Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi mới tư duy đầu tư cho giáo dục

Vũ Vân| 05/09/2013 05:57

(HNM) - Hôm nay, 5-9, hơn 19 triệu học sinh bước vào năm học mới, năm đầu tiên triển khai thực hiện Kết luận của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) về

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục. Nguồn kinh phí đầu tư cho GD&ĐT đã tăng đáng kể, đạt 20% tổng chi ngân sách. Nhiều chương trình, đề án quy mô lớn được huy động, "đa dạng hóa" và "tối đa hóa" nguồn lực cho phát triển sự nghiệp giáo dục, đặc biệt là cho giáo dục phổ thông. Ngân sách nhà nước đã tập trung đầu tư cho các cấp học phổ cập, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, cho mục tiêu phát triển đội ngũ nhà giáo. Các nguồn vốn từ trái phiếu, vốn ODA và dự án viện trợ không hoàn lại... cũng được huy động nhằm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục. Các địa phương đã đầu tư thêm từ ngân sách địa phương, huy động nhiều nguồn khác để tăng cường cơ sở vật chất cho nhà trường, nâng cao chất lượng dạy - học… Nhưng, liệu như thế là đã đủ?

Thực ra, Việt Nam thuộc số ít quốc gia có tỷ trọng GDP dành cho giáo dục cao nhất thế giới, tuy nhiên mức chi cho giáo dục bằng ngân sách nhà nước tính cho một học sinh, sinh viên còn ở mức thấp so với ngay cả một số quốc gia trong khu vực. Chưa kể, do điều kiện đặc thù, ngân sách đầu tư cho giáo dục được dành phần lớn để chi cho con người, thực hiện cải cách tiền lương, chế độ phụ cấp ưu đãi, học bổng..., phần chi khác rất ít, không đủ để mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy học, nâng cấp trường lớp... Thêm nữa, theo số liệu được công bố tại một hội thảo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, phần chi cho giáo dục từ ngân sách nhà nước chỉ bằng 60% tổng chi cho giáo dục, 40% còn lại do người dân đóng góp nên với nhiều gia đình nghèo, gánh nặng học hành luôn trĩu trên vai. Nguồn ngân sách cấp hằng năm còn hạn hẹp và mức thu học phí rất thấp khiến các cơ sở giáo dục không có đủ nguồn lực để bổ sung thu nhập cho giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng GD&ĐT tương xứng với đòi hỏi cần có trong giai đoạn phát triển mới. Quan điểm coi giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu chưa thực sự "ngấm" vào nhận thức của lãnh đạo nhiều cấp, thậm chí có nơi, ngân sách vốn eo hẹp lại còn được chi cho những mục đích khác. Thực tế này lâu nay là nguyên nhân khiến ngành giáo dục loay hoay giải bài toán về phát triển quy mô, nâng cao chất lượng mà chưa được như yêu cầu.

Giáo dục đang ở trung tâm của sự phát triển, trong sự quan tâm sâu sắc của mỗi gia đình và cộng đồng. Giáo dục và đào tạo được khẳng định là quốc sách hàng đầu nhưng cần được nhận thức đầy đủ và thể hiện bằng hành động cụ thể trên thực tế, trước hết là tập trung ưu tiên về nguồn lực tài chính, con người và cần có cơ chế quản lý đặc thù. Đó là điều kiện tiên quyết để giáo dục, đào tạo có thể đổi mới căn bản và toàn diện, góp phần quan trọng vào công cuộc chấn hưng đạo đức và văn hóa xã hội.

Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đổi mới căn bản và toàn diện chất lượng giáo dục và đào tạo trở thành đòi hỏi cấp bách. Song, sự đổi mới ấy chỉ có được khi xác định rõ vai trò trọng yếu của giáo dục, để đầu tư cho giáo dục không phải theo cách cho một thứ phúc lợi, mà phải thực sự là đầu tư cho phát triển.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới tư duy đầu tư cho giáo dục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.