(HNM) - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, bệnh lao hiện vẫn là vấn đề lớn của toàn cầu với 1/3 dân số thế giới đã nhiễm lao. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 180 nghìn người mắc lao mới và hơn 20 nghìn người chết do căn bệnh này.
Vì thế, Ngày Thế giới phòng chống lao năm nay của Việt Nam được mang chủ đề: "Đổi mới phương thức hành động để tiến tới thanh toán bệnh lao ở Việt Nam" với mục tiêu trước mắt là giảm 50% số người mắc lao (so với năm 2000) vào năm 2015.
Chữa khỏi 1 người tránh cho 10 người
Việt Nam xếp thứ 12 trong số 22 quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh lao cao nhất thế giới với khoảng 180.000 người mắc mới mỗi năm, trong đó có hơn 5% bệnh nhân lao đồng nhiễm HIV, gần 6.000 bệnh nhân lao kháng đa thuốc, 20.000 người chết do lao. Tuy vậy, con số thực tế còn cao hơn nhiều bởi theo Chương trình Chống lao quốc gia, hiện nước ta mới chỉ phát hiện được dưới 60% số người nhiễm lao trong cộng đồng.
Chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân lao tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi Hà Nội. Ảnh: Hữu Oai |
Khó khăn lớn nhất trong công tác chống lao hiện nay, theo PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao quốc gia là đa số bệnh nhân mắc lao đều nghèo. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, 95% số bệnh nhân lao và 98% số người chết do lao là người ở các nước nghèo, trong đó có Việt Nam; 75% số bệnh nhân lao đang ở độ tuổi lao động ( 25 - 49 tuổi ). Tại nhiều nơi trên thế giới, kể cả khi thuốc chống lao được miễn phí thì bệnh nhân lao vẫn có thể phải chi tới 30% thu nhập gia đình để điều trị, khiến họ khó theo đủ khoảng thời gian điều trị theo chỉ định và điều đó làm tăng nguy cơ phát triển của các chủng vi khuẩn lao kháng thuốc. Một khó khăn khác là công tác tuyên truyền ở nhiều địa phương chưa thường xuyên, nhận thức của người dân về bệnh còn hạn chế, vẫn có sự kỳ thị người bệnh, dẫn đến tình trạng giấu bệnh… nên hậu quả tất yếu diễn ra. Từ giờ đến năm 2015, nếu mọi người không cùng hành động thì sẽ có gần 1 triệu người dân mắc lao, trong đó có 100.000 người chết oan do lao vì không được phát hiện, điều trị kịp thời. Điều đáng nói hơn là tới nay vẫn có rất ít người biết rằng, một bệnh nhân lao được chữa khỏi sẽ tránh cho 10 người khác không bị mắc lao.
Hà Nội ứng dụng kỹ thuật cao
Về thách thức trong cuộc chiến cam go chống lại bệnh lao của thành phố Hà Nội, theo TS Lưu Thị Liên, Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Hà Nội đó là địa bàn rộng (29 quận, huyện, 577 xã, phường), dân cư đông, môi trường ngày càng ô nhiễm và đời sống của đại bộ phận người dân còn gặp khó khăn. Tỷ lệ người dân mắc bệnh lao và các bệnh phổi vì thế gia tăng. Mặc dù vậy, năm 2010, cán bộ, nhân viên y tế của bệnh viện đã rất nỗ lực phát hiện, tiếp nhận và điều trị cho hơn 4.600 bệnh nhân lao, trong đó có 2.300 người bệnh lao phổi AFB(+); khám mới cho 60.000 người có dấu hiệu mắc lao; quản lý và duy trì điều trị củng cố cho trên 4.300 bệnh nhân lao được đăng ký, đạt tỷ lệ khỏi lao phổi AFB(+) mới là 91,9%. Có được kết quả này là nhờ bệnh viện chú trọng ứng dụng kỹ thuật cao như nội soi phế quản ống mềm trong chẩn đoán và điều trị bệnh hô hấp; nuôi cấy và làm kháng sinh đồ vi khuẩn lao; thành lập phòng tư vấn COPD và hen. Đầu năm 2011, bệnh viện đã chính thức khai trương phòng xét nghiệm đặc biệt có độ an toàn sinh học cao nhằm nâng cao năng lực phát hiện các trường hợp lao kháng đa thuốc.
Muốn chống lại căn bệnh nguy hiểm này và để đạt mục tiêu giảm 50% số mắc, tử vong do lao vào năm 2015, loại trừ được bệnh lao vào năm 2030 thì mọi tổ chức, cá nhân phải đổi mới tư duy, mở rộng đối tác tham gia chống lao, nỗ lực huy động các nguồn lực đầu tư cho chương trình, dự án chống lao; giúp người bệnh tiếp cận với tiến bộ y học trong điều trị bệnh. Mặc dù còn có nhiều khó khăn, nhưng nếu công tác phòng, chống lao được đầu tư thích hợp, cộng với những cố gắng không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ y tế thì trong tương lai không xa, bệnh lao sẽ không còn là vấn đề lớn.
Bệnh lao hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu người bệnh được phát hiện sớm và tuân thủ quy trình điều trị của bác sỹ chuyên khoa. TS Lưu Thị Liên khuyến cáo, người dân khi bị ho khạc kéo dài trên 2 tuần đã điều trị bằng thuốc kháng sinh (không phải thuốc kháng sinh chữa lao) mà không khỏi thì nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa lao để khám. Không nên đến những nơi không chuyên, vì nếu mắc bệnh mà sử dụng không đúng thuốc thì rất dễ bị kháng thuốc, việc điều trị sẽ khó khăn hơn. Từ nhiễm lao đến mắc bệnh lao là một quá trình rất ngắn. Do đó, mọi người hãy phòng bệnh bằng cách duy trì chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý; vệ sinh môi trường sống, nhà ở sạch sẽ. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.