(HNM) - Hôm qua (21-3), Quốc hội đã khai mạc kỳ họp thứ mười một - Kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ khóa XIII. Dự kiến kéo dài trong 19 ngày (từ ngày 21-3 đến 12-4), tại kỳ họp này Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận và quyết định nhiều nội dung, công việc quan trọng. Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, kỳ họp thứ mười một là kỳ họp có khối lượng công việc khá lớn, nhiệm vụ rất nặng nề và trách nhiệm cũng thật lớn lao.
Cụ thể, trong kỳ họp này Quốc hội sẽ đánh giá về chặng đường đã qua; xem xét những nội dung về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đề ra những việc cần làm ngay trong năm 2016 và các năm tiếp theo của kế hoạch 5 năm tới; thông qua các dự án luật quan trọng; tổng kết công tác nhiệm kỳ của các cơ quan nhà nước, Quốc hội và Chính phủ; xem xét báo cáo của cử tri… Đặc biệt, Quốc hội sẽ dành 10,5 ngày trong 19 ngày dự kiến để xem xét, quyết định về công tác nhân sự, trong đó có kiện toàn, bầu mới các chức danh chủ chốt của Nhà nước như Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội… Đây là vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt của cử tri và nhân dân cả nước.
Trước đây có một thời gian dài, cuộc bầu cử Quốc hội và kỳ họp đầu tiên của Quốc hội diễn ra sau Đại hội Đảng toàn quốc tới hơn một năm. Đi sâu phân tích, tình trạng đó được coi là "khoảng trống" khi quyền lực chính trị không được gắn với quyền lực nhà nước, cán bộ được Đảng dự kiến phân công thay thế lại chưa có sự chính danh nên không thể thúc đẩy công việc, chưa thể sắp xếp bộ máy mới, phải chờ tới kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới để bắt tay vào việc kiện toàn nhân sự và chắc chắn phải tới hàng tháng trời sau đó mới có thể hoàn tất công việc này. TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, người có rất nhiều năm gắn bó với Quốc hội cho rằng, thực tế đó dẫn đến tình trạng ngưng trệ công việc của đất nước, dù muốn hay không vẫn là một thực tế khách quan.
Một ngày, trên dải đất hình chữ S này có bao nhiêu công việc hệ trọng liên quan đến sự phát triển của đất nước, liên quan đến đời sống dân sinh đòi hỏi bộ máy chính quyền các cấp phải vận hành để giải quyết, trong khi đó lại xuất hiện những "khoảng trống" trong thời gian dài như nêu trên ắt sẽ gây khó khăn, lúng túng cho cả công tác lãnh đạo của Đảng và công tác quản lý của Nhà nước. Điều đó quả thực là nguy hiểm khi dòng chảy của cuộc sống là sự vận động không ngừng nghỉ. Chính vì lẽ đó mới xuất hiện sự nghi ngại của dư luận sau những cụm từ như "hoàng hôn nhiệm kỳ", hoặc "quả bóng" công việc được chuyền qua, đá lại mà không thể quy kết cá nhân, tập thể nào phải chịu trách nhiệm chính trong những thời điểm "nhạy cảm"...
Thực tế đó đòi hỏi phải thu hẹp thời gian chuyển tiếp quyền lực để xóa những "khoảng trống", trong đó đặc biệt là "khoảng trống" về trách nhiệm như đã nêu. Khắc phục vấn đề này, Hiến pháp trao quyền Quốc hội bầu, miễn nhiệm các chức danh nhà nước tại bất cứ kỳ họp nào, chứ không nhất nhất phải đợi kỳ họp đầu tiên để bầu, phê chuẩn cả bộ máy. Và cơ chế này đã được vận hành ở các nhiệm kỳ Quốc hội khóa X, khóa XI.
Như chúng ta đã biết, một phương thức quan trọng để lãnh đạo là Đảng lựa chọn cán bộ để giới thiệu với Nhà nước bầu và sắp xếp vào các chức vụ trong bộ máy. Qua đó, những chủ trương, chính sách lớn của Đảng được đưa vào, cụ thể hóa vào hoạt động của Nhà nước. Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước không tái cử BCH Trung ương. Vì vậy, Bộ Chính trị đã xem xét cẩn trọng cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn, từ đó thống nhất cao việc đề nghị Trung ương cho thực hiện kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan nhà nước tại kỳ họp thứ mười một, Quốc hội khóa XIII theo quy định của pháp luật. Đó là một sự đổi mới cần thiết và triệt để trong một nhiệm kỳ được coi là tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, đáp ứng yêu cầu nhanh chóng triển khai tổ chức đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống bằng một bộ máy nhà nước được kiện toàn, sắp xếp hoàn chỉnh, không có những "khoảng trống" về trách nhiệm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.