngọc Tấn, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đòi hỏi phải nghiên cứu sâu sắc, toàn diện và có hệ thống những di sản tư tưởng, lý luận của C.Mác, Ph.Ăng-ghen, V.I.Lê-nin, Hồ Chí Minh; phải đổi mới tư duy để trở về với chính thực chất hệ thống luận điểm đã hình thành trong điều kiện lịch sử cụ thể. Xác định rõ những luận điểm nào đúng, luận điểm nào không còn phù hợp, luận điểm nào bị vận dụng sai, luận điểm nào cần phát triển… Vận dụng chủ nghĩa Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh phải trên cơ sở khách quan, dám nhìn thẳng vào sự thật và chấp nhận thách thức.

Nhìn lại 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010, đại biểu Võ Hồng Phúc (Đoàn Thanh Hóa) nhận định, chúng ta đã thực hiện thắng lợi và thành công. Tuy vậy, đại biểu Võ Hồng Phúc cũng chỉ rõ những hạn chế, khiếm khuyết cũng như những điểm nghẽn đang hiện hữu của nền kinh tế và nêu ra 4 bài học kinh nghiệm lớn. Trong đó, đồng chí đặc biệt nhấn mạnh tới bài học “Phát huy dân chủ, khơi dậy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực cho phát triển đất nước”... Giai đoạn 10 năm tới, theo đại biểu Võ Hồng Phúc, thời điểm thực hiện Nghị quyết ĐH XI khó khăn hơn nhiều so với ĐH X. 5 năm trước, tăng trưởng cao, lạm phát vừa phải, nguồn lực khá hơn nên có điều kiện để chống lạm phát. Nhưng ở thời điểm hiện tại, tăng trưởng chỉ ở mức khá, lạm phát cao và vẫn đe dọa, các cân đối lớn của nền kinh tế đều khó khăn hơn. Do đó, cần sự thống nhất trong toàn Đảng và đòi hỏi sự chỉ đạo tập trung mới vượt qua được những thử thách, thực hiện được nhiệm vụ đặt ra...

Thay mặt cho đoàn Hà Nội, đại biểu Vũ Hồng Khanh có bài tham luận tại hội trường khẳng định, điểm nhấn đặc biệt quan trọng nêu trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020 là cần thay đổi mô hình tăng trưởng, từ chiều rộng sang chiều sâu. Đó là tư duy cách mạng, dám nhìn thẳng vào sự thật, nắm bắt được xu thế và yêu cầu phát triển.

Cùng đề cập tới vấn đề kinh tế, đại biểu Nguyễn Văn Đua, Đoàn TP Hồ Chí Minh đã nêu 5 giải pháp nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. Đoàn TP Hồ Chí Minh cho rằng, chỉ tiêu kinh tế chỉ là công cụ, chỉ tiêu về an sinh xã hội mới là đích của tăng trưởng. Vì vậy, cần phải đổi mới tư duy về chức năng quản lý kinh tế của nhà nước thông qua việc sử dụng công cụ kế hoạch hóa phù hợp với sự vận hành của cơ chế thị trường. Mặt khác, sử dụng hiệu quả công cụ chính sách kinh tế - tài chính để thúc đẩy quá trình tái cấu trúc nội bộ các ngành kinh tế. Cần có sự đổi mới các chính sách về thuế, phí, đất đai, đầu tư công… nhằm khuyến khích các DN tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm và hình thành những “cụm liên kết sản xuất” để chuyển nền công nghiệp từ gia công sang sản xuất. Theo đại biểu cần sử dụng các tổ chức kinh tế của nhà nước như công cụ để khắc phục và hạn chế những khuyết tật của thị trường. Ngoài ra, cần chuyển cơ cấu địa phương sang cơ cấu kinh tế vùng. Đi đôi với đó là đổi mới tổ chức hoạt động của chính quyền đô thị trong khuôn khổ tổ chức hệ thống chính quyền địa phương theo hướng mở rộng tính tự chủ và chịu trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao.

Cuối buổi chiều qua, đại biểu Ngô Xuân Lịch (Đoàn Quân đội) và đại biểu Hoàng Bình Quân (Đoàn Các cơ quan TƯ) đã tham luận với chủ đề Tăng cường củng cố quốc phòng, xây dựng QĐND chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại và công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước trong nhiệm kỳ qua.

Hôm nay, ĐH tiếp tục thảo luận tại hội trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới tư duy quản lý và mô hình tăng trưởng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.