Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi mới trên tầm cao mới

Thế Phương| 30/03/2011 06:30

(HNM) - Kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII đã kết thúc.


Có thể thấy trong nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội đã đổi mới trên nhiều lĩnh vực hoạt động, khẳng định bản lĩnh trước việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Qua các hoạt động giám sát các đại biểu Quốc hội đã kịp thời phát hiện và có các kiến nghị đúng đắn nhằm điều chỉnh, bổ sung các cơ chế chính sách giảm thiểu những hệ lụy nảy sinh, chấn chỉnh kịp thời các sai phạm. Công tác tiếp xúc cử tri theo hướng ngày càng thiết thực, hiệu quả. Hình thức tiếp xúc cử tri phong phú, bước đầu khắc phục tình trạng "đại cử tri", "cử tri chuyên nghiệp"…

Hoạt động lập pháp của Quốc hội đã được đẩy mạnh, cả về số lượng, chất lượng và quy trình, thủ tục. Trong 4 năm, Quốc hội đã thông qua gần 70 luật, hơn 10 nghị quyết; Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 13 pháp lệnh và 7 nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật. Quy trình lập pháp tiếp tục được đổi mới, cải tiến theo hướng nâng cao chất lượng, tăng tính chủ động, cụ thể trong văn bản pháp luật. Một số khâu trong quy trình lập pháp đã có sự thay đổi, bảo đảm khoa học, dân chủ và chặt chẽ hơn.

Tuy nhiên cũng tại kỳ họp này, với tâm huyết và trách nhiệm, nhiều đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế với mong muốn hoạt động của cơ quan lập pháp tối cao ngày càng hiệu quả hơn. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến tính chuyên nghiệp trong hoạt động của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội. Đây là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến một thực trạng đã tồn tại từ lâu: chất lượng xây dựng pháp luật chưa cao, việc xây dựng pháp luật phụ thuộc rất nhiều vào cơ quan soạn thảo, do vậy, nhiều dự án luật rất cần thiết nhưng tiến độ xây dựng, thảo luận và thông qua chậm, chưa đáp ứng được đòi hỏi từ thực tế…

Cũng tại kỳ họp này, Luật Thủ đô, một bộ luật có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của Hà Nội thêm một lần "lỗi hẹn", có thể còn tiếp tục là vấn đề "nóng" của các kỳ họp Quốc hội sắp tới. Một bộ luật mới có phạm vi điều chỉnh rộng lại liên quan đến nhiều bộ luật khác, do vậy trong thời điểm này chưa tạo được sự đồng thuận cao trong Quốc hội cũng là bình thường. Thế nhưng có một thực tế là Hà Nội, trái tim của cả nước đang phải gánh chịu áp lực lớn về sức ép dân số, cơ sở hạ tầng... chưa kể từ thực tế tiến trình xây dựng Thủ đô đàng hoàng hơn, to đẹp hơn đang rất cần những cơ chế đặc thù được quy định trong Luật Thủ đô là đòi hỏi chính đáng. Và đây cũng là vấn đề rất đáng để mỗi người yêu Hà Nội càng phải thêm suy ngẫm.

Trong tiến trình hội nhập quốc tế, chịu tác động trực tiếp của đời sống kinh tế xã hội thế giới, việc nâng cao năng lực trong các hoạt động của Quốc hội và đại biểu Quốc hội là vô cùng cần thiết. Sự thận trọng trước những quyết định quan trọng thể hiện trách nhiệm của những người đại biểu nhân dân, nhưng xây dựng luật pháp, tạo hành lang pháp lý để giải quyết hàng loạt vấn đề bức xúc của xã hội là đòi hỏi cấp bách và cần thiết.

Cử tri cả nước mong mỏi Quốc hội tiếp tục đổi mới hơn nữa trong các hoạt động lập pháp, giám sát… các đại biểu Quốc hội nắm bắt sâu sắc các vấn đề, đưa ra đề xuất và có các quyết định phù hợp ở tầm cao trí tuệ đáp ứng các yêu cầu thực tế đất nước đặt ra.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới trên tầm cao mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.