(HNM) - Ngày 21-4, ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị lần thứ tư, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải và các đồng chí Phó Bí thư Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội đã thảo luận và thông qua 5 chương trình công tác toàn khóa.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Bá Hoạt |
Đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ
Mở đầu, hội nghị thảo luận về Chương trình "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ; tiếp tục thực hiện Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) tạo sự chuyển biến mạnh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng hệ thống chính trị các cấp thực sự trong sạch, vững mạnh". Điều hành phần này, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định, đây là chương trình đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa "xương sống" nhằm thực hiện 2 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm đề ra trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Trình bày dự thảo lần thứ 4 của chương trình, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo cho biết, kế thừa, bổ sung và phát triển Chương trình 01 của nhiệm kỳ trước, chương trình tập trung vào các mục tiêu, chỉ tiêu liên quan đến yếu tố con người. Thành ủy xác định, thông qua chương trình xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh, có đủ năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Hằng năm, có trên 50% tổ chức cơ sở đảng đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh; trên 70% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Các chỉ tiêu về trình độ của cán bộ các cấp đều cao hơn so với nhiệm kỳ trước. Có hai chỉ tiêu mới được đưa vào chương trình là cán bộ diện BTV cấp ủy quản lý bảo đảm tỷ lệ cán bộ trẻ 10%, cán bộ nữ 15% trở lên và hoàn thành tinh giản tối thiểu 10% tổng biên chế cán bộ, công chức, viên chức thành phố được giao năm 2015.
Để thực hiện mục tiêu, thành phố sẽ tiến hành thí điểm hình thức thi tuyển một số chức danh lãnh đạo cấp sở, ban, ngành thành phố. Thẩm quyền, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy và mối quan hệ của cấp ủy đảng với hệ thống chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội các cấp sẽ được quy định rõ hơn. Đặc biệt, thành phố đổi mới về cơ chế đánh giá cán bộ, lấy tiêu chuẩn hoàn thành nhiệm vụ làm thước đo, đồng thời mở rộng các kênh thông tin trong đánh giá cán bộ. Thành phố sẽ tiếp tục điều động, luân chuyển cán bộ trẻ từ thành phố về cơ sở; cán bộ chủ chốt các ban, ngành, sở và địa phương để đào tạo, bồi dưỡng. Đáng chú ý, thành phố không điều động cán bộ cơ sở hạn chế về năng lực, trình độ, uy tín thấp về các cơ quan cấp trên.
Phấn đấu 80% số xã trở lên và 15 huyện nông thôn mới
Dự thảo Chương trình "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020" cũng dành được sự đồng thuận cao tại hội nghị. Mục tiêu đến năm 2020, thành phố phấn đấu tăng trưởng sản xuất nông nghiệp bình quân 3,5-4%/năm trở lên; giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế đạt 250 triệu đồng/ha trở lên; đưa tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ 25% đến 35% trở lên trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố. Thành phố phấn đấu đến năm 2020 có 80% số xã trở lên và 15 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập của nông dân đạt 49 triệu đồng/người/năm trở lên; tỷ lệ có việc làm thường xuyên đạt 95%; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn dưới 1,5%. Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt 100%. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 85% trở lên.
Đóng góp vào chương trình này, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Nguyễn Tất Thắng đề nghị, thành phố cần nghiên cứu để có cơ chế tạo điều kiện thu hút mạnh đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, nhất là chính sách về tích tụ ruộng đất và hỗ trợ xây dựng hạ tầng. Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Trịnh Thế Khiết cho rằng, diện tích sản xuất nông nghiệp thành phố hiện nay chủ yếu vẫn là trồng lúa. Để tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích, thành phố nên rà soát quy hoạch, sớm công bố để nông dân, doanh nghiệp chủ động đầu tư. Bí thư Huyện ủy Ba Vì Hà Xuân Hưng bổ sung, sự hỗ trợ của các quận nội thành đối với các huyện ngoại thành còn khó khăn trong xây dựng nông thôn mới là rất quý. Việc đưa nội dung này vào chương trình này là rất cần thiết. Nhờ chủ trương của Thành ủy, từ năm 2014 đến nay, 7 quận nội thành đã hỗ trợ huyện Ba Vì hơn 80 tỷ đồng giúp xây dựng 41 nhà văn hóa thôn. Còn Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Huy Việt đề nghị phải kiểm soát việc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, vì mỗi năm cả nước nhập khẩu hơn 700 triệu USD thuốc bảo vệ thực vật các loại, nhập lậu cũng phức tạp, trong khi nông dân không biết đâu là chất cấm, chất độc hại.
Kết luận nội dung này, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, các chỉ tiêu sẽ được giữ nguyên nhằm khẳng định quyết tâm rất cao trong thực hiện chương trình.
Xây dựng nền hành chính phục vụ, hiện đại, chuyên nghiệp
Dự thảo Chương trình "Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức giai đoạn 2016-2020" thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ. Các mục tiêu, chỉ tiêu được đưa ra hết sức cụ thể với lộ trình được định rõ.
Mục tiêu của chương trình là "Xây dựng nền hành chính phục vụ, hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả". Trọng tâm CCHC là cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm tính công khai, minh bạch, giảm thiểu thời gian và chi phí tuân thủ TTHC… Đến cuối năm 2016, tất cả cơ quan, đơn vị công khai, minh bạch quy chế làm việc, quy trình giải quyết công việc trong nội bộ cơ quan, đơn vị; quy trình giải quyết công việc với nhân dân, tổ chức và doanh nghiệp. Đến cuối năm 2017, các sở, ban, ngành, cấp huyện và cấp xã cung cấp 40-50% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4; đến năm 2020 tăng lên đến 70-80%. Đến năm 2018, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về sự phục vụ của cơ quan hành chính và giải quyết TTHC đạt trên 80%…
Chương trình xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nhiệm vụ đầu tiên là cải cách thể chế xác định trong năm 2016, tất cả cơ quan, đơn vị xây dựng xong quy chế, quy định và phân công
rõ trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn; xác định rõ những việc được làm, không được làm cho từng bộ phận, từng đơn vị.
Thảo luận về chương trình, hầu hết ý kiến đồng tình và quyết tâm thực hiện chương trình. Trước một số ý kiến lo ngại về tiến độ thực hiện một số chỉ tiêu, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã phân tích, chỉ rõ căn cứ số liệu và giải pháp khả thi cho thấy, việc đưa thời hạn cụ thể đối với các chỉ tiêu thực hiện chương trình đã được tính toán, cân nhắc trên cơ sở thực tiễn.
Từng bước xây dựng quy tắc ứng xử người Hà Nội
Dưới sự điều hành của Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc, vấn đề xây dựng văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã trở thành tâm điểm trong phần thảo luận về dự thảo Chương trình "Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020". Các đại biểu cho rằng, việc dành ra 8-10% ngân sách để đầu tư cho phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là rất cần thiết, sẽ là động lực để cải thiện tình hình hiện nay. Bí thư Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Văn Thắng đề xuất 4 điểm cần tập trung thực hiện để xây dựng văn hóa, trong đó có văn hóa hội họp. Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị phải đưa nội dung "Xây dựng văn hóa Hà Nội tiêu biểu cho văn hóa dân tộc" vào trong chương trình. Đồng chí cũng đề nghị nên thẳng thắn nêu trong chương trình để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có cơ chế khai thác và sử dụng có hiệu quả công trình Bảo tàng Hà Nội.
Trao đổi về chương trình này, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, Thường trực Thành ủy đã thống nhất chỉ đạo là Sở VH-TT trình nội dung “Bộ quy tắc ứng xử người Hà Nội” trên tinh thần đi dần dần vào những quy tắc ứng xử của từng bộ phận nhỏ trong đời sống xã hội.
Hôm nay 22-4, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố tiếp tục làm việc.
Chú trọng cả hai nhiệm vụ "xây" và "chống" Cũng trong ngày làm việc ngày 21-4, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã thảo luận và nhất trí thông qua Chương trình "Tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới". Chương trình đề ra 5 mục tiêu, 2 yêu cầu, 8 nhóm giải pháp chung, 6 nhóm giải pháp cụ thể. Chương trình nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động trong công tác quốc phòng - an ninh, giữ gìn TTATXH. Thành phố xác định mục tiêu giữ vững ổn định chính trị TTATXH trong mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ. Thành ủy yêu cầu, quá trình triển khai thực hiện chương trình phải quán triệt quan điểm: "Chủ động phòng ngừa trên cơ sở giữ vững bên trong là chính, lấy tấn công để phòng ngừa; xác định "tự bảo vệ" là nội dung cốt lõi của sự nghiệp bảo vệ quốc phòng - an ninh, giữ gìn TTATXH”... |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.