(HNM) - Việc đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt ở các chi hội, tổ phụ nữ trên địa bàn thành phố Hà Nội được triển khai khá linh hoạt với nhiều nội dung phong phú. Qua đó, thu hút, tập hợp đông đảo hội viên trẻ tham gia vào tổ chức Hội.
Trước đây, tại các buổi sinh hoạt của Chi hội Phụ nữ Tân Bình, Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ) chủ yếu triển khai nhiệm vụ công tác Hội và nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Nội dung sinh hoạt đơn điệu nên khó thu hút chị em phụ nữ tham gia vào tổ chức Hội. Năm 2023, tỷ lệ tập hợp thu hút phụ nữ tham gia sinh hoạt Hội của chi hội đạt 80,1% và là chi hội có tỷ lệ hội viên cao trên địa bàn thị trấn. Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Tân Bình Nguyễn Thị Minh cho biết, bí quyết của chi hội để đạt được kết quả đó chính là xây dựng và tổ chức các hoạt động phong trào đa dạng, phong phú. Đến nay, chi hội đã thành lập 2 đội bóng chuyền hơi với hơn 20 chị em tham gia thường xuyên, 2 nhóm nhảy dân vũ, 8 tổ tiết kiệm với nguồn vốn cho 12 chị em vay phát triển kinh tế quay vòng với lãi suất thấp.
Xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm) có nhiều phụ nữ làm nghề buôn bán vải, cắt may gia công, chế biến thuốc Nam, bận rộn với mưu sinh, nên nhiều người chưa thiết tha vào tổ chức Hội. Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn 7, xã Ninh Hiệp Nguyễn Thị Thanh Lan cho biết, trăn trở làm sao để thu hút hội viên, chi hội đã tổ chức các câu lạc bộ trang bị kỹ năng nuôi dạy con, giữ gìn hạnh phúc gia đình. Với phụ nữ cao tuổi, có câu lạc bộ về luyện tập sức khỏe, các buổi nói chuyện về chế độ dinh dưỡng. Với phụ nữ trẻ, có câu lạc bộ hỗ trợ chị em phát triển kinh tế… Dần dần, chị em phụ nữ đã tìm đến tổ chức Hội, đến nay đã đạt tỷ lệ 80%.
Hà Nội hiện có 747 cơ sở hội, 5.302 chi hội, 11.581 tổ phụ nữ. Số hội viên quản lý hiện nay là 908.973 hội viên. Toàn thành phố có 106 tổ phụ nữ trẻ, 115 chi, tổ, câu lạc bộ phụ nữ cao tuổi… Thực tế cho thấy, việc đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt ở các tổ chức cơ sở hội được triển khai khá linh hoạt; kịp thời nắm bắt tình hình đời sống, nguyện vọng của hội viên, nhất là những phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, nên ngày càng thu hút, tập hợp chị em tham gia vào tổ chức Hội. Tuy nhiên, tỷ lệ thu hút phụ nữ 18 tuổi trở lên tham gia tổ chức Hội còn thấp. Hiện nay, còn 49 xã, phường có tỷ lệ thu hút hội viên dưới 60% tổng số phụ nữ từ 18 tuổi trở lên.
Để làm tốt việc tập hợp phụ nữ trẻ, nhiều địa phương đã đổi mới và có những cách làm hiệu quả. Đơn cử, Hội Liên hiệp phụ nữ phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình) đã tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho phụ nữ trẻ hiểu rõ được quyền lợi khi tham gia tổ chức Hội. Đồng thời, tổ chức các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ trẻ, hỗ trợ vay vốn, đào tạo nghề, tạo việc làm... Tổ phụ nữ trẻ của phường Ngọc Khánh hiện có 30 hội viên.
Trong khi đó, Chi hội Phụ nữ số 11, phường Xuân La (quận Tây Hồ) thực hiện tốt việc phối hợp với tổ dân phố tổ chức rà soát các hộ gia đình có phụ nữ từ 18 tuổi trở lên, sau đó chỉ đạo tổ trưởng tổ phụ nữ gặp gỡ, tuyên truyền vận động phụ nữ tham gia vào tổ chức Hội; đồng thời tổ chức các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, như: Đổi rác nhựa lấy cây, vệ sinh môi trường, làm đẹp khu dân cư… Qua đó, tạo sự đổi mới, thu hút nữ trong độ tuổi thanh niên tự nguyện tham gia sinh hoạt Hội.
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Lê Kim Anh cho biết, thực hiện tốt phương châm “Thành phố vận dụng sáng tạo, huyện đồng hành cùng xã, xã nắm chắc hội viên, chi thấu hiểu phụ nữ”, thời gian tới, các cấp Hội sẽ tiếp tục rà soát, nắm chắc tình hình phụ nữ từ 18 tuổi trở lên tại địa bàn dân cư và thực hiện quản lý hội viên bằng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng hoạt động, sinh hoạt chi hội, tổ phụ nữ; đồng thời, quan tâm hỗ trợ các cơ sở có tỷ lệ thu hút hội viên từ 18 tuổi trở lên dưới 60%, có biện pháp tuyên truyền, vận động, tập hợp, thu hút phù hợp để xây dựng tổ chức Hội vững mạnh…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.