(HNMO) - Sáng 17-8, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã tổ chức hội nghị giải trình về “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập”.
Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng chủ trì hội nghị.
Báo cáo sơ bộ kết quả khảo sát tại 12 công trình hồ, đập; 4 nhà máy, trạm cấp nước; 3 nhà máy thủy điện ở 14 tỉnh, thành phố, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Vinh Hà cho biết, trữ lượng nước vẫn tương đối dồi dào. Tuy nhiên, lượng nước phân bố không đều theo thời gian và không gian, trong một tỉnh cũng có sự phân bố nước không đồng đều. Mặc dù chất lượng nước mặt, nước ngầm tương đối tốt, trữ lượng dồi dào nhưng nguồn nước này đang có nguy cơ ô nhiễm từ hoạt động xả thải, đặc biệt với các sông chảy qua đô thị...
Về an toàn hồ, đập, các đập quan trọng, hồ chứa nước lớn có độ an toàn cao do được kiểm soát tốt từ khâu xây dựng, có quy trình vận hành, có tổ chức quản lý đủ điều kiện, được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên. Tuy nhiên, đập, hồ chứa nước vừa và nhỏ có nguy cơ mất an toàn cao do bị hư hỏng, xuống cấp. Nhiều hồ, đập không có quy trình vận hành khi thiết kế; không được kiểm định trước mùa mưa lũ; không có trang thiết bị quan trắc, giám sát an toàn.
Tại hội nghị, các đại biểu bày tỏ sự quan tâm đến kế hoạch của Chính phủ và các bộ về giải quyết tác động biến đổi khí hậu đối với nguồn nước Đồng bằng sông Cửu Long; mức độ ô nhiễm của các nhánh, lưu vực sông trên cả nước; tính khả thi trong thực hiện các nguồn lực bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ, đập; vấn đề đầu tư công trình thủy lợi lớn theo hình thức PPP; nâng cao chất lượng, gia tăng tỷ lệ người dân nông thôn tiếp cận nước sạch...
Giải trình các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, để giải quyết tác động của biến đổi khí hậu đối với Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ đã xây dựng định hướng tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng xoay trục sản xuất; xây dựng hệ thống thủy lợi thích ứng với sản xuất theo hướng mới, phát triển giống nông nghiệp, thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu... Cho rằng việc huy động nguồn lực xã hội để xây dựng các công trình thủy lợi rất cấp thiết, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu quan điểm, với các công trình thủy lợi phụ trợ, có thể kêu gọi xây dựng theo hình thức PPP nhưng các công trình lớn, ở khu vực biên giới, hải đảo phải được Nhà nước thực hiện để bảo đảm an ninh nguồn nước...
Về mức độ ô nhiễm chung các lưu vực sông, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, thượng nguồn các dòng sông cơ bản không chịu tác động, ô nhiễm tập trung chủ yếu ở hạ nguồn, các khu vực sông có đô thị, khu công nghiệp. Riêng lưu vực các sông Cầu, Nhuệ, Đáy, 70% nguồn ô nhiễm đến từ nước thải sinh hoạt của các tỉnh, thành có sông chảy qua... Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, để hạn chế ô nhiễm các lưu vực sông, trước mắt cần lắp đặt các trạm quan trắc, xử lý tại nguồn thải...; về dài hạn cần di dời, sắp xếp dân cư, lập hành lang bảo vệ hai bờ sông...
Phát biểu chỉ đạo, định hướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị đặt mục tiêu năm 2045 phải chủ động được nguồn nước ngọt cho nhu cầu sản xuất và nước ngọt sinh hoạt đạt tiêu chuẩn cho khoảng 125 triệu dân; chất lượng nước phải đồng đều giữa thành thị và nông thôn... Do đó, cần đổi mới tư duy, hoàn thiện quy định pháp luật trong quản lý an ninh nguồn nước, an toàn hồ, đập; phải coi nước là hàng hóa đặc biệt để có biện pháp sử dụng hợp lý; tập trung các giải pháp xử lý ô nhiễm nguồn nước; tăng cường quan hệ quốc tế trong bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ, đập...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.