(HNM) - Khái niệm đổi mới sáng tạo được hiểu là việc tạo ra và ứng dụng các thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa, nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội.
Trong 20 năm trở lại đây, đổi mới sáng tạo là động lực quan trọng đối với tăng năng suất, hiệu quả, tăng trưởng và năng lực cạnh tranh quốc gia trong dài hạn. Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của hầu hết các quốc gia, đổi mới sáng tạo là một trong những yếu tố quan trọng nhất và trở thành “chìa khóa thành công”.
Tại Việt Nam, Nghị quyết số 52-NQ/TƯ ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho thấy Đảng ta sớm nhận ra cơ hội này và chủ động đề ra chủ trương, chính sách lớn.
Với tinh thần đó, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1-1-2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1-1-2021 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021 đã nhấn mạnh vai trò của đổi mới sáng tạo. Cụ thể hóa, ngay trong những ngày đầu năm 2021, dự án Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia - nơi sẽ quy tụ các doanh nghiệp công nghệ, cung cấp cơ sở nghiên cứu, không gian làm việc, thử nghiệm sản phẩm đã được khởi công xây dựng. Theo đó, các ý tưởng đổi mới sáng tạo được đưa vào hệ sinh thái đầy đủ và hỗ trợ thông qua các cơ chế thuận lợi, đặc thù, từ đó thúc đẩy đầu tư, phát triển và thương mại hóa sản phẩm.
Cùng với “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được phê duyệt giữa năm 2020, bước sang năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030. Dự kiến trong năm nay, sẽ có thêm nhiều nội dung được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, như Đề án phát triển kinh tế số Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam…
Hiện, Việt Nam đứng thứ 42/131 quốc gia, vùng lãnh thổ; đứng đầu nhóm 29 quốc gia, nền kinh tế cùng mức thu nhập về Chỉ số đổi mới sáng tạo, tăng 10 bậc so với năm 2015. Các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn hình thành đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ tiên tiến của thế giới vào sản xuất nông nghiệp, công nghiệp… Khủng hoảng Covid-19 đã tạo ra xúc tác, thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, với hơn một nửa số doanh nghiệp trong nước đã sử dụng các công cụ và nền tảng số. Từ tháng 3-2020, số dịch vụ công trực tuyến tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia cũng tăng 11 lần… Đây là nền tảng quan trọng cho đổi mới sáng tạo trong thời gian tới.
Phát biểu tại lễ khởi công dự án Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia và khai mạc Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam 2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, để thực hiện khát vọng vươn lên, chúng ta phải dựa vào tri thức, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây là yếu tố nội sinh quan trọng của tăng trưởng. Chính công nghệ mới cùng nguồn nhân lực phù hợp là chìa khóa để đột phá trong phát triển.
Tuy nhiên, để làm được điều đó, trước hết chúng ta phải vượt qua không ít rào cản, như tỷ lệ chi cho khoa học công nghệ, cả khu vực nhà nước và tư nhân vẫn thấp, chỉ khoảng 0,44% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), trong khi mức bình quân của thế giới là 2,23% GDP. Mức độ sẵn sàng về công nghệ và năng suất lao động vẫn tụt hậu so với một số nước trong khu vực. Các chính sách, cơ chế kích thích sáng tạo còn thiếu đồng bộ.
Nói cách khác, vai trò của Nhà nước trong xây dựng và bảo đảm thực thi hiệu quả hành lang pháp lý cho đổi mới sáng tạo vô cùng quan trọng. Bởi các chính sách, cơ chế, quy định khả thi, công bằng, minh bạch sẽ kích thích đổi mới sáng tạo, thu hút sự đầu tư, tham gia của các nhà khoa học, doanh nghiệp và xã hội. Một hành lang pháp lý rõ ràng có thể giúp doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có môi trường thử nghiệm ý tưởng, biến ý tưởng thành những sản phẩm hữu ích.
Ngược lại, nếu không gỡ được “rào cản”, tri thức, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo không thể trở thành “chìa khóa thành công”, để kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bứt phá như kỳ vọng.
Vì thế, sự kiện khởi công Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia không chỉ hướng tới một hệ sinh thái cho khởi nghiệp sáng tạo mà còn được kỳ vọng sẽ làm thay đổi về tư duy và lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.