Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi mới phương thức lãnh đạo của chi bộ đảng ở địa bàn dân cư: Đòi hỏi cấp thiết (tiếp)

Quốc Bình - Bình Yên| 05/11/2013 06:20

(HNM) - Dù các quận, huyện, thị xã đã chủ động kiện toàn, sắp xếp hệ thống chính trị (HTCT) ở địa bàn dân cư, song tình trạng chưa đồng bộ HTCT, một chi bộ phải lãnh đạo một địa bàn quá lớn hoặc nhiều chi bộ lại cùng lãnh đạo một thôn… hiện vẫn còn, làm hạn chế vai trò lãnh đạo của không ít chi bộ đảng.



Chưa kể, năng lực, trình độ của một số cấp ủy, tinh thần tự phê bình và phê bình của đảng viên còn hạn chế..., dẫn tới có chi bộ ban hành nghị quyết trái với nguyên tắc Điều lệ Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước.

Mô hình hệ thống chính trị chưa đồng bộ

Từ năm 2013 trở về trước, để nâng cao vai trò lãnh đạo của chi bộ cơ sở, đã có 16 quận, huyện, thị xã sắp xếp mô hình chi bộ và các tổ chức chính trị - xã hội đồng bộ theo khu dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm. Nổi bật về sự chủ động là Quận ủy Hoàn Kiếm. Từ năm 2006, Hoàn Kiếm đã triển khai Đề án số 01, kiện toàn, sắp xếp 772 tổ dân phố xuống còn 696 tổ dân phố dưới sự lãnh đạo của 156 chi bộ khu dân cư.

Tuy nhiên, sự bất cập, chồng chéo vẫn chưa được khắc phục triệt để. Ở phường, thị trấn vẫn còn 878 chi bộ (chiếm 32,5%) lãnh đạo không đồng bộ HTCT và có tới 159 thôn (thuộc xã) có 1.000 hộ dân trở lên. Đơn cử như thôn Quỳnh Đô, xã Vĩnh Quỳnh (Thanh Trì) có 4 xóm với hơn 1.000 hộ dân, 5.000 nhân khẩu. Địa bàn lớn như cả xã lại chỉ có một chi bộ lãnh đạo nên có lúc chưa kham hết công việc. Trong khi đó, tại huyện Mỹ Đức, có những nơi một chi bộ lãnh đạo cả chục thôn với trên 1.000 hộ.

Ông Lê Thanh N., cấp ủy viên một chi bộ thôn ở huyện Mỹ Đức bộc bạch: "Thôn tôi có hơn 700 hộ. Dù rất cố gắng, đảng viên của chúng tôi cũng không bao quát hết". Cá biệt có thôn Phú Xuyên, xã Phú Châu và thôn Vật Lại, xã Vật Lại (đều thuộc huyện Ba Vì) mỗi thôn có tới 13 chi bộ; hay thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh (huyện Mê Linh) có tới 9 chi bộ ở 9 xóm. Mỗi khi thôn có việc cần triển khai, trưởng thôn "triệu" tất thảy bí thư chi bộ để trao đổi… và trên thực tế cũng có vụ việc khó đi đến thống nhất cao. Trái lại, có chi bộ chỉ lãnh đạo tổ dân phố vài chục hộ dân (số tổ dân phố dưới 50 hộ dân trên địa bàn Hà Nội hiện là 1.097 tổ). Việc nhiều chi bộ lãnh đạo một thôn hay một chi bộ lãnh đạo một tổ dân phố có quá ít hộ đều dẫn tới những bất cập, làm hạn chế vai trò lãnh đạo của chi bộ đối với thôn, tổ dân phố, Ban công tác Mặt trận và các chi hội đoàn thể chính trị - xã hội.

Sinh hoạt còn hình thức, kém hiệu quả

Theo đánh giá của đảng bộ các quận, huyện, thị xã, số đông chi bộ ở địa bàn dân cư đã và đang duy trì đều đặn nền nếp sinh hoạt đảng. Tinh thần dân chủ, tính tiền phong gương mẫu của đảng viên, vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của các chi bộ được phát huy. Các chi bộ ở địa bàn dân cư, nhất là chi bộ nông thôn đã lãnh đạo thực hiện có kết quả nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, giải phóng mặt bằng, xóa đói, giảm nghèo...

Tuy nhiên, Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ Nguyễn Thị Tuyến đánh giá, chỉ 60% chi bộ cơ sở đạt các yêu cầu trên, còn lại 40% chưa đạt yêu cầu. Sự chưa đạt yêu cầu được thể hiện ở việc ban hành nghị quyết còn chung chung, chưa bám sát tình hình địa phương. Trong sinh hoạt cấp ủy, nhiều đảng viên vắng mặt, công tác phân công nhiệm vụ và quản lý đảng viên nhiều nơi chưa bảo đảm. Tính chiến đấu, tính giáo dục và tính lãnh đạo của một số chi bộ chưa cao. Không những thế, sự gắn kết giữa chi ủy với đảng ủy, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, giữa bí thư chi bộ với trưởng thôn ở một số nơi thiếu chặt chẽ.

Khảo sát 196 chi bộ nông thôn trên địa bàn, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Nguyễn Văn Phong nhận xét, nhiều chi bộ tuy sinh hoạt đều đặn nhưng nội dung còn chung chung, chủ yếu đọc tài liệu do Ban Tuyên giáo Thành ủy, Huyện ủy cung cấp, chưa tập trung thảo luận tình hình địa phương. Nhất là sau khi các HTX nông nghiệp giải thể, các chi bộ nông thôn rất lúng túng trong việc lựa chọn nội dung lãnh đạo. Chỉ nơi nào, cấp ủy nhất là người đứng đầu am hiểu, năng động mới "lái" buổi sinh hoạt đúng ý nghĩa thực sự, bàn và quyết những vấn đề thiết thực với địa phương, lãnh đạo sản xuất, công tác phát triển đảng viên. Tại huyện Thanh Oai, lãnh đạo Huyện ủy thừa nhận, nhiều chi bộ còn thiếu sáng tạo trong việc triển khai nghị quyết của cấp ủy cấp trên vào tình hình địa phương. Chưa kể, đảng viên thiếu nhiệt huyết, chưa tích cực tham gia góp ý kiến, cộng với sức ép của dòng họ, tính cục bộ của làng xóm nên tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình còn yếu; tình trạng "dĩ hòa vi quý" khá phổ biến.

Việc chậm đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt tự phê bình và phê bình; thiếu kiểm tra, giám sát cộng với trình độ, năng lực của một số cấp ủy, nhất là người đứng đầu hạn chế, khiến chi bộ cơ sở chưa phát huy vai trò lãnh đạo, giảm sức chiến đấu, thậm chí còn vi phạm nguyên tắc Điều lệ Đảng. Kiểm điểm theo Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", Huyện ủy Phú Xuyên thừa nhận công tác quản lý cán bộ, đảng viên còn lỏng lẻo, sơ hở dẫn tới cán bộ vi phạm pháp luật hoặc cố ý làm trái quy định của Đảng, Nhà nước về quản lý đất đai xảy ra ở các xã Quang Trung, Hoàng Long, Tri Thủy. Có chi ủy đầu năm 2010 ra nghị quyết trái với chủ trương của Đảng, Nhà nước, đến khi có công dân tố cáo (năm 2012), cấp ủy cấp trên mới kiểm tra, xử lý.

Chưa kể, vì sợ ảnh hưởng đến thành tích, khi phát hiện có vấn đề phức tạp nảy sinh nhưng chi bộ không kịp thời giải quyết dẫn tới trở thành "điểm nóng". Trên thực tế, trong một số trường hợp vi phạm pháp luật, bán đất trái phép đã xảy ra ở một số địa phương như Phú Xuyên, bí thư, phó bí thư chi bộ còn vận động đảng viên ủng hộ, ra nghị quyết "hợp thức hóa" việc bán đất công. Trường hợp khác, bí thư chi bộ không có hành động kịp thời ngăn chặn sai phạm của trưởng thôn, dẫn tới hành vi làm trái pháp luật, làm giảm lòng tin của nhân dân.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới phương thức lãnh đạo của chi bộ đảng ở địa bàn dân cư: Đòi hỏi cấp thiết (tiếp)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.