(HNM) - Là địa phương có số đảng viên và chi bộ lớn nhất cả nước, Đảng bộ TP Hà Nội đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao vai trò lãnh đạo của các loại hình chi bộ, nhất là chi bộ ở địa bàn dân cư.
Việc Thành ủy chính thức thông qua và triển khai Đề án kiện toàn, sắp xếp mô hình tổ chức Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị (HTCT) trên địa bàn dân cư; chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt đảng, tăng cường phát triển đảng viên... là giải pháp thiết thực tăng sức mạnh của loại hình chi bộ này.
Việc khó, cần có quyết tâm
Khắc phục tình trạng thiếu nguồn cũng như tư tưởng ngại khó, của một số cấp ủy, đảng bộ các quận, huyện đã tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giao chỉ tiêu phát triển đảng viên cho từng tổ chức đảng. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phú Xuyên Phạm Hùng Vỹ cho biết, bằng cách này, năm 2012, Đảng bộ huyện đã kết nạp trên 40% quần chúng trực tiếp sản xuất nông nghiệp vào Đảng; năm nay dự kiến vượt chỉ tiêu. Quận ủy Hai Bà Trưng đã triển khai chuyên đề "Công tác kết nạp đảng viên của 20 đảng bộ phường" với 16/20 đảng bộ phường đạt và vượt chỉ tiêu kết nạp. Hướng vào lớp trẻ, đoàn viên để bồi dưỡng, tạo nguồn, từ năm 2011 đến tháng 9-2013, Đảng bộ quận Tây Hồ đã kết nạp 246 đảng viên, trong đó có 54,4% là đoàn viên.
Qua kết quả của các đảng bộ trên cho thấy, công tác phát triển đảng viên ở địa bàn dân cư không quá khó nếu như cấp ủy cơ sở có quyết tâm chính trị và cấp ủy cấp trên làm tốt công tác kiểm tra, giám sát. Sở dĩ ở những nơi, chi bộ đảng thờ ơ, né tránh nhiệm vụ phát triển đảng viên là do cấp ủy cấp trên chưa rốt ráo đôn đốc, kiểm tra. Do đó, muốn làm tốt công tác phát triển đảng viên ở địa bàn dân cư cần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, hoạt động của đoàn thể. Chỉ có như vậy, quần chúng mới thấy được lợi ích thiết thân khi tham gia các hoạt động của các tổ chức, đoàn thể, cảm tình và hình thành ý thức phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện để được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Xác định đây là chỉ tiêu pháp lệnh, chỉ tiêu đánh giá, phân loại tổ chức cơ sở đảng, Đảng ủy các xã, phường, thị trấn chỉ đạo các chi bộ chủ động xây dựng nguồn phát triển đảng. Không chỉ có đoàn viên mà cần quan tâm đến hội viên của các tổ chức, đoàn thể, quân nhân xuất ngũ... để bồi dưỡng, phát triển. Những cấp ủy làm tốt công tác phát triển đảng ở địa bàn dân cư đều phân công cấp ủy viên phụ trách địa bàn, trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng nguồn. Trên cơ sở lựa chọn được nguồn, các tổ chức đảng cần phân công đảng viên hướng dẫn, giúp đỡ quần chúng. Quá trình này đòi hỏi nỗ lực, trách nhiệm của tổ chức đảng và đảng viên. Hà Nội hiện có 8.645 chi bộ trực thuộc phường, xã, thị trấn, trong đó có 5.638 chi bộ địa bàn dân cư. Con số này đủ để nói lên ý nghĩa của việc đẩy mạnh phát triển đảng viên ở địa bàn dân cư hiện nay.
Hướng về cơ sở, tháo gỡ khó khăn
Nhận rõ yếu kém, bất cập ngay từ đầu nhiệm kỳ 2010-2015, Ban Tổ chức Thành ủy đã tham mưu cho Thành ủy nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ cơ sở; đổi mới hình thức, nội dung sinh hoạt, đề cao vai trò của cấp ủy và người đứng đầu. Huyện ủy Sóc Sơn đã thực hiện khá tốt chỉ đạo của Thành ủy khi triển khai Đề án "Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ nông thôn giai đoạn 2012-2015" gắn với xây dựng nông thôn mới, tập trung vào 3 nội dung: Bồi dưỡng nghiệp vụ, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, bí thư chi bộ; bổ sung cán bộ trẻ, có năng lực tham gia cấp ủy và hướng dẫn cụ thể nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ... Trong sinh hoạt Đảng của 196 chi bộ nông thôn, về cơ bản đã đổi mới nội dung, bàn thảo những vấn đề thiết thực, liên quan đến đời sống của nhân dân, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng chi bộ vững mạnh, phát triển đảng viên. Hình thức sinh hoạt cũng được đổi mới: Tăng các buổi sinh hoạt chuyên đề về dồn điền đổi thửa, hiến đất làm đường, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh... Huyện ủy Phúc Thọ cũng triển khai Đề án "Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trên địa bàn dân cư giai đoạn 2013-2015", bước đầu đã giúp cho các buổi sinh hoạt đi đúng trọng tâm, chất lượng hơn.
Rõ ràng, những bất cập, yếu kém, việc chưa khẳng định được vai trò lãnh đạo của một số cơ sở đảng không chỉ là lỗi của cấp ủy cơ sở mà còn là trách nhiệm của cấp ủy cấp trên. Vì vậy, việc cấp thiết cần làm là tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt để chi bộ thực sự là nơi lãnh đạo, quản lý, giáo dục, rèn luyện và bồi dưỡng cán bộ, đảng viên. Theo đó, cấp ủy cấp trên cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của cấp ủy cơ sở và đội ngũ đảng viên về vị trí, vai trò, ý nghĩa của sinh hoạt chi bộ; đồng thời, thường xuyên kiện toàn, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy viên, nhất là bí thư chi bộ. Cùng với bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết còn đòi hỏi người đứng đầu biết chủ động xây dựng chương trình sinh hoạt, gợi mở và tạo điều kiện cho đảng viên thảo luận các nội dung sinh hoạt thiết thực để từ đó chi bộ ban hành nghị quyết lãnh đạo. Ngoài việc đòi hỏi cấp ủy cơ sở tự đổi mới, thì cấp ủy cấp trên cần phân công cán bộ theo dõi và dự sinh hoạt để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đảng viên, từ đó có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cũng như phát hiện và giải quyết những vướng mắc, phát sinh ngay từ cơ sở.
Thống nhất, đồng bộ về mô hình
Địa bàn dân cư được ví như "cái phễu" rót mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống. Sức lan tỏa, độ "ngấm" của các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với cán bộ, nhân dân và trong cuộc sống như thế nào phụ thuộc rất lớn vào hiệu quả hoạt động của HTCT ở cơ sở, trong đó chi bộ đảng giữ vai trò hạt nhân lãnh đạo. Chính vì vậy, theo Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng, Thành ủy Hà Nội sẽ tập trung chỉ đạo triển khai có hiệu quả Đề án "Kiện toàn, sắp xếp mô hình tổ chức Đảng và các tổ chức trong HTCT trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn xóm ở xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội" (ban hành ngày 26-9-2013). Quan điểm của Thành ủy cũng rất rõ, việc kiện toàn, sắp xếp phải bảo đảm tính ổn định - đồng bộ - thống nhất trong toàn thành phố; duy trì mô hình đang hoạt động ổn định, hiệu quả; chỉ sắp xếp, kiện toàn ở những nơi chưa đồng bộ. Tới đây, Thành ủy sẽ sửa đổi, bổ sung Hướng dẫn số 17-HD/TU ngày 31-5-2004 của Thành ủy về "Chức năng, nhiệm vụ và tổ chức chi bộ tổ dân phố, khu dân cư trực thuộc đảng bộ xã, phường, thị trấn" và Hướng dẫn số 18-HD/TU ngày 31-5-2004 của Thành ủy về "Chức năng, nhiệm vụ và tổ chức chi bộ thôn, xóm trực thuộc đảng bộ xã trên địa bàn thành phố". Những việc làm này để giải quyết những bất cập trong tổ chức và hoạt động của HTCT ở cơ sở hiện nay, nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ đảng ở địa bàn dân cư, nhằm xây dựng đảng bộ Thủ đô trong sạch, vững mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.