Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi mới quản lý quy hoạch, đô thị và trật tự xây dựng

Nhóm phóng viên| 16/03/2022 06:27

(HNM) - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 2-3-2022 về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Chỉ thị nêu rõ, các cơ quan chuyên môn, quận, huyện, thị xã cần tập trung nêu cao vị trí, vai trò gắn với việc cá thể hóa trách nhiệm chỉ đạo; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành để công tác quy hoạch có nhiều đổi mới cả về tư duy và hành động.

Chỉ thị số 14-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội bảo đảm công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, đô thị và trật tự xây dựng được thực hiện tốt hơn. Ảnh: Đỗ Tâm

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong:
Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền quản lý quy hoạch cho các địa phương

Bám sát Chỉ thị số 14-CT/TU, Sở Xây dựng Hà Nội tiếp tục chú trọng hơn nữa công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc gắn với từng đồ án quy hoạch. Sở cũng sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý hoạt động đầu tư xây dựng theo quy hoạch được phê duyệt; rà soát, tổng hợp các trường hợp vi phạm để có kế hoạch xử lý, khắc phục dứt điểm; tập trung rà soát, nghiên cứu để đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền quản lý quy hoạch cho các địa phương, gắn trực tiếp trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở trong xử lý tồn tại cũ và nếu để phát sinh các trường hợp vi phạm về đất đai.

Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh:
Hạn chế thấp nhất việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch

Việc Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 14-CT/TU là hết sức cần thiết, bảo đảm công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch được thực hiện tốt hơn. Thực tiễn cho thấy, quy hoạch phải có tầm nhìn chiến lược phát triển, đồng bộ giữa quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị với các quy hoạch chuyên ngành, sát với tình hình thực tiễn và nhu cầu phát triển của thành phố nói chung, mỗi địa phương nói riêng, trong từng giai đoạn; cần hạn chế thấp nhất việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch và phải bám sát quy định của Luật Quy hoạch 2017, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng... để khẩn trương rà soát, đẩy nhanh tiến độ phủ kín các quy hoạch còn thiếu...

Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm:
Nâng cao chất lượng quản lý đáp ứng yêu cầu phát triển mới

Thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TU, quận Hoàng Mai sẽ tập trung chỉ đạo các cấp, ngành xây dựng kế hoạch cụ thể, tập trung quán triệt, thực hiện tốt theo phương châm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả”. Tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời vi phạm, siết chặt kỷ cương, kỷ luật trên địa bàn từng phường để nâng cao chất lượng quản lý, đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Đẩy mạnh cơ chế tự quản cộng đồng trong quản lý đô thị. Rà soát, sắp xếp, tiêu chuẩn hóa hệ thống biển hiệu, quảng cáo ngoài trời, quản lý vỉa hè, lòng đường, kiên quyết không để phát sinh tình trạng nhà “siêu mỏng, siêu méo”. Thực hiện chế độ xử lý trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.

Bà Nguyễn Thị Ly, tổ dân phố 20, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm:
Cần coi trọng việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong quá trình lập, thẩm định quy hoạch

Những ngày gần đây, cư dân Khu đô thị Goldmark City (136 Hồ Tùng Mậu, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm) đang căng băng rôn, khẩu hiệu phủ kín các tòa nhà để phản đối chủ đầu tư. Được biết, trong quá trình xây dựng dự án, chủ đầu tư đã 3 lần xin điều chỉnh quy hoạch sau khi đã ký hợp đồng mua bán với khách hàng mà không hề hỏi ý kiến cư dân. Đây chỉ là một trong rất nhiều dự án mà chủ đầu tư, cơ quan quản lý đã điều chỉnh quy hoạch cục bộ nhưng không coi trọng việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư khi lập và thẩm định quy hoạch; thậm chí, bỏ qua sự phản biện của tổ chức xã hội, nghề nghiệp, sự tham vấn chuyên môn của các chuyên gia..., dẫn đến những tranh chấp, khiến nại. Thực tế này cho thấy, cần coi trọng việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong quá trình lập, thẩm định quy hoạch.

Ông Đặng Xuân Mười, phố Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa:
Tăng cường cơ chế tự quản, phát huy vai trò của nhân dân trong quản lý trật tự xây dựng

Nhiều năm nay, vi phạm về trật tự xây dựng vẫn là vấn đề nhức nhối, gây bức xúc dư luận, mất ổn định trật tự xã hội tại nhiều địa bàn của thành phố. Vì vậy, dư luận rất mong các cấp, các ngành, đặc biệt là chính quyền các quận, huyện, thị xã chấn chỉnh kỷ cương, xử lý trách nhiệm cụ thể, đặc biệt là người đứng đầu nếu để xảy ra vi phạm trên địa bàn mình quản lý. Đúng như Chỉ thị số 14-CT/TU nêu rõ, để chấm dứt tình trạng vi phạm về trật tự xây dựng, trước tiên cần tổ chức rà soát, thống kê cụ thể các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trong giai đoạn trước để xử lý nghiêm minh, dứt điểm. Đồng thời phối hợp chặt chẽ trong công tác thanh, kiểm tra để phát hiện kịp thời và xử lý các sai phạm mới phát sinh; tăng cường cơ chế tự quản, phát huy vai trò của nhân dân trong quản lý trật tự xây dựng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới quản lý quy hoạch, đô thị và trật tự xây dựng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.